Chùa Khai Nghiêm ở Bắc Ninh

Chùa Khai Nghiêm tên chữ là “Khai Nghiêm tự” tọa lạc ngay đầu làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh ắc Ninh. Dưới thời Lý – Trần chùa Khai Nghiêm đã trở thành danh lam thắng cảnh của nước Đại Việt. Hiện nay tại di tích còn bảo lưu được hệ thống di vật cổ cùng nhiều tư liệu Hán Nôm giá trị cho biết quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo và quy mô kiến trúc chùa Khai Nghiêm trong lịch sử.

Tác giả: Nguyễn Văn AnBảo tàng tỉnh Bắc Ninh

Theo nội dung văn bia “Khai Nghiêm bi ký” do Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu soạn vào ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Mão, niên hiệu Khai Hựu 11 (1339) đời vua Trần Hiến Tông cho biết:

“…Chùa Khai Nghiêm ở xã Thứ Nhị, tổng Như Ngột, miền lộ Bắc Hà là ngôi chùa do Công chúa Nguyệt Sinh triều Lý xây dựng. Xung quanh núi Tiên Sơn chầu phía Nam, sông Điềm Giang bao phía Bắc; cảnh đẹp cả một vùng thực đã quy tụ ở nơi đây. Nhưng tiếc thay quy mô xây dựng trước đã đổ nát chẳng còn được bao nhiêu. Lúc đó Chu Tuế làm chức Nội nhân Hỏa đầu dẫn dắt dân làng góp công xây dựng lại.

Khởi công từ năm Quý Dậu (1333) niên hiệu Khai Hựu thứ năm, đến năm Ất Hợi (1335) niên hựu Khai Hựu thứ bẩy thì xong. Trong chùa điện Phật, phòng tăng đều theo kiểu cũ. Ngày làm lễ khánh thành, già trẻ trong cả một vùng đều chắp tay khen ngợi, tưởng như Công chúa Nguyệt Sinh sống lại…”.

Tòa Tam bảo chùa Khai Nghiêm

Trải qua gần một nghìn năm cùng với sự thăng trầm của lịch sử và bao thế hệ người dân Vọng Nguyệt, đến nay chùa Khai Nghiêm vẫn tồn tại uy nghi là trung tâm tín ngưỡng Phật giáo lớn của vùng đất Yên Phong. Chùa gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc như: Tam quan, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, 2 dãy hành lang…

Trong đó tòa Tam bảo là công trình kiến trúc chính mang phong cách nghệ thuật truyền thống gồm 7 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện liên kết tạo cho công trình có mặt bằng kiểu chữ Đinh (丁), các bộ vì kèo bằng gỗ kết cấu theo kiểu “thượng con chồng, hạ kẻ trường” trang trí chạm khắc đơn giản đề tài “vân mây”, “hoa lá” cách điệu.

Đặc biệt, giá trị cơ bản của chùa Khai Nghiêm chủ yếu tập trung ở hệ thống các di vật cổ và tư liệu Hán Nôm hiện còn bảo lưu tại di tích. Toàn bộ hệ thống tượng Phật, đại tự, câu đối đặt tại tòa Tam bảo, tiêu biểu như: 3 pho Tam thế, Adida, Adanan, Cadiep, Di lặc, tòa Cửu Long, Đức ông, Thánh Tăng, Hộ pháp… tất cả đều được tạo tác bằng gỗ mít mang tính nghệ thuật cao, niên đại thời Lê – Nguyễn (thế kỷ XVIII – XIX).

Ngoài ra, chùa Khai Nghiêm còn lưu giữ được nhiều tư liệu Hán Nôm khắc ghi trên bia đá, cây hương, bảng gỗ, chuông đồng… nội dung là nguồn sử liệu giá trị quan trọng đóng góp cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo ở nước ta.

Hệ thống tư liệu bao gồm: tấm bia đá “Khai Nghiêm bi ký” do Chính nghị đại phu, Hàn lâm học sĩ, Tri chế cáo kiêm Thiêm tri nội mật viện sự Chưởng bảo tứ kim ngư đại nha thủy Trương Hán Siêu, tự Thăng Phủ soạn vào năm Khai Hựu 11 (1339) thời Trần, bia được trùng khắc lại vào thời Tây Sơn niên hiệu Cảnh Thịnh 5 (1797), nội dung văn bia thể hiện bản tính cương nghị của tác giả trong việc phê phán đạo Phật đối với xã hội đương thời.

Đạo Phật sinh ra là để cứu giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ nhưng ông đã đả phá kịch liệt bọn sư sãi lợi dụng lấy đạo Phật làm nơi tụ tập ăn chơi xa hoa không chịu cày cấy làm ăn. Đã vậy bọn quyền thế, bọn ngoại đạo đương thời lại còn a dua đòi hùa theo vào, dân chúng thì bỏ nhà cửa, làng xóm lũ lượt quy theo. Cây hương đá “Khai Nghiêm tự thạch trụ hương” dựng khắc năm Ất Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh 1 (1705).

Quả chuông đồng “Khai Nghiêm tự chung” do bà người họ Trần, tên húy Lựu là phu nhân Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Nguyễn Duy Thức (người làng Vọng Nguyệt đăng khoa năm Quý Mùi – 1763) cùng với dân làng và Phật tử thập phương đóng góp tiền của đúc chuông dưới thời Tây Sơn vào năm Cảnh Thịnh 7 (1799). 6 bài thơ Đường luật theo thể “thất ngôn bát cú”, chủ đề vịnh là “Tùng, Cúc, Trúc, Mai, Trà và Thuốc” được khắc trên bảng gỗ vào năm Canh Tuất (1910) treo dọc hai bên hành lang Thượng điện…

Hàng năm, vào ngày 19 tháng Giêng (Âm lịch) lễ Thượng nguyên chùa Khai Nghiêm được nhân dân Vọng Nguyệt duy trì tổ chức long trọng, trang nghiêm tại tòa Tam bảo. Ngày này, nhà chùa đón tiếp đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng du khách thập phương về lễ Phật cầu an và tham gia các hoạt động văn nghệ truyền thống tại sân chùa.

Với những giá trị to lớn kể trên, chùa Khai Nghiêm được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia – Quyết định số 35/2005/QĐ-BVHTT ngày 22/08/2005.

Tác giả: Nguyễn Văn AnBảo tàng tỉnh Bắc Ninh

PDF PRINT