Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, do sống đan xen với cộng đồng các dân tộc anh em, tiếp thu văn hóa của thế giới làm cho một số lĩnh vực văn hóa của đồng bào Khmer bị mai một đi.

Nguy cơ bị mai một

Trường phổ thông dân tộc nội trú là loại hình trường chuyên biệt mang tính chất phổ thông. Nhiệm vụ của trường là giáo dục học sinh về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam và ý thức tham gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn sau khi tốt nghiệp.

Đồng bào Khmer có rất nhiều loại hình nghệ thuật, một số loại thường gặp và dễ thực hiện đó là: Múa chúc mừng và múa gõ gáo; múa sinh hoạt cộng đồng; hát ru và hát À day, nhạc Ngũ âm… và Đồng bào Khmer Nam bộ một năm có rất nhiều lễ hội như: Chol Chnam Thmay (Lễ vào năm mới), Sene Dolta (Lễ cúng ông bà), Okombok (Lễ đút cốm dẹp), Lễ Um tuk (Đua ghe ngo), Lễ Bon kâm san srok (Cầu an)...tuy nhiên vẫn còn rất nhiều học sinh chưa hiểu hết ý nghĩa của các lễ hội và nghệ nhân dạy một số loại hình văn hóa dân tộc không còn nhiều.

Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer phong phú và đa dạng làm cho bức tranh văn hóa dân tộc thêm nhiều màu sắc, không chỉ góp phần vào nâng cao giá trị đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn góp phần phát triển du lịch, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cá nhân, cộng đồng và xã hội. Cùng với đó, do sống đan xen với cộng đồng các dân tộc anh em, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, việc tiếp thu văn hóa của thế giới đã làm phong phú thêm cho văn hóa của mỗi dân tộc.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer có nguy cơ bị mai một, có một số loại hình có khả năng bị thất truyền, nếu không có giải pháp hữu hiệu để giữ gìn.

Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa

Từ một số vấn đề nêu trên, các trường phổ thông dân tộc nội trú cần nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, phối hợp với các cơ quan chức năng, các nghệ nhân để giảng dạy, giáo dục học sinh giữ gìn một số giá trị văn hóa của đồng bào Khmer. Trong đó, việc dạy và học chữ Khmer cần được nhà Trường tổ chức thực hiện dạy đúng, đủ theo chương trình qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nghiên cứu phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học chữ Khmer ở các chùa để vận dụng thực hiện tại trường. Tổ chức thi “ Hùng biện tiếng Khmer” cấp trường mỗi năm một lần để nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Khmer cho học sinh. Tổ chức sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt nội trú lồng ghép tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức học và sử dụng tiếng Khmer. Phối hợp với Ban dân tộc cung cấp báo bằng Khmer ngữ, tạp chí dân tộc song ngữ cho các em đọc, rèn luyện kỹ năng đọc, viết.

Về điêu khắc, nhà trường cần sưu tầm các tranh ảnh về điêu khắc, các hoa văn để sinh hoạt cho học sinh hiểu, sau đó phối hợp với các vị sư trụ trì các chùa Khmer trên địa bàn tổ chức cho các em thực tế, trải nghiệm qua các hình tượng ở chùa như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, thiên thần, vũ nữ, hình rồng, rắn thần. Các loại hoa văn như hoa lửa, hoa lá, Angkor, hoa văn phối hợp...Các điệu múa như: Múa chúc mừng và múa gõ gáo, Hát ru và hát À day, nhạc Ngũ âm để học sinh nghiên cứu.

Trường cũng nên mời nghệ nhân đến giảng dạy những tiết mục mà học sinh có điều kiện thực hiện, tập vào những buổi ngoài giờ học. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, những em học sinh đã được học, truyền thụ lại cho các em ở những lớp sau, duy trì hoạt động nghệ thuật thường xuyên và tham gia văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian vào các dịp Chol Chnăm Thmây, Sen-đôn-ta, Ok- om- bok tại các chùa để giúp cho học sinh hiểu thêm về ý nghĩa các ngày lễ, hội.

Nhà trường cần nghiên cứu đặc điểm về đời sống văn hóa của người Khmer, lựa chọn những nội dung phù hợp để đưa vào giáo dục học sinh ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, các em sẽ nhận thấy đời sống vật chất, tinh thần người Khmer là cư dân nông nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực canh tác lúa nước, trồng các loại hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản bằng các dụng cụ như lọp, trúm, câu, lưới; dệt chiếu, làm đồ gốm, làm nghề mộc, đan lát, tre, nứa, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ bằng lục bình. Đời sống tinh thần, từ lúc sinh ra người Khmer mặc nhiên được xem là một tín đồ Phật giáo, mọi sinh hoạt của họ đều gắn liền với ngôi chùa dựa trên quan niệm truyền thống “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, sự giao thoa văn hóa làm phong phú thêm văn hóa của từng dân tộc, do đó, vấn đề văn hóa truyền thống của từng dân tộc cần được bảo tồn và phát triển là vấn đề cấp thiết. Cho nên Trường phổ thông dân tộc nội trú có trách nhiêm trong việc giáo dục học sinh ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Có như vậy, giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer mới có thể được bảo tồn, lưu giữ lâu dài ngay từ khi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trương Anh Sáng