Chuyên gia Kantar: Chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại có thể là rào cản tăng trưởng

Chuyên gia Kantar: Chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại có thể là rào cản tăng trưởng

Khảo sát của Kantar cho thấy 28% hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính, tăng cao đáng kể so với 1 năm trước và thời điểm Covid. Sự khó khăn ảnh hưởng tới tất cả các nhóm thu nhập mặc dù nhóm hộ gia đình thu nhập cao có ít bị ảnh hưởng so với mặt bằng chung. Cùng với đó, hoạt động giải trí và ăn ngoài có nhiều khả năng bị cắt giảm trong khi các ngành thực phẩm và thiết yếu phẩm ít bị ảnh hưởng hơn.

Theo đại diện Kantar, kinh tế vĩ mô Việt Nam đã đánh dấu phục hồi trong quý III/2023. Tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng cho xu hướng tăng trở lại có thể là rào cản tăng trưởng.

Sức khỏe và an toàn thực phẩm vẫn là 2 yếu tố người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Tuy vậy, thu nhập, việc làm và đặc biệt là chi phí gia tăng đang khiến họ lo lắng hơn trong những tháng gần đây. Khi hỏi người tiêu dùng, các vấn đề được quan tâm gần đây bao gồm: sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, thu nhập gia đình, chi phí gia tăng, việc làm ổn định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam vẫn khá lạc quan khi có niềm tin tình hình tài chính sẽ trở nên tốt hơn trong 12 tháng tới.

Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng những tháng cuối năm, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao - Kantar Việt Nam cho rằng, thực tế đang đặt ra cho các doanh nghiệp một bài toán, cần phải đưa ra những kế hoạch cân đối danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau, trong thời điểm phân hóa ngày càng nhiều, cần phải có chương trình kích cầu trong ngắn hạn để giữ chân người dùng.

“Về lâu dài, đây vẫn là câu chuyện liên quan đến xây dựng thương hiệu doanh nghiệp để duy trì lòng tin của người tiêu dùng”, bà Nga khẳng định.

Chuyên gia Kantar cũng chỉ ra trong nhóm ngành hàng ưu tiêu, 40% ngành hàng trong FMCG không thể giữ chân người tiêu dùng, không chỉ ngành hàng nhỏ, ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Điều này cho thấy việc giữ được giá trị trong mắt người tiêu dùng là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, những sản phẩm tập trung vào lợi ích sức khỏe cụ thể và có nhiều người tìm kiếm sẽ có cơ hội thành công cao hơn, nhất là sau giai đoạn Covid. Với nhu cầu tăng trải nghiệm tại gia, người tiêu dùng cũng ưa thích thư giãn, giải trí và trải nghiệm. Điều này mang đến rất nhiều thách thức cũng như cơ hội cho các sản phẩm trong việc thỏa mãn nhu cầu mới của người tiêu dùng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho hay việc giải bài toán làm sao để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường luôn là vấn đề đặt ra đối với từng doanh nghiệp. Cùng với đó, mô hình quản lý phân phối, bán hàng luôn là khâu không hề đơn giản đối với bất cứ đơn vị sản xuất kinh doanh nào, nhất là đào tạo nguồn nhân lực và vận hàng mang tính hệ thống. Thực tế tại Mỹ Hảo, hiện sản phẩm của công ty luôn hiện diện ở trong hệ thống hiện đại, nhưng ở các cửa hàng truyền thống vẫn là chủ yếu. Đưa hàng vào siêu thị gặp nhiều khó khăn hơn nên Mỹ Hảo đầu tư mạnh cho thị trường truyền thống.

Theo ông Vinh, để giữ chân khách hàng, một số doanh nghiệp cho rằng cần chú trọng tăng trải nghiệm tại nhà và điều này vừa mang lại thách thức, vừa tạo ra cơ hội cho nhóm sản phẩm đóng gói trong việc thỏa mãn nhu cầu mới của người tiêu dùng. Hay những doanh nghiệp có nhãn hàng, thương hiệu đáp ứng được nhu cầu cá nhân hóa ngày càng phát triển, nhất là nhóm hàng chăm sóc cá nhân sẽ có môi trường thuận lợi mở rộng thị phần.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cũng chỉ ra thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đối mặt với nhiều thách thức trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu bị suy giảm và khủng hoảng bởi địa chính trị là thị trường trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu. Do đó, theo bà Hạnh, để đón đầu mùa kinh doanh trọng điểm như Tết cần bắt tay nhau tìm ra giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm giải bài toán giá thành sản phẩm.

Bảo Duy