Đằng sau việc Trung Quốc giảm mạnh đầu tư tại châu Âu

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin đầu tư từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã chỉ còn 7,9 tỷ euro vào năm ngoái, giảm 22% so với năm trước đó.

Điều này đã đưa các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu trở lại gần bằng mức năm 2013, ngay trước khi chính phủ Trung Quốc đưa ra những chi tiêu khổng lồ liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Xe điện Atto 3 của nhà sản xuất Trung Quốc BYD được trưng bày tại một triển lãm thương mại tại Farnborough, Anh. Ảnh: Reuters

Theo một nghiên cứu chung của Rhodium Group và Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics), động thái giảm đầu tư ở châu Âu phù hợp với xu hướng cắt giảm diện rộng về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc.

Trên khắp thế giới, các khoản đầu tư của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm, ở mức 111 tỷ euro, giảm 23% so với mức của năm 2021. Hoạt động sáp nhập và mua lại giảm 21% so với một năm trước đó, xuống còn 22 tỷ euro, trong bối cảnh môi trường đầu tư đầy rẫy rủi ro.

Tình trạng này diễn ra khi các chính phủ châu Âu xem xét kỹ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng của họ. EU trong những năm gần đây đã triển khai quy trình sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các quốc gia thành viên, theo đó các quan chức Brussels sẽ "đánh dấu" các khoản đầu tư rủi ro.

Ví dụ, năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã khuyến nghị chính phủ Đức từ chối lời đề nghị từ tập đoàn vận tải biển thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Cosco để mua cổ phần của một nhà ga tại cảng Hamburg.

Trong trường hợp này, chính phủ Đức đã thông qua giao dịch với yêu cầu người mua Trung Quốc không có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối từ nội các của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, thỏa thuận này đang được xem xét lại.

Báo cáo của Rhodium Group và Merics đã ghi nhận sự suy giảm nghiêm trọng đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng, cơ sở hạ tầng, bất động sản và tài chính- những lĩnh vực trước đây chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu nội địa của Trung Quốc ở châu Âu.

“Điều này bắt nguồn từ việc tập trung nhiều hơn vào việc giảm rủi ro tài chính từ các công ty trong những lĩnh vực này đang chịu cảnh nợ nần ở Trung Quốc, kiểm soát vốn chặt chẽ hơn và giờ đây là các biện pháp sàng lọc đầu tư chặt chẽ hơn ở châu Âu, đặc biệt là ở các cơ sở hạ tầng quan trọng, do quan hệ EU-Trung Quốc đang xấu đi và cuộc xung đột ở Ukraine”, các tác giả viết.

Các khoản đầu tư còn lại của Trung Quốc ở châu Âu chủ yếu tập trung vào các khu vực địa lý và lĩnh vực cụ thể. Năm 2022, 88% tổng số đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu chỉ chảy vào 4 quốc gia: Anh, Pháp, Đức và Hungary.

Cả bốn quốc gia đều là đối tượng đầu tư lớn vào lĩnh vực xanh của các nhà sản xuất pin xe điện (EV) Trung Quốc. Lĩnh vực này đã tăng vọt so với tất cả các lĩnh vực khác vào năm ngoái.

Các khoản đầu tư vào lĩnh vực xanh - nơi một công ty bắt đầu liên doanh mới ở nước ngoài bằng cách xây dựng các cơ sở hoạt động mới từ đầu - chiếm 57% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào châu Âu trong năm ngoái, phần lớn trong số đó được thúc đẩy bởi các địa điểm sản xuất pin xe điện.

Agatha Kratz, Giám đốc của Rhodium Group cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến sự thay đổi lớn trong cách các công ty Trung Quốc đầu tư vào châu Âu. Sau nhiều năm mà khối lượng đầu tư chú trọng vào việc mua lại, giờ đây nó đang bị chi phối bởi các khoản đầu tư vào lĩnh vực xanh, trên hết là vào các nhà máy pin”.

Theo quan chức trên, các công ty Trung Quốc đang rót hàng tỷ USD vào chuỗi cung ứng xe điện ở châu Âu và họ đã trở thành những người chơi chính trong quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu.
Nhà kinh tế trưởng của Merics Max Zenglein nhận định việc này phản ánh khả năng cạnh tranh của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện.

Chuyên gia Zenglein cho biết: “Các khoản đầu tư vào lĩnh vực xanh cũng ít chịu sự giám sát của cơ quan quản lý hơn do việc mua lại cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc lĩnh vực công nghệ đang bị cạnh tranh nhiều hơn”.

Các yếu tố chính trị ở châu Âu hiện nay đã đặt ra nghi ngờ về việc liệu đầu tư của Trung Quốc có sớm phục hồi hay không.

EU đang thúc đẩy một chính sách an ninh kinh tế, có thể được công bố vào tháng 6 tới. Chính sách này sẽ giúp đẩy mạnh nỗ lực toàn khối nhằm giảm thiểu rủi ro cho các mối quan hệ kinh tế của khối này với Trung Quốc.

Các ngoại trưởng của 27 quốc gia thành viên EU cũng sẽ gặp nhau tại Stockholm vào ngày 12/5 để thảo luận về chiến lược mới đối với Trung Quốc, với khái niệm “giảm thiểu rủi ro” – giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh đối với các mặt hàng quan trọng và hạn chế chuyển giao các công nghệ chính cho Trung Quốc.

Hoàng Trang/Báo Tin tức