Đổi thay ở Ea Lâm

Người dân xã Ea Lâm phấn khởi thu hoạch lúa trên cánh đồng Trạm bơm Ea Lâm 2. Ảnh: NGÔ XUÂN

Hoàn thin cơ s h tng

Năm 2022-2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, xã Ea Lâm được triển khai 9 dự án, tiểu dự án nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân ổn định đời sống.

Tiêu biểu, từ nguồn vốn Dự án 1 (về giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt), xã Ea Lâm có 9 hộ dân được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở; 7 hộ được hỗ trợ lắp nước sạch. Ngoài ra, 23 hộ ở đây cũng được hỗ trợ kinh phí mua bồn chứa nước sạch để phục vụ cuộc sống. Mùa khô này, nhiều hộ dân Ea Lâm yên tâm hơn vì đã chủ động được nguồn nước sinh hoạt.

Với Dự án 2 (về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết), xã Ea Lâm được hỗ trợ triển khai các công trình: điểm giãn dân buôn Gao, buôn Học; mở rộng điểm giãn dân buôn Bai; đầu tư rãnh thoát nước khu giãn dân buôn Bai; công trình mở rộng bê tông tuyến đường từ nhà ông Ma Dư đến nhà ông Ma Cách và tuyến đường từ nhà Mí Mươi đến nhà Mí H Đai (buôn Bưng A). Cũng từ nguồn vốn của Dự án 2, hàng chục hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở hoặc di dời đến nơi ở mới, với điều kiện cơ sở hạ tầng đầy đủ, khang trang hơn, giúp bà con yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.

Cũng trong năm 2022-2023, từ nguồn kinh phí thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 4 (về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi), xã Ea Lâm cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 công trình: chợ Ea Lâm; đường liên xã đoạn từ buôn Gao đến giáp đường Đông Trường Sơn; mở rộng đường bê tông, đoạn từ ngã tư trung tâm xã đến đường Đông Trường Sơn; đường nội đồng, đoạn từ đường liên xã Ea Bá, Ea Lâm đến giáp đường nội đồng Đồi 75).

Địa phương này cũng vừa triển khai các công trình: đường nội đồng từ cầu suối Ea Sái đi khu sản xuất buôn Bai; đường từ đường bê tông hiện trạng đi bến đò buôn Học; rãnh thoát nước từ ngã tư xã đến Trường THCS Ea Lâm; sửa chữa nhà văn hóa buôn Gao và sửa chữa đường nội đồng từ nghĩa địa buôn Bưng A đến bến đò buôn Bưng B… nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã.

Ngoài ra, với Dự án 6 (về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch), xã Ea Lâm được nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa buôn Học, buôn Bưng B; mua bộ cồng chiêng cho buôn Bưng A, buôn Bưng B và buôn Gao để phục vụ hoạt động sinh hoạt văn hóa, lễ hội. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, hoàn thiện đã phục vụ tốt đời sống và các hoạt động sản xuất của người dân Ea Lâm.

Mí Thung ở buôn Bai, xã Ea Lâm bày tỏ: Trước đây, gia đình tôi sống nhờ nhà mẹ đẻ. Do nơi ở cũ chật hẹp nên vợ chồng tôi được xã xét duyệt hỗ trợ xây dựng nhà ở điểm giãn dân buôn Bai. Có nhà mới, tôi mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, buôn bán một số mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong buôn; cùng với trồng ít sào sắn, lúa nước và nuôi mấy con bò, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Bà con được dọn đến các điểm giãn dân cũng rất phấn khởi vì nơi ở mới điều kiện sinh hoạt đầy đủ, khang trang; cuộc sống bà con ngày càng tốt hơn.

Mí Thung ở buôn Bai, xã Ea Lâm vừa mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ buôn bán sau khi xây dựng nhà mới ở điểm giãn dân buôn Bai. Ảnh: NGÔ XUÂN

n đnh cuc sng nh cây lúa, cây mía

Năm 2023, từ chính sách khuyến khích phát triển cây mía của địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Lâm lần đầu tiên thử nghiệm trồng mía và đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Ma H Dưm ở buôn Bưng B chuyển đổi hơn 1,2ha đất trồng sắn sang trồng mía. Ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, Ma H Dưm đã đạt được kết quả không ngờ tới. Ma H Dưm chia sẻ: Trước đây, hơn 1ha sắn mỗi năm gia đình tôi chỉ thu được hơn chục triệu đồng; có năm còn mất trắng. Năm rồi, tôi trồng thử nghiệm hơn 1,2ha mía. Kết quả, với năng suất gần 90 tấn/ha, gia đình tôi thu về 140 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi hơn 90 triệu đồng. Với kết quả này, người dân Ea Lâm không còn sợ đói, sợ nghèo nữa. Năm nay, tôi sẽ tiếp tục mở rộng, trồng thêm một số diện tích mía; chú trọng chăm sóc, tưới nước để đạt năng suất cao hơn.

Theo ông HVing Y Dố, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, trước đây, người dân của xã chỉ quen với cây sắn, thu nhập bấp bênh. Từ vụ ép 2022-2023, xã Ea Lâm phối hợp Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam ký hợp đồng trồng mía với người dân nên diện tích trồng mía của xã tăng mạnh. Từ diện tích ban đầu chỉ vài chục héc ta, đến nay, toàn xã Ea Lâm phát triển lên 222,5ha, tăng khoảng 320% so với cùng kỳ năm trước. Năm rồi, năng suất mía bình quân toàn xã đạt trên 70 tấn/ha, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã có thu nhập cao.

Trước đó, nhằm phát huy hiệu quả công trình Trạm bơm Ea Lâm 1, Trạm bơm Ea Lâm 2, huyện Sông Hinh khuyến khích người dân xã Ea Lâm trồng lúa nước. Hằng năm, địa phương đều tổ chức san ủi, cải tạo một số diện tích đất để phân bổ cho các hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất; đồng thời hỗ trợ bà con kỹ thuật trồng lúa. Đến nay, toàn xã đã phát triển được gần 170,3ha lúa nước; giúp hàng trăm hộ dân chủ động được lương thực, thực phẩm, không còn sợ cái đói, cái nghèo đeo bám.

Ma Tốt ở xã Ea Lâm bày tỏ: Năm ngoái, gia đình tôi trồng 3 sào lúa nước; thu được 50 bao lúa. Năm nay, một số khu vực trồng lúa bị ngập nước nên chỉ trồng được khoảng 1 sào, nhưng cũng thu được khoảng 20 bao lúa. Sau khi thu hoạch, tôi tiếp tục cày xới, đến tháng 5 sẽ tiếp tục gieo sạ chuẩn bị vụ mới. Bây giờ, có cây lúa, cây mía, người dân Ea Lâm không còn sợ đói nữa. Mọi người đều vui mừng, phấn khởi và biết ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo, tạo điều kiện cho bà con thoát đói, thoát nghèo.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Ea Lâm là một trong những xã đặc biệt khó khăn, nhưng có nhiều bước phát triển vượt bậc trong 2 năm trở lại đây. Không chỉ được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, người dân Ea Lâm còn được định hướng phát triển kinh tế nên đời sống ngày càng ổn định. Nếu khai thác tốt quỹ đất và hạ tầng hiện có, tôi tin rằng tương lai người dân Ea Lâm không chỉ thoát nghèo, mà còn có thể vươn lên làm giàu.

NGÔ XUÂN