UNCTAD giới thiệu công cụ mới giúp chuyển đổi kinh tế và xã hội

Hình minh họa (Nguồn: globalcareersfair.com)

Ngày 8/2, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã ra mắt Chỉ số Năng lực Sản xuất (PCI) - một công cụ mới để giúp các nước đang phát triển cải thiện chính sách phát triển, giảm nghèo và xây dựng khả năng đàn hồi kinh tế chống chịu trước những cú sốc tiêu cực như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vốn đã tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới.

PCI là cổng thông tin trực tuyến với các ấn phẩm, sách hướng dẫn, tài nguyên và công cụ cho phép các nhà hoạch định chính sách đo lường hiệu quả hoạt động của quốc gia họ trong việc đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia, cũng như khả năng đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) .

Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi cho rằng khi các quốc gia chống lại cuộc khủng hoảng COVID-19, nhu cầu phải xây dựng năng lực sản xuất nền kinh tế để tăng trưởng bền vững và toàn diện là lớn hơn bao giờ hết. UNCTAD định nghĩa năng lực sản xuất là “các nguồn lực sản xuất, khả năng kinh doanh và liên kết sản xuất cùng xác định năng lực của một quốc gia trong việc sản xuất hàng hóa, dịch vụ và cho phép quốc gia đó tăng trưởng và phát triển.”

Năng lực sản xuất giúp các quốc gia tránh được cái bẫy của việc tập trung vào một số lĩnh vực sản xuất - chẳng hạn như máy móc và thiết bị, cơ sở hạ tầng vật chất, phát triển nguồn nhân lực, năng lực công nghệ - có thể hướng tới những "viên đạn thần kỳ" để tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Chúng trang bị cho các quốc gia cơ hội thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ đó giúp giảm nghèo và thúc đẩy tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Công cụ này cung cấp một cái nhìn tổng quan về năng lực sản xuất đã được phát triển đến đâu ở mỗi quốc gia, cho phép các nhà hoạch định chính sách theo dõi kết quả phát triển của họ theo thời gian, cũng như so sánh với các quốc gia khác. PCI thể hiện điểm hiệu suất của một quốc gia về năng lực sản xuất trên thang điểm từ 1 đến 100, đánh giá hiệu quả của các chính sách và chiến lược cũng như những lỗ hổng và hạn chế hiện có. Nó có thể giúp các chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách của họ tốt hơn và chuẩn hóa các thành tựu của họ.

Mức độ năng lực sản xuất tổng thể của một quốc gia, cũng như hiệu suất thể hiện trên những thành phần cấu thành của PCI, là những điểm đánh dấu điểm mạnh, điểm yếu và các mô hình tăng trưởng có thể có trong tương lai. Không có gì ngạc nhiên khi các nước phát triển và các nền kinh tế công nghiệp phát triển là những nước có thành tích cao nhất về chỉ số PCI tổng hợp và điểm số cụ thể của từng loại, ngoại trừ những điểm tự nhiên.

Ở châu Á, các nền kinh tế có hiệu suất cao nhất là Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng toàn cầu của PCI, tiếp theo là Hàn Quốc và Singapore, lần lượt xếp thứ 11 và 13.

Nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia nghèo nhất thế giới và những quốc gia không giáp biển, bị tụt hậu trong tất cả các thành phần của PCI, ngoại trừ những điểm tự nhiên, phần lớn do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu các mặt hàng chính và sản xuất hạn chế trong một số lĩnh vực. Có những khoảng cách đáng chú ý trong các khía cạnh chính của năng lực sản xuất, bao gồm thay đổi cơ cấu, thể chế, năng lượng, công nghệ thông tin truyền thông và vốn con người.

Chỉ số PCI xác định các lĩnh vực chính mà các nước đang phát triển cần tập trung để nâng cao năng lực sản xuất, đạt được tăng trưởng lâu dài, bền vững và bao trùm. Các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia này có thể sử dụng công cụ trên để đưa ra các quyết định dựa trên minh chứng rõ ràng về các chính sách và chiến lược phù hợp.

Tố Uyên (TTXVN/Vietnam+)