Định hướng truyền thông giúp HTX phát triển bền vững

Ông Nguyễn Xuân Thọ, Giám đốc HTX nông nghiệp Thọ Minh (Đăk Nông ) cho biết, cũng là sầu riêng nhưng giống sầu riêng RI6 của Việt Nam dù được các HTX chú trọng đầu tư và được đánh giá chất lượng không hề thua kém với những giống sầu riêng nước ngoài nhưng giá cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 -150.000 đồng/kg. Trong khi sầu Musang King của Malaysia nhưng trồng tại Việt Nam thì bán từ 500.000-800.000 đồng/kg. Điều này cho thấy sự chênh lệch giữa hai sản phẩm là đến từ thương hiệu và chiến lược truyền thông. Quả sầu RI6 bán giá thấp chính là chưa có thương hiệu quốc gia và chưa có chiến lượng truyền thông phù hợp.

Chênh lệch về giá

Tìm kiếm trên các sàn thương mại điện tử cũng dễ dàng nhận thấy, nhiều mặt hàng gạo Nhật Bản bán tại Việt Nam với gián từ 330.000 đồng/kg trở lên. Trong đó, một loại gạo Nhật Bản (loại gạo dinh dưỡng từ 16 loại hạt) cũng đang có giá từ 427.000 đồng đến gần 500.000 đồng/kg tùy từng địa điểm bán. Trong khi một trong những loại gạo của Việt Nam được mệnh danh là ngon nhất thế giới là ST25 hiện có giá bán trung bình từ 30.000-40.000 đồng/kg.

Có điều này, theo các chuyên gia là bởi không chỉ gạo mà nhiều sản phẩm khác của Nhật Bản được gắn cụm từ “Made in Japan”. Đây vốn là một thương hiệu quốc gia của Nhật Bản nên cho dù người Việt Nam có thấy 500.000 đồng/kg gạo Nhật Bản nhưng vẫn tin “đắt xắt ra miếng”. “Thậm chí có người biết đó là giá cao, thậm chí đắt đi chăng nữa nhưng vẫn tin đó là hàng xịn bởi đó là thương hiệu quốc gia, trong khi nông sản Việt chưa làm được điều này”, bà Nguyễn Thu Liên (Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch AFT), cho biết.

Trong khi ở Việt Nam, rất nhiều nông sản là thế mạnh, được sản xuất và xuất khẩu đứng thứ nhất, thứ nhì thế giới (hồ tiêu, cà phê…) nhưng đến nay vẫn chưa có thương hiệu. Chính vì không có thương hiệu nên đi liền với đó việc truyền thông cho nông sản, hàng hóa vẫn còn chưa có tính thống nhất, đồng bộ.

Cần chiến lược truyền thông mang tính quốc gia để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Cụ thể là hiện nay, bên cạnh những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOC, reviewer, youtuber) đang giúp nông dân, HTX làm truyền thông, marketing, ứng dụng công nghệ số để nâng cao giá trị sản phẩm thì vẫn có những KOC, reviewer, youtuber khi làm về nông sản, ẩm thực lại có nội dung hoàn toàn trái ngược như: cầm 100.000 đồng ăn sập Sài Gòn hay cầm 100.000 đồng ăn sập siêu thị mini, giải cứu nông sản…

Bà Bùi Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm NOOM (Quảng Nam), cho biết những nội dung như trên đang vô tình khiến nông sản, ẩm thực Việt bị gắn mác “cheapest-rẻ nhất”. Và khi được các KOC, reviewer, youtuber truyền thông rậm rộ như hiện nay thì nông sản, thực phẩm Việt càng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng thương hiệu, cạnh tranh trên thị trường cũng như chạm tay đến ước mơ “richest -giàu nhất”.

Tránh tình trạng 'trâu đi tìm cọc'

Trong khi hiện nay, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp như nguồn nguyên liệu dồi dào, văn hóa bản địa, nhân lực, thị trường (dân số trẻ), hệ thống HTX ở 63 tỉnh thành với mong muốn liên kết với doanh nghiệp để xây dựng và duy trì một nền nông nghiệp bền vững.

Chính vì vậy, theo bà Bùi Thị Hồng Thu, vấn đề của nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết hiện nay chính là định hướng truyền thông mang tầm cỡ quốc gia để không chỉ người dân, HTX, doanh nghiệp, cơ quản quản lý thống nhất được cách marketing về nông sản, thực phẩm mà còn có những định hướng để giúp cả những người không làm nông nghiệp như các KOC, reviewer, youtuber… cũng nắm được chủ trương phát triển, xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia để có những cách đánh giá, review và cách làm nội dung một cách phù hợp với tổng thể của ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Thọ cho rằng những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội làm nội dung, đánh giá chưa đúng với giá trị văn hóa bản địa, hoặc có phần “rẻ rúng” về nông sản, hàng hóa Việt Nam khiến nông dân, HTX gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thậm chí đưa nông sản vào tình thế bị tẩy chay.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), cho rằng trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức như suy thoái kinh tế hậu Covid-19, lạm phát cao, sức mua giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị phức tạp như hiện nay thì việc xây dựng bài bản chiến lược truyền thông marketing cho ngành nông nghiệp Việt Nam là vô cùng cần thiết. Điều này cũng giúp Việt Nam định vị lại xem ngành nông nghiệp đang đứng ở đâu, khả năng cạnh tranh cốt lõi nằm ở đâu, cách xây dựng thương hiệu cần hướng tới là gì, truyền thông tập trung vào những điều gì với các lộ trình thời gian cụ thể.

Trong khi hiện nay, mỗi người dân, HTX, doanh nghiệp có một cách truyền thông khác nhau, chủ yếu tập trung vào định hướng riêng của HTX, doanh nghiệp nên không làm nổi bật nên định hướng, mục tiêu của ngành nông nghiệp cũng như giá trị của nông sản nên rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn sang Thái Lan cũng thấy được rằng, ngành lúa gạo của nước này phát triển là do Thái Lan đã có chiến lược truyền thông ở quy mô quốc gia từ chục năm nay. Theo đó, người dân, HTX ở Thái Lan nắm được định hướng của ngành nông nghiệp để chú trọng đưa gạo tham gia các hội chợ thương mại ở trong và ngoài nước, gia tăng việc quảng bá loại gạo hạt bóng nhằm nâng diện tích gieo trồng loại gạo này và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Thái Lan là trung tâm thế giới về gạo hạt bóng.

Bên cạnh đó, các HTX cũng được hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất gạo quốc tế, hệ thống logistic cũng được hoàn thiện. Nhà nước cũng đặt mục tiêu rõ ràng trong việc tiêu thụ gạo nội địa, xuất khẩu…

Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp truyền thông có ý nghĩa quan trọng để giúp ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các HTX nói riêng có thể phát triển bền vững và tránh được tình trạng người nước ngoài khi nghĩ về Việt Nam là chỉ nghĩ đến nông sản giá rẻ, nguồn lao động rẻ…

Huyền Trang