Chủ động nắm bắt nguyện vọng của nhân dân

Toàn cảnh phiên họp

Ảnh: Lâm Hiển

Áp dụng pháp luật còn máy móc

Qua thống kê ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân sau Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội cho biết, cử tri đánh giá cao và đồng tình với những đổi mới của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cách thức tổ chức Kỳ họp. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch linh hoạt, khoa học, tạo được không khí sôi nổi, cởi mở nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc. Cử tri cả nước đánh giá, kết quả của Kỳ họp thứ Hai đã tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”; các hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ Quốc hội, đại biểu Quốc hội là cơ quan, là người đại diện của Nhân dân, gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân.

Báo cáo cũng nêu rõ 4 nội dung nổi lên được dư luận xã hội quan tâm và mong muốn sớm được giải quyết gồm: giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất tăng cao trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid - 19; tăng cường nhân lực, vật tư và trang thiết bị y tế cho các địa phương, quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở, cũng như tiến độ tiêm bao phủ vaccine; triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch; công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi cho học sinh trở lại trường.

Liên quan đến các vấn đề cử tri nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại thành phố Hồ Chí Minh đang có hàng nghìn người mắc Covid - 19 điều trị tại nhà nhưng không được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội. Để được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội người mắc Covid - 19 điều trị tại nhà phải có giấy nghỉ ốm mới được thanh toán chi phí chữa bệnh theo thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong điều kiện cụ thể hiện nay, người mắc Covid-19 điều trị tại nhà, cả chính quyền cơ sở, y tế cơ sở đều biết thì chúng ta có máy móc bắt buộc họ phải xin giấy nghỉ ốm nữa không? Đặt câu hỏi này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, việc áp dụng quy định pháp luật máy móc không chỉ tăng thủ tục hành chính cho người dân mà còn tăng thêm khối lượng công việc cho đội ngũ y tế vốn đang quá tải. Cơ sở y tế, thậm chí trạm y tế phường có thể xác nhận đây là người mắc Covid-19 để thay thế cho giấy nghỉ ốm được không?

Bên cạnh đó, tình trạng người lao động phải nộp tiền xét nghiệm, có người phải bỏ tiền túi trả tương đương gần hết cả tháng lương, đặc biệt là những bức xúc của dư luận xã hội về vụ “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 đang được cơ quan điều tra xử lý cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thẳng thắn chỉ rõ và đề nghị, Báo cáo công tác dân nguyện cần đề cập vấn đề này, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kể cả một số bộ, ngành để đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Lâm Hiển

Sẽ báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp bất thường

Đánh giá công tác tổng hợp, xây dựng Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội do Ban Dân nguyện chủ trì thực hiện đã ngày càng nền nếp và chất lượng hơn, song Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng đề nghị, cần nghiên cứu để từng bước chuẩn hóa bố cục của báo cáo hàng tháng, cũng như yêu cầu báo cáo đối với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Việc chuẩn hóa bố cục báo cáo công tác dân nguyện cũng sẽ phản ánh đúng tính thời sự của các thông tin trong báo cáo, thực sự là những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Trưởng ban Công tác đại biểu cũng đề nghị, trong Báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng của Quốc hội cần thiết kế thêm các mục, bảng biểu để theo dõi tiến độ thực hiện, để nhận rõ sự thay đổi rõ nét trong các nội dung công việc.

Nhất trí với các đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc bổ sung bảng biểu thống kê cụ thể từng nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho các cơ quan, đơn vị, đồng thời cập nhật tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao sẽ giúp theo dõi, đánh giá, thấy được sự chuyển biến chính xác hơn. Bên cạnh việc theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác dân nguyện, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần tăng cường hơn nữa việc giám sát, đôn đốc thực hiện giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. “Các cơ quan của Quốc hội chuyển đơn là một chuyện, nhưng vẫn phải giám sát, theo dõi công tác tổ chức thực hiện. Qua quá trình này có thể nghiên cứu, rà soát, đưa ra đề xuất về sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đã khái quát được toàn bộ công tác dân nguyện, từ tiếp nhận, xử lý, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư cũng như việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo cũng đã phản ánh khách quan những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo; đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế cần sớm khắc phục.

Với ý nghĩa hết sức quan trọng của công tác dân nguyện của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Báo cáo về ý kiến, kiến nghị của cử tri, để cung cấp thông tin cho Quốc hội tại kỳ họp bất thường, dù theo quy định Báo cáo này không được trình bày tại kỳ họp tới. Bởi, như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cần thông qua Mặt trận Tổ quốc và nhiều kênh, nhiều hình thức phù hợp để chủ động nắm bắt, theo dõi ý kiến, nguyện vọng của người dân, cử tri cả nước, nhất là một số vụ việc đang nổi cộm hiện nay.

Thanh Hải