Điểm tin Công Thương – Pháp luật 21/9: Thu giữ gần 2.000 lít dầu máy không rõ nguồn gốc

Phát hiện gần 2.000 lít dầu máy không rõ nguồn gốc

Báo Bảo vệ pháp luật ngày 21/9, đưa tin: Phát hiện gần 2.000 lít dầu máy không rõ nguồn gốc

Công an xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh phát hiện, thu giữ khoảng 2.000 lít chất lỏng (nghi là dầu máy) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Số dầu máy lực lượng chức năng thu giữ

Ngày 18/9, tại bãi đất trống thuộc thôn Trung, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Tổ công tác của Công an xã Đồng Rui phát hiện Nguyễn Đăng Quang (SN 1978), trú tại xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng; chỗ ở hiện nay: Thôn Trung, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên đang có hành vi tập kết 10 thùng phi bằng kim loại, thể tích khoảng 200 lít/thùng bên trong có chứa chất lỏng màu đen (nghi là dầu máy), tổng thể tích khoảng 2.000 lít.

Qua làm việc, người này khai nhận số chất lỏng trên là dầu máy được thu mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Công an xã Đồng Rui đã lập biên bản ghi nhận vụ việc và bàn giao cho toàn bộ số tang vật nói trên cho Công an huyện Tiên Yên xử lý theo quy định.

Xử phạt 3 doanh nghiệp thủy điện "dính" sai phạm, buộc nộp khoản lợi bất chính

Báo Bảo vệ pháp luật ngày 21/9, đưa tin: Xử phạt 3 doanh nghiệp thủy điện "dính" sai phạm, buộc nộp khoản lợi bất chính

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện đối với chủ đầu tư công trình Thủy điện Krông Nô 2, Krông Nô 3 của Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam - Krông Nô, Thủy điện Đa Trou Kea của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiết bị điện và Cơ khí Nhật Anh và Thủy điện Sar Deung 2 của Công ty Cổ phần Năng lượng Lâm Hà.

Nhà máy Thủy điện Krông Nô 3

Ba công ty bị xử phạt vi phạm hành chính vì đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính 180 triệu đồng/thủy điện. Ba công ty còn bị buộc nộp khoản lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động phát điện; buộc phải kiểm định chất lượng công trình đối với phần công trình hoặc toàn bộ công trình đã kết thúc thi công hoặc đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng đối với hành vi vi phạm.

Trước đó, 4 công ty, gồm: Công ty Cổ phần Thủy điện Bồng Lai - chủ đầu tư Thủy điện Đa Cho Mo 2, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Dâng 3 - chủ đầu tư Thủy điện Đạ Dâng 3, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đam B’ri - chủ đầu tư Thủy điện Đam B’ri 1 và Công ty Cổ phần Cao Nguyên Sông Đà 7 - chủ đầu tư Thủy điện Yan Tann Sien cũng bị xử phạt 180 triệu đồng/trường hợp vì có hành vi vi phạm tương tự.

Chuyển hồ sơ xử lý hình sự cơ sở thẩm mỹ mạo danh Pfizer Inc ở TP.HCM

Báo Sức khỏe và Đời sống 21/9, đăng tin: Chuyển hồ sơ xử lý hình sự cơ sở thẩm mỹ mạo danh Pfizer Inc ở TP.HCM

Ngày 21/9, Sở Y tế TP.HCM thông tin, Thanh tra Sở đã chuyển hồ sơ vi phạm của hộ kinh doanh Pfizers (2B-2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3) đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành tố tụng hình sự theo quy định pháp luật.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, vừa qua, Sở có nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc điều trị sẹo, gây biến chứng tại cơ sở làm đẹp có tên là "Pfizer". Đồng thời, Sở Y tế cũng nhận được phản ánh của Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) về việc cơ sở này quảng cáo trên mạng xã hội sử dụng logo có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu hàng hóa của tập đoàn đa quốc gia Pfizer Inc. - Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia về dược phẩm và công nghệ sinh học.

Cơ sở thẩm mỹ sử dụng logo có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu hàng hóa của tập đoàn đa quốc gia Pfizer Inc., và vẫn ngang nhiên hoạt động mặc dù bị tạm đình chỉ hoạt động. Ảnh: SYT

Ngày 27/6/2023, UBND Quận 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với "Hộ kinh doanh Pfizers" địa chỉ 2B - 2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3 do bà T.T.K.M làm chủ hộ do có hành vi sử dụng các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da trên bộ phận cơ thể người (theo quy định pháp luật, các cơ sở do UBND quận, huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì tuyệt đối không được thực hiện các thủ thuật này). Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng.

Tuy nhiên, hộ kinh doanh này không những không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND Quận 3 mà còn cố tình tái phạm với hành vi vi phạm, tiếp tục quảng cáo điều trị sẹo, tiêm...

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho hay: "Qua tổng hợp hồ sơ, Thanh tra Sở Y tế nhận thấy đây là trường hợp tái phạm đối với hành vi vi phạm nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo quy định".

Sở Y tế khuyến cáo người dân khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp xâm lấn (tiêm, chích, phẫu thuật, tiểu phẫu/điều trị sẹo, hút mỡ, chiếu tia, laser…), phải lựa chọn các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Tuyệt đối không lựa chọn cơ sở làm đẹp mà chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu, khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng.

Vân An