Đà Nẵng đưa cơ chế chính sách đặc thù để mời doanh nghiệp Hàn Quốc

Chiều 26-6, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Đà Nẵng với sự tham dự của gần 30 đại biểu là đại diện các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng.

Hội thảo Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Đà Nẵng đang muốn chuyển mình

Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và í tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) nhấn mạnh: Đà Nẵng đang muốn chuyển mình.

Đà Nẵng có vị trí chiến lược, điều kiện sống lý tưởng để thu hút các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia công nghệ. Năm 2023, Đà Nẵng được đánh giá là điểm đến hàng đầu của du mục kỹ thuật số.

Theo ông Phúc, Đà Nẵng không chỉ dựa trên điều kiện tự nhiên mà còn tạo dựng những định hướng để phát triển vi mạch bán dẫn và AI. Đà Nẵng tập trung vào lĩnh vực thiết kế, tiến tới phần kiểm thử đóng gói chip bán dẫn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn.

Trong lĩnh vực AI, ông Phúc cho hay có ba lớp là phần cứng, hạ tầng cơ bản và ứng dụng. Dựa trên thế mạnh của mình, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển ứng dụng AI.

Đà Nẵng đề ra bốn giải pháp để phát triển vi mạch bán dẫn và AI. Thứ nhất là phát triển nguồn nhân lực. Hàng năm TP có khoảng 5.700 sinh viên liên quan đến vi mạch bán dẫn, AI tốt nghiệp.

“Dựa vào nguồn lực dồi dào này, chúng tôi tập trung vào đổi mới công tác đào tạo, tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo quốc tế như của Mỹ, Đài Loan, àn Quốc. Đồng thời hợp tác với doanh nghiệp để rút ngắn khoảng cách đào tạo”, ông Phúc nói.

Giải pháp thứ hai là về phát triển cơ sở hạ tầng. Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm đắc địa của TP. Diện tích 2,86 ha với hơn 90.000 m2 sàn, dự án đủ chỗ cho 6.000 nhân lực hoạt động. TP cũng chuẩn bị hạ tầng về điện, mạng truyền dẫn, Data Center.

Giải pháp thứ 3 là về những chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư. Quốc hội vừa thông qua một số cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, trong đó có các cơ chế ưu đãi trong thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI.

Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Giải pháp thứ tư là hợp tác quốc tế. DSAC sẽ hỗ trợ cho việc hợp tác quốc tế về vi mạch và AI. Đà Nẵng đang hợp tác với các cơ quan của Mỹ để tận dụng quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Mỹ nhằm phát triển vi mạch bán dẫn và AI.

“TP đã làm việc với các tập đoàn lớn về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của Mỹ. Trong đó, Tập đoàn Marvell vừa mở văn phòng đại diện tại Đà Nẵng. Với những bước đi hiện tại, Đà Nẵng đặt ra tham vọng trở thành thung lũng Silicon của châu Á”, ông Phúc nhấn mạnh.

Hàn Quốc đã đổ gần 400 triệu USD vào Đà Nẵng

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho hay, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 45 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 65 triệu USD. Trong năm 2023, Đà Nẵng đã đón hơn hơn 935.000 lượt du khách Hàn Quốc, chiếm gần 50% tổng số lượt du khách quốc tế đến TP.

Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng nằm ngay dưới chân cầu Thuận Phước. Ảnh: TẤN VIỆT

Về đầu tư, tính đến tháng 3-2024, Đà Nẵng có 278 dự án đầu tư từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 381 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất và dịch vụ. Xét riêng về số vốn đầu tư, Hàn Quốc xếp thứ 5 trong 45 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Đà Nẵng.

Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương cho hay, thời gian tới, TP tập trung thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao bên cạnh du lịch, dịch vụ chất lượng cao.

Trong đó, Đà Nẵng ưu tiên phát triển các ngành điện tử, cơ điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Tấn Việt