Dưa lưới đắt nhất thế giới

Yubari là một thành phố chỉ trên danh nghĩa, với rất ít tiện nghi hiện đại gắn liền với cuộc sống đô thị còn hiện diện nơi đây: Không có dịch vụ đường sắt, không trung tâm thương mại, và chỉ có vài phòng khám bệnh trong khi diện tích thành phố tương đương đất nước Singapore.

Đây là đô thị phá sản duy nhất trong số 1.741 thành phố của Nhật Bản, đã tuyên bố vỡ nợ vào năm 2007 sau khi gánh khoản nợ hơn 35 tỷ yen (242 triệu USD).

Thành phố Yubari có dân số 6.464 người. Ảnh: Straits Times.

Tuy nhiên, tên của thành phố này gắn liền với loại trái cây được cho là đắt nhất thế giới.

Trái Yubari King có mùi thơm ngọt ngào, thường được gọi là dưa lưới Yubari, luôn mang về một con số khiến nhiều người “tròn mắt” tại phiên đấu giá đầu tiên của mùa vào tháng 5 hàng năm.

Trong cuộc đấu giá thường niên gần nhất hồi tháng 5/2023, một cặp dưa được bán với giá 3,5 triệu yen (khoảng 580 triệu đồng) - chỉ xếp sau mức giá kỷ lục hồi năm 2019 khi một cặp dưa được mua với giá 5 triệu yen (tương đương hơn 1 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó).

Loại dưa Yubari King thơm ngon được bán với giá gây kinh ngạc tại phiên đấu giá đầu tiên hàng năm. Ảnh: Straits Times.

Ngoài “mức giá ăn mừng” đầu mùa cao ngất ngưởng luôn nổi bật lên trang nhất các tờ báo nước này, trái dưa lưới Yubari với giá cả “hạ giới” hơn được bày bán trong siêu thị cũng có giá lên tới 5.000 yen (830.000 đồng).

“Yubari King là một báu vật mà chúng tôi phải bảo vệ bằng mọi giá”

Dưa lưới Yubari là giống dưa quý hiếm được liệt vào danh sách những giống thực vật được bảo tồn của Nhật Bản. Loại dưa này chỉ được cho phép trồng ở thành phố Yubari.

Việc giới hạn khu vực trồng trọt theo địa lý là một hình thức bảo vệ thương hiệu nhằm ngăn chặn hàng giả. Thậm chí hạt giống của dưa lưới Yubari cũng được bảo vệ nghiêm ngặt và chưa từng được vận chuyển ra ngoài thành phố.

Những trái dưa được xếp thành từng cặp trong ngày đấu giá tại chợ bán luôn trung tâm Sapporo vào ngày 25/5/2023. Ảnh: Straits Times.

Tuy nhiên, Yubari cũng là một thị trấn ma với dân số 6.464 người, chỉ bằng 5,6% so với mức đỉnh thời hoàng kim, khi nơi đây còn là khu vực khai thác than thịnh vượng.

Những vết tích của quá khứ - một công viên giải trí bị lãng quên, đường ray xe lửa đổ nát, lớp vỏ của những tòa nhà cũ, lối vào các khu mỏ bị đóng cửa - vẫn còn rải rác trong thành phố.

Ký túc xá từng là nơi ở của những người khai thác than vào thời hoàng kim của Yubari. Ảnh: Straits Times.

Một đoàn tàu bỏ hoang là một trong những tàn tích khác rải rác khắp thành phố. Ảnh: Straits Times.

Nhưng có những lý do để hy vọng.

Yubari dự kiến trả hết nợ vào tháng 3/2027, Thị trưởng Tsukasa Atsuya, người sinh ra ở thành phố, nói với Straits Times.

Ông Atsuya, 58 tuổi, được bầu lần đầu vào năm 2019, nói: “Khi tôi còn trẻ, thành phố này có mọi thứ. Bây giờ nó có thể là một thị trấn ma, nhưng điều này thúc đẩy chúng tôi cố gắng hết sức để ngăn chặn sự trượt dốc”.

Nhấn mạnh vào khía cạnh có rất ít loại trái cây có tên xuất xứ, ông nói thêm: “Yubari King là một báu vật mà chúng tôi phải bảo vệ bằng mọi giá”.

Những quả dưa Yubari quý giá được bày bán ở một trạm ven đường. Một tấm biển cho thấy màu sắc của quả dưa thay đổi như thế nào khi chúng chín. Ảnh: Straits Times.

