Chọn quay về, cùng TP.HCM viết tiếp giấc mơ khoa học

Dù đang sinh sống, làm việc trong hay ngoài nước, nhiều trí thức, chuyên gia, nhà khoa học luôn hướng về quê hương, đất nước. Không ít người trong số đó quay về, chọn .HCM làm nơi sinh sống, làm việc, khởi nghiệp. Đội ngũ này luôn sẵn sàng góp sức cho sự phát triển của TP.HCM trong nhiều lĩnh vực.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, GS-BS Nguyễn Thu Anh (ảnh), Giám đốc điều hành và nghiên cứu của Viện ĐH Sydney Việt Nam (VN), hiện sinh sống, làm việc ở TP.HCM, nói: “Khi quay trở về và gắn bó với quê hương, tôi luôn mong muốn góp sức, tạo ra nhiều giá trị cho mảnh đất này”.

GS-BS Nguyễn Thu Anh.

Nhìn thấy cơ hội để cống hiến cho xã hội, đất nước

. Phóng viên: Khi quyết định từ bỏ những cơ hội lớn ở nước ngoài để trở về quê hương có lẽ không phải là một quyết định dễ dàng. Bà có thể chia sẻ thêm về quyết định này?

+ GS-BS Nguyễn Thu Anh: Với một người làm khoa học như tôi thì môi trường nước ngoài rất cởi mở. Họ cho phép mình được thoải mái suy nghĩ, thoải mái sáng tạo, thoải mái tìm một con đường riêng, không có rào cản. Rào cản duy nhất chính là năng lực của bản thân. Mình có làm được hay không, có xin được kinh phí cho nghiên cứu hay không, có triển khai, thuyết phục được mọi người hợp tác hay không. Ý tưởng của mình có sáng tạo, có tiềm năng phát triển hay không…

Muốn nghiên cứu thành công phải có những ý tưởng táo bạo, có tác động lớn và mới đến xã hội. Môi trường nước ngoài cho mình rất nhiều cơ hội phát triển và triển khai các ý tưởng nghiên cứu. Họ luôn khuyến khích để mình làm tốt hơn, hỗ trợ các nhà khoa học rất nhiều để triển khai các ý tưởng đó.

Thực tế tôi có nhiều cơ hội làm việc ở môi trường nước ngoài nhưng tôi nghĩ VN là một đất nước đang phát triển nên sẽ có rất nhiều cơ hội. Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế mà tôi đang nghiên cứu, các vấn đề về bệnh truyền nhiễm ngày càng nhiều, bệnh huyết áp, tiểu đường… cũng dần tăng lên.

Tôi nhận ra VN có nhu cầu rất lớn và còn quá nhiều vấn đề bất cập trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu. Và tôi nhìn về những bất cập đó như một cơ hội lớn để mình có thể đóng góp cho đất nước. Làm trong lĩnh vực y tế, nếu sự đóng góp nhỏ của mình có thể thay đổi cuộc sống của 5-10 người cũng thấy cuộc sống của mình rất có ý nghĩa rồi…

. Sau một thời gian quay về, bà có những trải nghiệm thế nào về môi trường làm việc, cơ hội việc làm, cơ hội phát triển ở trong nước và cụ thể hơn là tại TP.HCM?

+ Năm 2009, tôi hoàn thành luận án tiến sĩ tại Hà Lan và trở về làm việc trong môi trường cơ quan nhà nước. Sau đó thì chuyển sang làm việc cho các tổ chức quốc tế. Tại tất cả vị trí công tác này, tôi nhận thấy cơ hội thành công trong lĩnh vực nghiên cứu ở VN là rất lớn.

Trong hơn 10 năm qua, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tập trung nghiên cứu để tìm kiếm các phương thức điều trị bệnh lao hiệu quả, cũng như những can thiệp cộng đồng nhằm tìm ra cách thức loại bỏ bệnh lao khỏi cộng đồng. Các nghiên cứu của chúng tôi đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học hàng đầu như The Lancet, News England Journal of Medicine, sau đó đã được Tổ chức Y tế Thế giới sử dụng kết quả để xây dựng hướng dẫn mới về quản lý chương trình lao trên toàn cầu, tới đây là thay đổi phác đồ điều trị dự phòng lao kháng thuốc. Thành công của chương trình nghiên cứu về bệnh lao tại VN là nhờ có tinh thần dám dấn thân và sự cộng tác sâu rộng của các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước.

Sau đó, tôi thấy tấm áo này vẫn chật. Tôi nghĩ ngoài bệnh lao, tiềm năng nghiên cứu trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, Net Zero, văn hóa, giáo dục, kinh doanh… ở VN còn rất lớn. Do vậy, tôi đã thuyết phục Trường ĐH Sydney đầu tư thành lập Viện ĐH Sydney VN và chọn TP.HCM là nơi đặt trụ sở chính. Đây là nơi mà các cơ quan hành chính nhà nước cởi mở, có hướng dẫn rõ ràng, quy trình đăng ký cũng khá thuận lợi.

Đồng thời, Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM do Quốc hội ban hành đã tạo ra những hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chúng tôi cũng biết được TP.HCM luôn mở cửa chào đón các trí thức quay lại làm việc hoặc đầu tư vào TP. Trong bối cảnh đó, Trường ĐH Sydney quyết định thành lập doanh nghiệp xã hội để đầu tư và triển khai các nghiên cứu khoa học đa ngành tại TP.HCM.

