Chứng khoán Mỹ mất điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed, giá dầu tăng vì tin Trung Đông

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (5/2), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt vì lo ngại rằng ục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất muộn hơn và ít hơn so với kỳ vọng. Giá dầu thô tăng sau khi Mỹ tiến hành các cuộc không kích trả đũa nhằm vào các lực lượng của Iran và thân Iran ở Iraq và Sysia - diễn biến làm dấy lên mối lo rằng xung đột vũ trang sẽ lan rộng ở Trung Đông.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 274,3 điểm, tương đương giảm 0,71%, còn 38.380,12 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,32%, còn 4.942,81 điểm. Chỉ số giảm 0,2%, chốt ở mức 15.597,68 điểm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm tăng 13 điểm cơ bản, đạt mức 4,166%, trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục đánh giá những số liệu kinh tế mới công bố gần đây và nhận thấy rằng lãi suất có thể giữ ở mức cao trong thời gian lâu hơn so với dự kiến. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm còn dao động quanh ngưỡng 3,81%.

Dữ liệu công bố ngày thứ Hai cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong tháng 1. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) về dịch vụ của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) đạt mức 53,1 điểm trong tháng đầu năm, từ mức 50,5 điểm trong tháng 12. Mức điểm trên 50 phản ánh sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ - khu vực chiếm hơn 2/3 nền kinh tế Mỹ. Trước đó, trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo PMI ngành dịch vụ tháng 1 đạt 52 điểm.

Trước báo cáo này, vào hôm thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tổng thể tháng 1 với số lượng việc làm mới vượt xa dự báo.

“Thị trường vẫn đang căn chỉnh kỳ vọng về việc đến bao giờ thì Fed xoay trục. Những đặt cược dựa vào kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất đang bị đảo ngược một phần nhất định. Xung đột giữa tình trạng khỏe mạnh của nền kinh tế và việc điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với Fed sẽ tiếp tục dẫn tới những phiên giao dịch có sự điều chỉnh như thế này”, đồng Giám đốc đầu tư Keith Lerner của công ty Truist nhận định với hãng tin CNBC.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình hiếm hoi phát sóng trên kênh CBS News vào ngày Chủ nhật, Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa đẩy lùi kỳ vọng về việc ngân hàng trung ương này sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Ông nói rằng sắp đến lúc Fed giảm lãi suất, nhưng ngân hàng trung ương này vẫn cần kiên nhẫn và sáng suốt trong việc quyết định lúc nào hạ lãi suất là hợp lý. Cùng với đó, ông bác bỏ khả năng bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 3, tương tự như phát biểu sau cuộc họp định kỳ của Fed vào tuần trước.

Sau chương trình trả lời phỏng vấn của ông Powell, đặt cược của giới giao dịch vào khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 3 tiếp tục giảm xuống, chỉ còn 16,5% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.

Trên thị trường năng lượng, á dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,5 USD/thùng, tương đương tăng 0,69%, đạt 72,78 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 tăng 0,66 USD/thùng, tương đương tăng 0,85%, đạt 77,99 USD/thùng.

“Giá dầu không có lý do gì để giảm nếu xét tới những hành động quân sự đang diễn ra ở Đông”, Giám đốc điều hành Manish Raj của công ty Valendera Energy Partners nhận định.

Hôm thứ Sáu, Mỹ đã không kích nhằm vào hơn 85 mục tiêu thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và các nhóm phiến quân thân Iran ở Iraq và Syria. Đây là một phần trong sự trả đũa của Mỹ đối với cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của phiến quân thân Iran khiến 3 binh sỹ Mỹ thiệt mạng ở Jordan trước đó 1 tuần.

Hôm thứ Bảy, Mỹ và Anh cũng tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen. Đây là lực lượng thân với Iran và liên tục tấn công vào tàu chở hàng ở Biển Đỏ trong những tháng gần đây.

“Tình hình đang bị đẩy tới chỗ nguy hiểm, bởi Iran có thể không chấp nhận chứng kiến mãi cảnh các đồng minh của họ bị tấn công liên tiếp”, chiến lược gia Bob Yawger của ngân hàng Mizuho nhận định với CNBC.

Cuộc chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine ở dải Gaza đang đẩy Mỹ và Iran nhích dần tới một cuộc đối đầu trực tiếp - điều mà giới phân tích cảnh báo là có thể ảnh hưởng tới nguồn cung dầu lửa toàn cầu nếu xảy ra gián đoạn ở eo biển Hormuz.

Tuy nhiên, mối lo Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn và triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc vẫn đang gây áp lực giảm lên giá dầu.

Do kỳ vọng lãi suất dịch chuyển, tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất 12 tuần trong phiên ngày thứ Hai. Đồng USD mạnh cũng tạo sức ép mất giá đối với dầu, vì “vàng đen” được định giá bằng đồng bạc xanh.

Bình Minh