Loại trái cây "vua" cần quá nhiều sự chiều chuộng

Những nỗ lực trồng dưa lưới của Yubari bắt đầu vào khoảng năm 1923. Nhưng phải đến năm 1960, nông dân nơi này mới trồng dưa Yubari King thành công, với một giống lai thế hệ đầu tiên của hai giống dưa đỏ chất lượng nhất là “spicy cantaloupe” và “earl’s favourite”.

“Spicy cantaloupe” được trồng thành công ở Yubari vào năm 1957, nhưng vị không ngọt. Thế nhưng, phần cùi mọng nước của giống Yubari King lai có vị ngọt như mật hoa.

Điều khiến dưa lưới Yubari siêu đắt đỏ - ngoài vị ngon không lối thoát, theo người dân địa phương - là loại dưa này đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật và nông nghiệp cao mới trồng được. Dưa Yubari vào mùa từ tháng 6 đến tháng 8 và chỉ để được 3 ngày ở nhiệt độ phòng từ khi thu hoạch đến khi chín rục. Điều đó đồng nghĩa với việc vận chuyển cũng kỳ công.

Do nhu cầu của thị trường nước ngoài, thành phố hiện đang thử nghiệm các cách vận chuyển Yubari King xuyên biên giới bằng kết hợp vận chuyển hàng hóa lạnh và nhiệt độ phòng. Vào tháng 6/2023, trái Yubari King lần đầu tiên được chuyển đến Malaysia.

Hoạt động sản xuất Yubari King đang gặp khó khăn do dân số thành phố suy giảm và già hóa nghiêm trọng, dẫn đến nhiều chủ trang trại thiếu người thừa kế.

Nguồn cung sụt giảm, cộng với sự chú ý ngày càng tăng của giới truyền thông với lễ hội đấu giá đầu mùa, đã làm cho giá dưa Yubari King tăng 40% so với thập kỷ trước.

Năm 1990, tổng cộng 7.598 tấn dưa lưới Yubari King đã được thu hoạch tại 216 trang trại. Con số này giảm xuống còn 2.344 tấn với 92 trang trại vào năm 2023.

Giá của dưa Yubari King đã tăng lên trong những năm qua do ngày càng có ít trang trại trồng loại trái cây đòi hỏi nhiều sự chiều chuộng này. Ảnh: Straits Times.

Và trong số này, chỉ có 10 trang trại thực hiện thử thách trồng cây Yubari King kịp thời gian cho phiên đấu giá đầu tiên.

Trái dưa lưới thường được thu hoạch khoảng 75 ngày sau khi gieo hạt. Để có thể tham gia phiên đấu giá đầu tiên vào tháng 5, nông dân phải gieo hạt vào tháng 2.

Điều này có nghĩa là cần dọn sạch tuyết vào tháng 1, sau đó là một quá trình tỉ mỉ với việc cân bằng sưởi ấm, chiếu sáng nhà kính, đồng thời quản lý mức độ ẩm trong cái lạnh của mùa đông khắc nghiệt khi thời gian có ánh sáng Mặt Trời rất hiếm hoi.

Ông Hiroki Takeoka, một nông dân 48 tuổi quyết định không tham gia cuộc đua, cho biết đó là một quá trình rất tốn kém và tốn nhiều công sức. Những thách thức lớn về kỹ thuật đang làm nản lòng ngay cả một nông dân trồng dưa thế hệ thứ hai với 30 năm kinh nghiệm như ông.

Hiroki Takeoka, nông dân trồng dưa kỳ cựu, đang kiểm tra vụ mùa trong nhà kính của mình. Ông cho biết việc trồng dưa Yubari King không hề dễ dàng. Ảnh: Straits Times.

Vụ thu hoạch đầu tiên của ông Takeoka diễn ra 5 ngày sau phiên đấu giá đầu tiên của mùa vụ.

“Năm ngày đó tạo nên một thế giới khác biệt. Những nông dân nhắm đến cuộc đấu giá đầu tiên phải chiến đấu với nhiều thử thách, chẳng hạn hạn chế về ánh sáng Mặt Trời. Họ phải chi rất nhiều tiền”, ông chia sẻ.

Khó truyền nghề

Hầu hết nông trại trong vùng đều được truyền lại trong gia đình. Ông Naohiro Fujimoto của hợp tác xã nông nghiệp Yubari (JA Yubari) nhận định rằng người ngoài nếu muốn gia nhập nghề này sẽ phải đối mặt với vô vàn rào cản rất khó vượt qua, như kỹ năng và những đầu tư liên quan.

Để bắt đầu, họ sẽ phải tốn hàng triệu đô la đầu tư.