Giữa năm 2023, tôi chính thức chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM sinh sống. Tôi hy vọng TP sẽ sớm đưa ra các hướng dẫn cụ thể để hiện thực hóa những hỗ trợ đã nêu trong Điều 8 Nghị quyết 98/2023 nhằm thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu công nghệ nano tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Cần một cơ chế cởi mở để say mê nghiên cứu

. Vậy theo bà, TP.HCM cần làm gì để việc thu hút người giỏi, trí thức thực sự mang lại hiệu quả, là nơi “đất lành chim đậu” cho mọi người?

+ Trong cơ quan nhà nước, ngoài mức lương khá thấp thì cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để triển khai nghiên cứu cũng rất hạn chế. Trong đó, lớn nhất có lẽ là khó có đủ kinh phí để làm nghiên cứu và kể cả khi có kinh phí thì thủ tục thanh quyết toán cũng khá phức tạp.

Bên cạnh đó, việc đánh giá thế nào là một nghiên cứu khoa học thành công cũng là một rào cản. Ở VN, nếu tôi nghiên cứu về một phác đồ nhưng không hiệu quả thì có thể sẽ bị đánh giá đề tài thất bại. Còn ở nước ngoài, kể cả phác đồ đó không hiệu quả thì vẫn được đánh giá là thành công nếu chất lượng nghiên cứu tốt. Bởi nghiên cứu khoa học thì luôn có những rủi ro nhất định, không thể ngay lần đầu mà có thể có kết quả ngay.

Mong muốn của người làm nghiên cứu, trí thức và nhà khoa học, trên tất cả là để họ được say mê với công việc nghiên cứu. Để chúng tôi làm những công việc mình thích, được cống hiến và được nhìn thấy ý nghĩa của những dự án nghiên cứu, dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Nếu TP có cơ chế giúp nhà khoa học làm được những nghiên cứu có hiệu quả thì tôi tin giới trí thức sẽ quay về nhiều hơn nữa. Và cơ chế đó phải thực sự minh bạch trong quá trình thực hiện.

Tôi cũng nghĩ rằng TP cần sự thay đổi lớn trong đánh giá hiệu quả công việc, sự thành công của một dự án nghiên cứu. Đã làm sáng tạo thì phải có thất bại, phải có sự cạnh tranh lành mạnh. Hơn cả, không chỉ có sự tham gia của khối nhà nước mà còn phải có khối tư nhân, đảm bảo sự đánh giá là khách quan.

Đầu tư cho khoa học có lẽ sẽ là quyết định đầu tư khó khăn vì sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế ngay tức thời mà phải chờ đợi lâu dài. TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành con chim đầu đàn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học không chỉ ở VN mà còn trong khu vực nếu TP nhìn tới những giá trị xa hơn, có hỗ trợ thiết thực, lâu dài, hiệu quả và thiết lập các cơ chế, chương trình để kết nối đa ngành, đa lĩnh vực và đầu tư có trọng điểm.

TP cần những chính sách thật sự cụ thể để thu hút và giữ chân người giỏi. Ảnh: TTXVN

Để ai cũng muốn ở lại làm việc

. Như vậy, vấn đề cần thiết ở đây là phải làm sao để các chính sách có thể được thực thi hiệu quả nhất?

+ Khi Nghị quyết 98/2023 được đi vào vận hành, tức là TP.HCM đã có thêm lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành khác. Do vậy, TP cần sớm có các hướng dẫn cụ thể để hiệu quả chính sách tốt hơn. Có như thế thì các nhà đầu tư lớn mới sẵn sàng tham gia cùng. Trong lĩnh vực của mình, tôi ước tính trong năm năm đầu tiên, kinh phí mà Trường ĐH Sydney đầu tư khoảng 45 triệu đô la Úc là không hề nhỏ.

Trong Nghị quyết 98 có Điều 8 đề cập tới một số cơ chế, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo nhưng khi văn phòng được mở ở TP.HCM, chúng tôi kỳ vọng nó sẽ được hiện thực hóa nhanh chóng trong thời gian tới.

Hoạt động nghiên cứu khoa học không sinh lợi nhuận nhưng buộc phải trả thuế. Nếu tiền thuế đó có thể cho phép nhà khoa học được nghiên cứu đầu tư vào hoạt động nghiên cứu thì sẽ mang lại lợi ích cho TP.

Tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện một nghiên cứu trong lĩnh vực bệnh lao với khoản kinh phí là 15 triệu USD, mang lại lợi ích rất lớn cho người dân. Tôi nghĩ những nghiên cứu đó nên được miễn đánh thuế như đã đề cập trong Nghị quyết 98. Và tôi mong khi đã có cơ chế rồi thì hướng dẫn cũng cần có sớm và rõ ràng hơn, như vậy sẽ thu hút được nhiều nguồn lực hơn cho TP.

Rõ ràng là chính quyền TP.HCM đã rất cởi mở. Để các nhà khoa học có thể có các đóng góp thiết thực, tôi nghĩ TP cần có các đặt hàng cụ thể để nhà khoa học có thể định hướng nghiên cứu của họ và hiến kế cho TP.

. Xin cảm ơn bà.

*****

******

Anh Danny Võ Thành Đăng.

Anh Kimble Ngô

THANH TUYỀN thực hiện