Chứng khoán vận hành hệ thống mới, vẫn áp dụng nâng lô giao dịch

Cụ thể, từ ngày 5/7, HoSE đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống mới do Công ty cổ phần FPT cung cấp. Hệ thống mới đặt mục tiêu đạt năng lực 3-5 triệu lệnh/ngày và bỏ cơ chế phân bổ lệnh. Hệ thống cũ của HoSE có công suất thiết kế 900 ngàn lệnh/phiên và được phân bổ đều cho các công ty chứng khoán, do đó khi số lệnh vào hệ thống vượt quá công suất sẽ dẫn tới tình trạng nghẽn lệnh.

Giao dịch trên hệ thống mới, các công ty chứng khoán đẩy lệnh theo đúng năng lực, cùng với đó là làm chủ năng lực công nghệ, chủ động nâng cấp hệ thống của đơn vị. Để hệ thống mới vận hành đúng quy định, HoSE đã ban hành Quyết định 352 về quy chế giao dịch chứng khoán tại sàn này. Về cơ bản, quy chế giao dịch chứng khoán mới không có nhiều thay đổi so với quy chế trước đây.

Một điểm đáng chú ý, đơn vị giao dịch lô chẵn đối với giao dịch khớp lệnh vẫn được giữ nguyên là 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền. Mỗi lệnh giao dịch lô chẵn không được vượt quá khối lượng tối đa là 500.000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền.

Thị trường nhuốm sắc đỏ khi hệ thống mới được vận hành.

Trước đó, HoSE đã quyết định nâng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lên 100 từ ngày 4/1/2021 để giảm tải hệ thống. Thế nhưng, dù cả khi đưa hệ thống mới vào vận hành, HoSE vẫn giữ nguyên lô giao dịch là 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.

Trở lại với việc vận hành hệ thống mới, hầu hết các nhận định đều lạc quan với thị trường sau “cuộc đại phẫu thay tim” này, theo cách nói của HoSE, thị trường kỳ vọng sẽ giao dịch thông suốt, không còn bị chặn bởi giới hạn số lệnh, thanh khoản; nhà đầu tư không còn bị hạn chế sửa lệnh, hủy lệnh và khách hàng của các công ty chứng khoán quy mô lớn và nhỏ đều bình đẳng như nhau…

Việc này có ý nghĩa đáng kể với thị trường trong tháng 7, mặc dù thời điểm cần thanh khoản tăng để chỉ số vượt qua các đỉnh cũ, ngưỡng kháng cự quan trọng đã trôi qua. Thị trường đã vượt đỉnh và thiết lập các đỉnh mới, vượt qua trở ngại lớn là hệ thống giao dịch nghẽn lệnh và đơ bảng điện không theo quy luật nào.

Xử lý tình trạng quá tải hệ thống giao dịch HoSE sẽ giúp đo lường thanh khoản của thị trường trong thời gian tới. Khi nhà đầu tư giao dịch an toàn hơn, có thể mua bán, chốt lời hay cắt lỗ kịp thời khi cần thiết thì kỳ vọng thanh khoản của thị trường phục hồi trở lại sau khi giảm khoảng 20% trong nửa cuối tháng 6 bởi các động thái mang tính kỹ thuật là công ty chứng khoán hạn chế margin để chốt sổ lập báo cáo bán niên.

Đánh giá về hệ thống giao dịch mới, Công ty Chứng khoán Tân Việt cho rằng, VN-Index vẫn kỳ vọng tiếp tục tăng giá khi hệ thống mới đưa vào hoạt động. Dự báo thị trường tăng điểm trong trung hạn và dài hạn. Các phiên tăng giảm vẫn sẽ đan xen, VN-Index sẽ có các nhịp chỉnh ngắn trong phiên giao dịch hôm nay. Dự báo, ngắn hạn VN-Index sẽ tăng dần lên vùng kháng cự mới quanh 1.438-1.445 điểm dưới động thái tích cực của toàn bộ nhóm ngành.

Chung kỳ vọng, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng cho rằng, tâm lý thị trường có thể được cải thiện trong ngắn hạn nhờ hệ thống giao dịch mới của FPT. “Chúng tôi kì vọng tâm lý của nhà đầu tư sẽ cải thiện hơn so với giai đoạn trước đây khi hiện tượng nghẽn lệnh liên tục xảy ra. Do đó, việc nâng cấp hệ thống giao dịch là một trong những việc làm cần thiết cho kì vọng nâng hạng của thị trường trong thời gian sắp tới”, các chuyên gia Rồng Việt nhận định.

Theo ghi nhận, trong ngày đầu tiên chính thức vận hành, giải pháp kỹ thuật xử lý tình trạng quá tải hệ thống giao dịch của HoSE đã vận hành, kết nối thông suốt với các đơn vị, đặc biệt là tổng lượng lệnh giao dịch qua hệ thống trong ngày đạt tới hơn 1 triệu lệnh. Tuy nhiên, theo phản ánh của các nhà đầu tư, ngày đầu HoSE vận hành hệ thống mới, vẫn có trục trặc, đó là tình trạng diễn biến chỉ số VN-Index và khối lượng giao dịch không được cập nhật kịp thời trên bảng điện tử của SSI, bảng giá của VNDirect lỗi ngay khi mở cửa…

Trên bảng giá điện tử của một số công ty chứng khoán, mã FPT không hiển thị giá dự khớp khoảng 1 giờ giao dịch. Tương tự, trong ngày giao dịch thứ 2 của hệ thống mới, nhiều nhà đầu tư phản ánh việc trục trặc vẫn tái diễn, và VN-Index lao dốc mất tới hơn 56 điểm chỉ trong vòng hơn chục phút cuối phiên khiến thị trường “dậy sóng”.

Theo thông tin từ HoSE, Sở và FPT sẽ tiếp tục theo dõi tính ổn định và khắc phục những vấn đề phát sinh (nếu có) để hoàn thiện giải pháp này trong thời gian ngắn nhất có thể. Việc đưa giải pháp kỹ thuật vào vận hành kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để tình trạng quá tải hệ thống giao dịch tại HoSE, sẵn sàng cho việc tiếp nhận các công ty niêm yết mới và các công ty niêm yết tạm thời chuyển giao dịch sang HNX giao dịch tại HoSE.

Hà An