“Rủi ro rất lớn. Những người mới đến sẽ phải gánh khoản nợ mà họ không thể trả ngay được. Cũng phải mất ít nhất 10 năm mới hoàn thiện được kỹ năng, và thậm chí sau đó cũng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ thành công ”, nông dân 40 tuổi này phân tích.

Thị trưởng Atsuya khẳng định ông sẽ tìm cách giúp những người nông dân Yubari King bán hàng tốt hơn. Ảnh: Straits Times.

Kỹ năng này bao gồm việc nắm vững sự cân bằng phù hợp về nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm, cũng như khi nào nên tưới nước và phân bón và liều lượng bao nhiêu.

Thị trưởng Atsuya nói rằng trong danh sách ưu tiên của ông, sau khi thành phố trả xong nợ, ông sẽ tìm cách giúp những người nông dân Yubari King bán hàng tốt hơn.

“Cuộc đấu giá đầu tiên quyết định tâm trạng của thành phố trong cả năm”

Không ai biết trang trại nào đã thu hoạch những trái dưa có giá cao ngất ngưởng trong phiên đấu giá đầu tiên của mùa.

Sau khi thu hoạch, dưa Yubari King được tập hợp lại dưới sự quản lý của JA Yubari, cơ quan giám sát quy trình kiểm tra tại cơ sở của Hokuyupack, một công ty nội địa kinh doanh bao bì thực phẩm và xuất khẩu.

Quá trình này có sự tham gia của một nhóm gồm 80-100 người giám sát và đảm bảo không thiên vị.

Mỗi trái dưa được cân và kiểm tra để xác định hàm lượng đường cũng như độ phức tạp của các dạng lưới của quả, trước khi chúng được phân thành bốn loại: đặc biệt, vượt trội, xuất sắc và tốt.

Những trái dưa cao cấp có hình tròn hoàn hảo và hàm lượng đường cao nhất, từ 13% trở lên, với dạng lưới ít nhất 90% được đánh giá là “hoàn chỉnh”.

Các cảm biến được sử dụng để xác định mức độ ngọt của trái cây, trong khi giám sát viên cũng chạm và ngửi những trái dưa để xem đối với người tiêu dùng bình thường, đâu là điểm khác biệt nhỏ nhất.

Sau đó, chúng được xác thực bằng nhãn dán “dưa lưới Yubari” trước khi được đóng gói vào hộp.

“Mặc dù tôi cố gắng đạt được thứ hạng cao nhất có thể nhưng điều đó không hề dễ dàng”, ông Takeoka nói và ước tính rằng chỉ có 0,2% tổng số dưa ở Yubari được xếp loại cao nhất.

Chỉ có 0,2% tổng số dưa ở Yubari được xếp loại cao nhất. Ảnh: Straits Times.

Chỉ có 8 người làm việc trong trang trại rộng lớn gồm 60 nhà kính của ông, bao gồm cả cậu con trai 23 tuổi.

“Trước hết, tất cả phụ thuộc vào sự thụ phấn và ra hoa của trái dưa. Nếu cây ra hoa đúng cách, kỳ vọng có thể cao hơn”, ông nói và lưu ý rằng những con ong được sử dụng để thụ phấn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như thời tiết.

“Tiêu chí để chọn loại dưa tốt nhất là rất nghiêm ngặt - nếu hình dạng của quả dưa chỉ bị biến dạng một chút thôi thì cũng không thể đạt tiêu chuẩn”.

Những trái dưa không đạt chuẩn cao nhất vì những lý do như vết thâm trên vỏ hoặc dạng lưới craquelure không che phủ 40% bề mặt, sẽ được dùng trong các sản phẩm chế biến như đồ ăn vặt và đồ uống vị dưa Yubari, và thậm chí cả rượu.

Chúng cũng được sử dụng tại một nhà máy sô cô la - mở cửa vào năm 2022 tại Yubari - sản xuất các sản phẩm mang nhãn hiệu Cacaocat, được bán ở Singapore.

Nông dân trồng dưa được trả tiền trên cơ sở mỗi kg cho vụ thu hoạch. JA Yubari bán trái cây thông qua đấu giá ở chợ bán buôn hoặc bán hàng theo đơn đặt hàng trực tiếp và trả tiền cho nông dân.

Điều này có nghĩa là vấn đề không phải là ai thắng, ông Fujimoto nói. “Nông dân Yubari luôn có tinh thần quan tâm đến nhau”, ông khẳng định.

Các cuộc đấu giá Yubari King được tổ chức tại Chợ bán buôn trung tâm Sapporo, cách Yubari khoảng một giờ lái xe.

Ông Kazuo Watarai, 60 tuổi, thuộc công ty Kurashige Shoten, nói với ST rằng những cặp dưa ngon nhất thường được bán đấu giá trước.

