Du học sinh sai lầm khi lao vào làm thêm

“Trước khi sang Australia, tôi rất tự tin với IELTS 7.0. Nhưng ngay buổi học đầu tiên, tôi không hiểu giảng viên nói gì. Quay sang hỏi các bạn khác, họ cũng không hiểu tôi nói gì. Tiếng Anh của người Australia rất khó nghe, nhất là giọng của giảng viên lớn tuổi”, TS Trần Văn Huy, tốt nghiệp ĐH Công nghệ Sydney, chia sẻ tại một hội thảo du học mới đây.

TS Huy cho biết thêm sự lo lắng trong việc bắt nhịp, làm quen với giọng người bản xứ luôn là điều khiến du học sinh dễ nản chí. Tuy nhiên, ông cho rằng sinh viên người Việt nên nghĩ việc nắm tiếng bắt tiếng Anh của người Australia, hiểu các từ lóng chỉ là vấn đề thời gian và cần có kế hoạch để thực hiện.

TS Trần Văn Huy chia sẻ về cuộc sống, học tập ở Australia tại Ngày hội du học Australia “New Horizons” 2021 diễn ra cuối tháng 1. Ảnh: UAVS-NSW.

Học tiếng Anh của người Australia

TS Trần Văn Huy chia sẻ thời học ở Australia, để cải thiện tiếng Anh, ông chủ động giao tiếp với người bản xứ. Ông thường gặp người lớn tuổi tại các địa điểm du lịch để trò chuyện.

“Phần lớn họ đã về hưu, muốn đi xung quanh thành phố và nói chuyện cùng người khác. Do vậy, tôi học được nhiều điều hay về văn hóa và quen dần giọng Australia”, ông nói.

Ngoài ra, ĐH Công nghệ Sydney có các chương trình hỗ trợ tiếng Anh miễn phí cho du học sinh như giao tiếp 1-1 với sinh viên bản xứ, hội thảo dạy phát âm chuẩn, các buổi nói chuyện về văn hóa Australia. Các trường khác cũng có chương trình tương tự. Do đó, du học nên tận dụng cơ hội để cải thiện ngôn ngữ.

Tương tự, bà Đặng Thị Thanh Vân, tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học máy tính tại ĐH Sydney, sáng lập viên kiêm CEO tại Savvycom, cũng gặp khó khăn với tiếng Anh khi du học Australia.

Bà Thanh Vân chia sẻ lúc du học, tiếng Anh của bà chỉ ở mức “vớt” nên rất khó hiểu bài giảng của giảng viên. Bà miễn cưỡng nghe được thầy cô nói nhưng khi sinh viên khác đứng dậy đặt câu hỏi, bà hầu như không hiểu gì. Điều này khiến bà mất tự tin.

Khi làm việc nhóm, tự ti vì tiếng Anh giao tiếp không tốt, bà đẩy việc trình bày cho người khác, đánh mất cơ hội rèn kỹ năng thuyết trình và thể hiện năng lực.

Để không đánh mất cơ hội, bà Thanh Vân tranh thủ thời gian nghỉ hè để đi làm thêm nhằm cọ xát thực tế, tăng khả năng giao tiếp và thâm nhập cuộc sống người bản xứ.

Bà từng làm việc tại một cửa hàng đồ ăn nhanh, được giao phụ trách tổ chức sinh nhật cho các nhóm học sinh. Thứ bảy, chủ nhật nào, bà cũng bận rộn với các bữa tiệc.

Nhưng cũng nhờ đó, cựu sinh viên ĐH Sydney mới thấy tiếng Anh của bản thân quá học thuật, trẻ con không hiểu. Sau đó, bà học cách nói, giải thích làm sao đơn giản đến mức trẻ con cũng hiểu và thích thú. Việc đó đã tạo động lực và tiếng Anh của bà cải thiện rất nhiều.

Bà Đặng Thị Thanh Vân cho rằng du học sinh nên làm thêm ở mức độ vừa phải để rèn luyện tiếng Anh, kỹ năng mềm, có thu nhập nhưng vẫn đảm bảo việc học. Ảnh: UAVS-NSW.

Bỏ bê học tập vì làm thêm

Bà Đặng Thị Thanh Vân khẳng định làm thêm cần ở mức độ vừa phải. Một số du học sinh sai lầm khi làm thêm quá nhiều, không tập trung việc học.

Từ kinh nghiệm bản thân, bà Vân cho rằng đi làm tối đa 20 giờ/tuần hoặc vào dịp nghỉ hè là hợp lý. Số giờ làm thêm nên phù hợp năng lực bản thân. Ngoài ra, khi đi làm thêm, du học sinh cần xác định mục tiêu không chỉ kiếm tiền, mà còn để học kỹ năng giao tiếp, cách doanh nghiệp/tổ chức vận hành hay các kỹ năng mềm khác để cân bằng cuộc sống.

TS Trần Văn Huy cũng nhấn mạnh du học sinh sai lầm khi làm thêm quá nhiều. Ông từng gặp nhiều người thiếu kinh phí học tập nên làm thêm nhiều dẫn đến mệt mỏi, không có thời gian ôn lại kiến thức học trên lớp, ứng dụng, làm bài tập.

“Chúng ta cần xác định rõ mục đích của việc du học, đồng thời phụ huynh nên cố gắng thu xếp kinh phí học tập cho sinh viên. Việc học nên được ưu tiên hàng đầu”, TS Huy chia sẻ.

Theo ông, nếu du học sinh sắp xếp và cân bằng tốt giữa học tập và làm thêm, nó mang lại nhiều lợi ích. Ngoài có thu nhập, công việc làm thêm có thể giúp sinh viên mở rộng vốn hiểu biết, kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ xã hội, bạn bè và làm quen với môi trường làm việc, bổ sung thêm kinh nghiệm trong hồ sơ xin việc. Đây chính là những điểm để sinh viên có thể cân nhắc có nên làm thêm không.

Tuy nhiên, làm thêm quá nhiều dẫn đến mất cân bằng trong việc học tập, ảnh hưởng lớn tới học tập. Trong khi đó, các môn học tại Australia yêu cầu sinh viên dành lượng thời gian nhất định cho việc lên lớp nghe giảng, làm bài tập theo nhóm và các hoạt động tự nghiên cứu để có thể hoàn thành tốt môn học đó.

Theo TS Trần Văn Huy, mức độ làm thêm vừa phải rất phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi du học sinh. Họ nên có kế hoạch cho việc học tập và đi làm thêm kỹ lưỡng để đảm bảo cân bằng.

Khi đi làm thêm, du học sinh cần cân nhắc công việc định làm, lựa chọn công việc yêu thích hoặc có ích cho việc phát triển các kỹ năng có lợi cho việc xin việc sau này.

Bên cạnh đó, họ cũng cần cân nhắc các điều kiện làm việc, an toàn không, chế độ lương và các chế độ khác xứng đáng với công sức mình bỏ ra hay không.

Ông nhắc thêm du học sinh cần lưu ý xem được phép làm việc bao nhiêu tiếng mỗi tuần để tránh việc làm quá giờ theo quy định của Bộ Di trú.

Nguyễn Sương