Công tác quản lý hoạt động khoa học - công nghệ ngành Công Thương: Bám sát định hướng

Hoạt động KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2016 - 2020 đã được triển khai bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Việc triển khai các hoạt động KH&CN tiếp tục đi theo hướng trọng tâm, ưu tiên gắn với Chương trình KH&CN cấp quốc gia, đã được phê duyệt cho giai đoạn đến năm 2020 trong lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp, dự án KH&CN thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia. Cũng trong giai đoạn này, nhiều chương trình/đề án mới và tiếp tục thực hiện giai đoạn mới đã được Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) thiết kế, xây dựng trình Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giai đoạn 2016 - 2020, Vụ đã quản lý và phân bổ ngân sách KH&CN của cả giai đoạn là 1.775.570 triệu đồng, tăng 13% so với tổng kinh phí giai đoạn 2011-2015; tỷ lệ tương đối đồng đều giữa nhóm hoạt động KH&CN cấp quốc gia và cấp bộ; huy động được sự tham gia của đông đảo và đa dạng nhiều đối tượng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là tổ chức KH&CN của bộ (44%); tỷ lệ các tập đoàn/tổng công ty, doanh nghiệp tham gia có xu hướng tăng (chiếm 26%), tiếp theo là khối viện nghiên cứu ngoài bộ (chiếm 10%), trường đào tạo trong và ngoài bộ (chiếm 6%); đơn vị thuộc khối chiến lược, chính sách (chiếm 5%) và mức phân bổ thấp nhất dành cho các đơn vị là hiệp hội, trung tâm trong và ngoài ngành (3%).

Đặc biệt, huy động được sự tham gia tích của doanh nghiệp ở cả đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ cũng như đơn vị ứng dụng các kết quả chuyển giao từ những đơn vị nghiên cứu. Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho biết: Công tác quản lý KH&CN ngành Công Thương đã được đổi mới toàn diện, từ nội dung tới phương thức quản lý. Về nội dung, các nhiệm vụ đã chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh. Về mặt tổ chức thực hiện, tập trung vào xây dựng những nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, theo cụm để giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm.

Đáng chú ý, những chương trình cấp quốc gia, kinh phí phân bổ trung bình trên một nhiệm vụ tăng liên tục qua các năm, lớn nhất thuộc về nhiệm vụ tham gia chương trình công nghệ cao, trung bình khoảng 45 tỷ đồng/1 nhiệm vụ, gồm cả kinh phí nguồn ngoài ngân sách và đạt mức khoảng 8,5 tỷ đồng/1 nhiệm vụ từ nguồn ngân sách nhà nước; khoảng 6,3 tỷ đồng/1 nhiệm vụ nếu bao gồm cả kinh phí nguồn ngoài ngân sách và đạt mức khoảng 3,2 tỷ đồng/1 nhiệm vụ từ nguồn ngân sách nhà nước ở nhiệm vụ tham gia Đề án công nghệ sinh học...

Đối với nhóm nhiệm vụ cấp bộ, kinh phí bố trí cho đề tài nghiên cứu và phát triển, dự án sản xuất thử nghiệm, nhiệm vụ thực hiện chương trình trọng điểm cấp bộ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nguồn kinh phí KH&CN cấp bộ, khoảng 51%. Về phương thức giao nhiệm vụ, đẩy mạnh hình thức đặt hàng, riêng năm 2020, tỷ lệ đặt hàng 62% cao hơn nhiều so với mức khoảng trên 13% cả giai đoạn 2016 - 2020.

Các nhiệm vụ KH&CN ngành Công Thương tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Quỳnh Nga