Tổng cộng có 262 trái dưa đã được đưa ra bán đấu giá vào ngày đấu giá đầu tiên của Yubari King vào năm 2023.

Ông Watarai cho biết bầu không khí đã trở nên lễ hội hơn rất nhiều trong nhiều thập kỷ qua, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin hơn khi loại dưa này thu hút được mức đấu giá cao hơn.

Người sáng lập Hokuyupack Kiyomichi Noda, 76 tuổi, người đã ba lần thắng cuộc đấu giá đầu tiên, bao gồm cả lần đấu giá 3,5 triệu yen vào tháng 5/2023, cho biết: “Giá của cuộc đấu giá đầu tiên quyết định tâm trạng của thành phố trong cả năm”.

Đồng tình với điều này, ông Watarai nói thêm rằng cuộc đấu giá đầu tiên của năm diễn ra như thế nào phản ánh các sự kiện xã hội.

Vào tháng 5/2007, hai tháng sau khi Yubari nộp đơn xin phá sản, giá trái dưa Yubari King trong cuộc đấu giá đầu tiên đã lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu yen và chốt ở 2 triệu yen.

Mức giá đó do một cửa hàng bách hóa Sapporo đưa ra với hy vọng mang lại tia sáng cho một thành phố đang bị bủa vây trong những khó khăn tài chính.

Kể từ đó, giá chốt trong phiên đấu giá đầu tiên chỉ có hai lần xuống dưới bảy chữ số.

Đó là vào năm 2009, khi Nhật Bản sa lầy vào suy thoái kinh tế sau cuộc khủng hoảng Lehman Brothers, và vào năm 2020, khi nước này rơi vào tình trạng khẩn cấp do Covid-19 trên toàn quốc, lượng người tham dự chợ bán buôn bị hạn chế nghiêm trọng.

Vào năm 2019, nhà sản xuất đồ uống Pokka có trụ sở tại Sapporo đã đấu giá kỷ lục 5 triệu yen để đánh dấu kỷ niệm 10 năm nước giải khát soda dưa Yubari và mở đầu của kỷ nguyên Reiwa của Nhật Bản dưới thời hoàng đế mới.

Về phần ông Noda, người nói rằng ông “yêu dưa Yubari hơn bất cứ thứ gì khác”, ông đã cắt lát trái dưa và mời mọi người ăn tại một sự kiện ăn mừng vào đầu tháng 6/2023.

Dùng NFT để thu hút “fan” mới

Mặc dù thương hiệu Yubari King được công nhận rộng rãi trên toàn quốc nhưng hầu hết người Nhật chưa bao giờ ăn loại trái cây này vì nó được coi là một mặt hàng xa xỉ. Do đó, nó thường được dùng làm quà tặng, anh Fujimoto của JA Yubari cho biết.

“Bản thân tôi chưa bao giờ thử dưa Yubari trước khi gia nhập hợp tác xã”, anh nói. Sinh ra ở thành phố Eniwa lân cận, anh chuyển đến Yubari sau khi tốt nghiệp một trường đại học nông nghiệp.

Chiến lược của anh là khai thác những cách độc đáo để mở rộng sức hấp dẫn của trái cây quý này.

Nhiều cách độc đáo để thu hút sự chú ý tới trái dưa Yubari King. Ảnh: Straits Times.

JA Yubari hợp tác với nghệ sĩ lồng tiếng địa phương Chihiro Ishiguro, người đã cho mượn giọng nói của mình trong phần mềm tổng hợp giọng nói nổi tiếng Vocaloid cho nhân vật Yuzuki Yukari, để quảng bá trái cây này đến nhiều người khác.

Anh còn tổ chức các sự kiện dành cho người mê dưa Yubari thu hút đông đảo “fan” từ khắp đất nước.

Vào năm 2023, JA Yubari đã phát hành 888 token không thể thay thế (NFT) Yubari King - lần đầu tiên trong ngành nông nghiệp ở Nhật Bản và gây xôn xao dư luận. Tổng cộng, 300 NFT đã được bán trong nhiều đợt bán hàng.

Mỗi NFT có giá 0,07 Ethereum (trị giá khoảng 295.000 yen hiện nay), trong khi một số lượng giới hạn được cung cấp với giá 14.000 yen tiền mặt.

Người mua đạt được danh hiệu “đại sứ kỹ thuật số dưa Yubari”, một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số trực tuyến độc đáo và một quả dưa được giao tận nhà. Họ cũng được mời đến Yubari để gặp gỡ những người sản xuất dưa, thăm trang trại và cơ sở phân loại dưa.

