Giáo dục đang chuyển dịch đúng hướng

Ưu tiên nguồn lực cho đổi mới giáo dục

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định thành tựu nổi bật của Nghị quyết 29-NQ/TW là thể chế, chính sách về giáo dục và đào tạo cơ bản được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công cuộc đổi mới.

Tại ải Phòng, nhờ sự hoàn thiện của thể chế, chính sách và phân cấp về địa phương, thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, các văn bản này đều đi vào cuộc sống và tạo hiệu ứng tốt như Nghị quyết 06 của HĐND thành phố về quy định cơ chế, chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; Nghị quyết 54 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, “Có những khu đất nếu để phát triển đô thị thì có thể thu vài nghìn tỷ nhưng thành phố vẫn sẵn sàng dành đất để ưu tiên thu hút đầu tư quốc tế cho giáo dục”.

Hải Phòng cũng là “điểm sáng” trong đổi mới chính sách, cơ chế tài chính. Theo đó, thành phố đã thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho học sinh bậc học mầm non, trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021; hỗ trợ học phí cho học sinh trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022 (trong đó có cả học sinh ngoài công lập). Về việc huy động sự tham gia đóng góp của xã hội, kinh phí từ nguồn xã hội hóa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kinh phí cho giáo dục Hải Phòng. Trong đó, tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa đầu tư cho giáo dục mầm non trong 10 năm (2010 - 2019) đạt hơn 2.300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, Hải Phòng có một số cơ chế mạnh có tính chất đột phá, chính sách đặc thù, tiêu biểu toàn quốc trong thực hiện nhiệm vụ thu hút, tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi. Nhờ đó, đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành, trong 10 năm qua, ngành giáo dục đào tạo đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 75 với kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới. Ông Thành khẳng định, nhờ việc ban hành cơ chế chính sách đúng đã tạo điều kiện cho địa phương chủ động, tự chủ, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình giáo dục. Đội ngũ giáo viên được phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thiết kế cũng như tổ chức hoạt động phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Thành công nổi bật tiếp theo là việc đào tạo đội ngũ.

“Có thể nói từ việc thiết kế kế hoạch, chương trình cho đến tổ chức thực hiện để có điều kiện bảo đảm cho công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được nâng lên. Bởi đội ngũ quyết định chất lượng giáo dục”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành phân tích từ thực tế địa phương.

Phát triển phẩm chất, năng lực của người học

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, quy mô và cơ cấu giáo dục chuyển dịch đúng hướng, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Dương Bích Nguyệt cho biết: “Quy mô giáo dục và đào tạo tăng nhanh, mạng lưới trường lớp tiếp tục được rà soát, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho con, em các dân tộc trên địa bàn tỉnh; nhất là ở vùng cao, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên được tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng, từng bước thay đổi tư duy theo hướng chủ động, tích cực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm”.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ở Lào Cai, chất lượng giáo dục ở các cấp học đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn được thu hẹp. Kết quả học sinh đoạt giải trong các cuộc thi được duy trì bền vững, tăng so với giai đoạn trước. Các hoạt động đổi mới được triển khai đồng bộ, đạt kết quả nổi bật như giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong học sinh.

Cùng với đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành khẳng định, thể hiện rõ nét nhất của đổi mới giáo dục là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. “Chúng ta đã thay đổi tư duy, thay đổi cách làm giáo dục. Trước đây, phương pháp dạy chủ yếu nặng về truyền thụ kiến thức, còn nay là phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Chất lượng của tất cả các cấp học, bậc học được nâng lên thể hiện ở trong những bảng xếp hạng Olympic quốc tế. Uy tín vị thế giáo dục được nâng lên”, ông Thái Văn Thành nêu rõ.

Cùng với giáo dục phổ thông, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục đại học đã có nhiều kết quả tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đặt ra. Trong đó công tác tự chủ đại học đã đạt được những bước tiến, đặc biệt là tự chủ về chuyên môn, học thuật, ra đời nhiều ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tế.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học được xây dựng, sửa đổi, bổ sung ngày càng hoàn thiện, nhất là việc ban hành Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy định chi tiết thi hành, đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý và triển khai hoạt động đào tạo các trình độ đại học hiệu quả, tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng. Đặc biệt là quy định về đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học là quy định nổi bật trong đổi mới cơ chế quản lý trong giáo dục đại học trong giai đoạn vừa qua, đem lại sự thay đổi mạnh mẽ và tạo ra diện mạo mới hệ thống cơ sở giáo dục đại học.

Khải Minh