'Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục không quá lớn, sẽ kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu'

Áp lực về giá cả một số mặt hàng từ nay đến Tết Nguyên đán tăng nhưng không nhiều. Ảnh: TL

PV: Ông đánh giá như thế nào về thành công trong điều hành ạm phát năm 2023 của Chính phủ?

PGS.TS. Nguyễn Bá Minh: Lạm phát năm 2023 chỉ tăng 3,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nguyên nhân cơ bản do tổng cầu thấp. Nguyên nhân chính khiến CPI năm 2023 có diễn biến như trên là do các nhóm nhân tố, như: lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, EU chứng kiến đà hạ nhiệt liên tục trong năm 2023, xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, nhờ nỗ lực thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương.

Điều này góp phần giải tỏa áp lực nhập khẩu lạm phát. Bên cạnh đó, nền kinh tế trong nước phục hồi chậm khi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 đạt mức tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

Điều này phản ánh sự phục hồi tổng cầu nền kinh tế còn yếu, trong khi cung hàng hóa vẫn khá dồi dào, công suất nền kinh tế dư thừa tạo áp lực ghìm giá cả của một số mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI.

PGS.TS. Nguyễn Bá Minh

Một điều đáng kể đó là các công cụ thuế được điều chỉnh theo hướng tăng cường kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Theo đó, từ ngày 1/1/2023, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng thời, khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản được Chính phủ tháo gỡ kịp thời… Đó là những yếu tố thuận lợi giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2023, tạo đà cho công tác điều hành năm 2024.

PV: Năm 2024 theo dự báo, lạm phát cũng sẽ tương đối “dễ thở” khi có nhiều yếu tố góp phần làm giảm giá. Tuy nhiên, cũng có những cảnh báo trong điều hành chúng ta không thể chủ quan, vì vẫn có những rủi ro, như dự báo của các chuyên gia đến thời điểm này không bao gồm việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Bá Minh: Đúng vậy, trong điều hành chúng ta không thể chủ quan mà phải theo sát diễn biến thị trường giá cả để có phương án, kịch bản ứng phó phù hợp, kịp thời.

Tôi cho rằng, trong năm 2024 phải điều hành rất hài hòa, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ. Chúng ta cũng đừng tư duy rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng gây ra lạm phát tiền tệ khả năng là rất thấp. Do đó, trong đó chính sách tiền tệ phải luôn ổn định tỷ giá, đảm bảo cung tiền vừa đủ để nền kinh tế phát triển.

Năm nay ngay từ đầu năm ân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu 15% tăng trưởng tín dụng để khuyến khích phát triển; đồng thời duy trì lãi suất vừa phải để hài hòa lợi ích của ngân hàng nhưng đồng thời cũng phải khuyến khích phát triển.

Đối với chính sách tài khóa, một số chính sách của Nhà nước có hiệu lực trong năm 2024 cũng có thể cùng tác động tới việc kích cầu tiêu dùng trong nước như: cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 01/07/2024; tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết tháng 6/2024 theo tinh thần Nghị định 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15.

Hoặc như việc tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã ở mức cao; lộ trình học phí thường niên, cùng với chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ,.. dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước năm 2024.

Như vậy, các yếu tố về tổng cầu, giá nguyên nhiên, vật liệu và cung tiền nêu trên khó có khả năng tăng mạnh trong năm 2024. Bên cạnh đó, đối với giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp để giảm áp lực của việc tăng giá đối với sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống xã hội, làm giảm áp lực với lạm phát.

PV: Theo ông, công tác điều hành giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cần phải lưu ý điều gì, khi mà giá cả thường “đến hẹn lại tăng” những dịp này?

PGS.TS. Nguyễn Bá Minh: Đúng là theo truyền thống tết năm nào giá cả cũng tăng, nhưng mức độ tăng năm nay tôi cho rằng sẽ không lớn vì cung hàng hóa rất nhiều, nhất là giá lương thực, thực phẩm. Như chúng ta đã biết, giá cả một số mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng hiện khá ổn định, như giá lợn ở thời điểm này chững lại, giá gạo xuất khẩu tăng nhưng trong nước về cơ bản vẫn ổn định.

Do đó áp lực về giá cả một số mặt hàng từ nay đến Tết Nguyên đán tăng nhưng không nhiều. Người dân có thể yên tâm về điều này.

Đối với việc tăng lương làm tăng giá, nếu cải cách tiền lương vào tháng 7/2024, đây cũng là lưu ý trong điều hành. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế nhiều năm, thì cứ tăng lương là một số mặt hàng tăng theo, nên Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp để tăng lương nhưng không tăng giá, đảm bảo đời sống người dân, nhất là nhóm người nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Minh Anh