Fujimoto muốn gieo mầm yêu thương Yubari, tập hợp người dùng trong metaverse để trồng dưa trong trang trại ảo, từ vun trồng đến thu hoạch.

“Thành phố có thể đã mất đi nhiều chức năng cơ bản và mọi thứ đang biến mất. Tôi muốn làm điều gì đó để hồi sinh những điều này và lưu giữ những kỷ niệm khi Yubari lấy lại được nền tảng tài chính của mình” , anh chia sẻ.

Vươn lên từ bóng tối

Tinh thần tích cực này, hướng tới những cơ hội mới sau khi đám mây đen phá sản được dỡ bỏ, hiện diện khắp nơi ở Yubari.

Một nông dân địa phương có tên Hiroshi Motozawa, 51 tuổi, chia sẻ ông tin rằng có khả năng trồng nhiều loại giống cây trong thành phố.

“Tất nhiên, 'Nhà vua' phải đứng trên đỉnh kim tự tháp”, ông chủ trang trại Ono nói với ST. “Nhưng nếu không có sự hỗ trợ, kim tự tháp sẽ sụp đổ. Tôi muốn trồng nhiều loại dưa khác nhau và biến Yubari thành thành phố của dưa”.

Trang trại Ono chuyên về giống dưa có tên Rupiah Red, được trồng phổ biến hơn ở các vùng Hokkaido khác như Furano. Trang trại này cũng trồng các loại cây như bí ngô, dưa hấu và khoai mỡ, đồng thời làm mì soba kiều mạch, với soba cà ri, một món ngon của Yubari.

Ông Hiroshi Motozawa của Trang trại Ono muốn trồng các loại cây khác ngoài dưa Yubari King. Ảnh: Straits Times.

Họ cũng đang hợp tác với trường trung học Yubari để đưa ra các ý tưởng sản phẩm nhằm quảng bá khoai lang tại một khu vực chỉ nổi tiếng với dưa. Ngôi trường chỉ có 46 học sinh.

Ông Takayasu Hamamura, hiệu trưởng của trường, cho biết hoàn cảnh phá sản và tình trạng suy giảm dân số ngày càng gia tăng của Yubari có thể được coi là điển hình cho học sinh trên toàn quốc.

Ông cho biết thêm từ năm 2024, Trường Trung học Yubari hy vọng sẽ thu hút được học sinh trên khắp Nhật Bản, những người có thể nghiên cứu các vấn đề của thành phố, nghĩ ra giải pháp và mang những gì học được về quê nhà để đóng góp cho quê hương.

Trường Trung học Yubari chỉ có 46 học sinh. Ảnh: Straits Times.

Ông Masaru Noda - không có quan hệ gì với ông Noda của Hokuyupack - đang hy vọng giải quyết từng vấn đề của Yubari thông qua dự án “Khởi động lại Yubari”.

Phòng tập của cựu huấn luyện viên cá nhân 39 tuổi ở Sapporo đã phải đóng cửa trong đại dịch Covid-19.

Ông đã đưa vợ và 5 đứa con (sáu, năm, bốn, ba và một tuổi) đến Yubari vào năm 2021. Gia đình lớn như của ông là điều hiếm thấy ở Nhật Bản, nơi có tỷ lệ sinh thấp vì các cặp vợ chồng nếu chọn sinh con cũng thường đẻ rất ít.

“Tôi nghĩ mình sẽ hạnh phúc hơn nếu cuộc sống của tôi có thể xoay quanh các con, sống trong ngôi nhà mơ ước có sân sau và khu vườn”, ông trải lòng.

Với những khoản trợ cấp lớn của chính phủ, ông đã có được một lô đất miễn phí.

Hiện ông điều hành một công ty tiếp thị trên web và đồng thời đang thực hiện dự án Yubari, qua đó đặt mục tiêu giải quyết các thách thức của thành phố đồng thời quảng bá các tài sản của thành phố như dưa Yubari.

Hiện tại, do thành phố thiếu chỗ ở cho du khách, ông đang huy động vốn từ cộng đồng để mua akiya (ngôi nhà bỏ trống) có thể được tân trang lại thành cơ sở lưu trú ngắn hạn.

“Câu chuyện của Yubari cũng tương tự của tôi. Tôi phải bắt đầu lại từ con số 0 sau khi công việc kinh doanh sụp đổ và gánh khoản nợ 40 triệu yen”, ông nói.

“Yubari có thể là một mô hình kinh doanh, một nguồn cảm hứng nếu nó được hồi sinh thành công. Điều này có thể được áp dụng cho các đô thị khác cùng cảnh ngộ”.

Hồng Đình