Đại diện WHO: Cần lưu tâm ảnh hưởng của phong tỏa với phúc lợi cá nhân

"Miền Nam đang đối mặt tình hình khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với các đợt bùng phát trước đây", tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhận định với Zing.

Dù đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá chính phủ đang đi đúng hướng trong việc xử lý các ổ dịch, ông nhấn mạnh: “Đợt bùng phát dịch hiện nay có nhiều thách thức hơn và cần nhiều thời gian hơn để kiểm soát, nên đòi hỏi những nỗ lực tập thể và bền bỉ theo cách tiếp cận toàn xã hội”.

Chỉ trong đêm 17/7, Việt Nam ghi nhận 2.472 ca mắc mới, trong đó, số ca nhiễm ở TP.HCM là 1.756 ca, chiếm hơn 70% cả nước.

Trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chính phủ đã cho phép thí điểm rút ngắn thời gian điều trị F0, đồng thời áp dụng biện pháp giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành bổ sung theo chỉ thị 16. Đại diện WHO nhận định đây là biện pháp đúng, nhưng cần kèm theo việc đánh giá liên tục các nguy cơ và cần lưu ý cả ảnh hưởng của nó đối với kinh tế lẫn phúc lợi người dân.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam từ năm 2017. Ảnh: WHO.

Liên tục đánh giá nguy cơ để giãn cách

Cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn bộ 19 tỉnh, thành miền Nam là quyết định được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi số ca nhiễm trên cả nước vượt ngưỡng 44.000, tính riêng trong đợt dịch thứ 4.

Tiến sĩ Park nhận định các biện pháp xã hội và y tế cộng đồng là thiết yếu để hạn chế sự lây lan của Covid-19 và giảm số ca tử vong.

“Việc áp dụng mạnh mẽ các biện pháp này, cùng việc nhanh chóng xác định các ca nhiễm thông qua xét nghiệm, truy vết, cách ly, là chìa khóa trong việc kiểm soát dịch bệnh bùng phát”, ông cho biết.

Đại diện WHO nhận định những biện pháp giãn cách xã hội, bao gồm phong tỏa khu vực được chỉ định, nên được áp dụng dựa trên việc liên tục đánh giá nguy cơ với sự cân nhắc tình hình khu vực.

Ngoài ra, ảnh hưởng của những biện pháp này đối với kinh tế và phúc lợi chung của xã hội cũng như cá nhân nên được lưu tâm, WHO khuyến cáo.

Trong lần áp đặt lần giãn cách với các tỉnh, thành bổ miền Nam, Thủ tướng đã cho các địa phương hơn 24 giờ để chuẩn bị cho việc áp dụng Chỉ thị 16.

Đây được xem là khoảng "thời gian chờ" để địa phương có sự phối hợp trong thời gian giãn cách, không gây ra ách tắc trong lưu thông hàng hóa hay các khó khăn khác cho người dân.

TP.HCM và nhiều tỉnh, thành miền Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bên cạnh biện pháp giãn cách xã hội, theo WHO, công tác truyền thông với công chúng cần kịp thời, nhất quán và đáng tin cậy để đảm bảo rằng người dân hiểu rõ và tuân thủ các biện pháp phòng dịch cần thiết, ví dụ như thông điệp 5K.

Ngoài ra, việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho những nhóm đối tượng ưu tiên cũng rất quan trọng.

Thận trọng khi điều trị F0 tại nhà

Một điểm mới khác trong ứng phó dịch của Việt Nam là thí điểm điều trị F0 tại nhà.

Đánh giá về cách làm này, ông Park cho rằng đó biện pháp cần thiết để tránh tình trạng các cơ sở y tế quá tải.

“Nhiều quốc gia đã ưu tiên giường bệnh cho bệnh nhân nặng, nguy kịch và chăm sóc điều trị tại nhà đối với những trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng để tránh hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải”, đại diện WHO dẫn chứng.

Theo Bộ Y tế, tính đến nay, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 50.000 ca. Trong đợt bùng dịch mới, hơn 80% bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng một tuần. Một số người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng.

Vì vậy, để giảm tải cho hệ thống y tế, bắt đầu từ hôm 14/7, TP.HCM, nơi có hơn 30.000 ca nhiễm, là địa phương đầu tiên triển khai thử nghiệm này.

Theo văn bản thí điểm, trường hợp xét nghiệm PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. F0 là nhân viên y tế không triệu chứng cũng được phép được cách ly tại nhà ngay khi có đủ điều kiện tương tự F1.

Tuy nhiên, ông Park lưu ý để hạn chế nguy cơ lây dịch ra cộng đồng, F0 khi được về nhà điều trị cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. WHO có khuyến nghị về các biện pháp người chăm sóc và người bệnh, các thành viên gia đình nên tuân thủ để tranh lây nhiễm cho nhau và cho cộng đồng trong thời gian bệnh nhân điều trị tại nhà.

TP.HCM sẽ thí điểm triển khai cách ly tại nhà với một số F0. Ảnh: Duy Hiệu.

Khi được hỏi về đề xuất nhằm nâng cao năng lực điều trị tại một số điểm nóng như TP.HCM, ông Park cho biết WHO đã và đang vận động để tăng cường năng lực hệ thống y tế nhằm chuẩn bị ứng phó với sự gia tăng nhanh chóng của ca mắc Covid-19.

Ông đánh giá năng lực kiểm soát các ca mắc Covid-19 của hệ thống y tế Việt Nam đã được tăng cường. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng mới khiến làn sóng dịch Covid-19 nguy hiểm hơn nhiều so với trước đây.

“WHO đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế để cung cấp bằng chứng khoa học mới nhất nhằm hỗ trợ chính phủ trong quá trình ra quyết định ứng phó với đại dịch”, ông Park khẳng định.

"Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc quản lý các ổ dịch hiện nay. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch hiện nay có nhiều thách thức hơn và cần nhiều thời gian hơn để kiểm soát, nên nó đòi hỏi những nỗ lực tập thể và bền bỉ theo cách tiếp cận toàn xã hội", ông nói.

Minh An