Công tác thương vụ Việt Nam ở nước ngoài: Góp phần hiện thực hóa mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế

Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã và đang nỗ lực phát huy vai trò “sứ giả” kinh tế, “cánh tay nối dài” để góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói riêng và quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế nói chung.

Kiên định mục tiêu hội nhập quốc tế về kinh tế

Trải qua nhiều năm kiên định với mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế được xác lập bằng hàng loạt Nghị quyết lớn của Đảng, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ: “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế”.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì

Là một Bộ quản lý đa ngành, trong đó có quản lý về xuất nhập khẩu, những năm qua, mục tiêu xuất nhập khẩu luôn được đề ra rõ ràng trong nhiệm vụ công tác năm của Đảng ủy Bộ Công Thương. Bộ Công Thương cũng luôn xác định nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu; thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội. Trong đó, một trong những kênh thông tin vô cùng quan trọng đến từ các Thương vụ.

Hiện nay, hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 Thương vụ và 4 Chi nhánh; khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 Thương vụ và 3 Chi nhánh. Ngoài ra có 1 Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 Văn phòng Xúc tiến thương mại....

Về hoạt động chuyên môn, hệ thống Thương vụ đã bảo đảm thực hiện tốt các chức năng chính là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về Bộ Công Thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.

Các Thương vụ đã có những đóng góp tích cực xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều

Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các bộ, ngành và các doanh nghiệp để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài.

Các Thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà một số nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, cũng như góp phần giải quyết tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài; là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, các Thương vụ đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo về thương mại-đầu tư ở Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài, Ngày mua hàng Việt Nam và tham gia quảng bá cho hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các hệ thống siêu thị của nước sở tại...

Hiệu quả cao từ các hội nghị giao ban Thương vụ

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, bắt đầu từ tháng 7/2022, cứ vào ngày cuối của hàng tháng, Bộ Công Thương duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng ễn Hồng Diên trong hàng loạt nỗ lực lớn của Bộ nhằm đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường hậu đại dịch Covid-19.

Hơn 1 năm nay, các hội nghị đều diễn ra theo phương thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook của Cục Xúc tiến thương mại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước quan tâm tham dự.

Nội dung các hội nghị bên cạnh tổng quan chung về bức tranh xuất nhập khẩu với những cập nhật mới nhất còn có các buổi tập trung chuyên đề cho các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh, mũi nhọn như nông - thủy - hải sản, gỗ, gạo, cơ khí, dược liệu... cũng như tập trung làm rõ các nhu cầu của một số địa phương.

Chia sẻ về hiệu quả của phương thức xúc tiến thương mại này, bà Nguyễn Hoàng Thúy - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu - chỉ rõ, trong bối cảnh thế giới luôn biến động không ngừng, thông tin nhanh và nhạy bén là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp. Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, với phương châm “lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ”, đang hàng ngày nỗ lực để trở thành “ăng ten”, “cánh tay nối dài” ra thế giới, và trở thành “đội phản ứng nhanh” cho doanh nghiệp.

“Chính vì vậy, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước được tổ chức định kỳ hàng tháng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua sự kiện này, thông tin cập nhật tại các thị trường trên toàn thế giới sẽ được truyền tải nhanh nhất đến Bộ trưởng, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để có các quyết sách phù hợp, kịp thời và tận dụng từng cơ hội, dù nhỏ nhất, để khai thác các thị trường ngoài nước. Theo chiều ngược lại, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cũng biết đến hệ thống thương vụ nhiều hơn, tạo ra mạng lưới kết nối chặt chẽ, cùng thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư” - bà Thúy nhấn mạnh.

TS. Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada - chia sẻ thêm, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, tạo lập nền tảng đối thoại và cập nhật thông tin thường kỳ để hệ thống các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài của Bộ Công Thương sớm nắm vững các chủ trương, định hướng và các vấn đề nóng của ngành, để kịp thời tham mưu, dự báo, cung cấp thông tin, kinh nghiệm, cách xử lý của các nước đối tác.

Bên cạnh đó, các Thương vụ cũng có cơ hội để thường xuyên trao đổi, hỏi đáp và cập nhật chiến lược phát triển và nhu cầu của các ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cả nước. Với ý nghĩa này, Hội nghị không chỉ là hoạt động giao ban xúc tiến thương mại mà thực tế chính là một Hội nghị đối thoại và triển khai các nhiệm vụ của ngành Công Thương với các cơ quan thương vụ ở nước ngoài. Đưa hoạt động này vào kế hoạch công tác thường kỳ, thể hiện rõ sự sát sao, cầu thị của Lãnh đạo Bộ Công Thương để phát huy trí tuệ của bộ phận cán bộ Công Thương biệt phái ở nước ngoài.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, vai trò của các Thương vụ như “cầu nối” kể cả mặt thông tin hay thậm chí là hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc Lãnh đạo Bộ Công Thương trực tiếp giao ban với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về xúc tiến thương mại sẽ có tác động lớn và rất tích cực. Bộ Công Thương đang xây những “cây cầu” vững chắc cho doanh nghiệp Việt.

Từ những quyết sách đúng đắn của Đảng đến những nỗ lực lớn của các bộ, ngành, trong đó có công tác giao ban Thương vụ, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002 - 2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD. Tính riêng 10 năm (từ 2012 đến 2021), tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục với 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam thành một trong những nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. 11 tháng năm 2023, dù có nhiều khó khăn song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 619,17 tỷ USD; xuất siêu 25,83 tỷ USD.

Phương Lan