Hà Nội: giảm số ca mắc sốt xuất huyết, thủy đậu

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn TP ghi nhận 690 ca mắc ốt xuất huyết; 7 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động tại 3 thôn: Thọ Vực, Bãi Tháp, Đồng Vân thuộc huyện Đan Phượng. Sở Y tế đã chỉ đạo CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ, giám sát, điều tra, xử lý dịch tại các khu vực này.

Đối với bệnh thủy đậu, à Nội có 23 ca mắc trong tuần, giảm 3 trường hợp so với tuần trước; cộng dồn từ đầu năm đến nay là 587 trường hợp.

Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết, thủy đậu giảm thì số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn TP ghi nhận gia tăng với 76 trường hợp mắc, tăng 8 trường hợp so với tuần trước đó.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân mắc ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh nhân phân bố tại 24 quận, huyện, một số địa bàn có nhiều bệnh nhân như Tây Hồ 9 ca, Hoàn Kiếm 8 ca, Hà Đông và Sóc Sơn đều ghi nhận 7 ca. Tuy nhiên, phần lớn là ca bệnh tản phát, các ổ dịch ghi nhận quy mô nhỏ (2 bệnh nhân/ổ dịch).

Ngoài ra, bệnh ho gà ghi nhận 2 trường hợp, tuần trước là 15 ca. 3/4 số bệnh nhân là trẻ em dưới 4 tháng tuổi, còn lại là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Theo PGS.TS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, có hơn 50% trẻ mắc bệnh nặng có nguồn lây từ mẹ và nhiễm bệnh trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch ở 3 tháng đầu đời.

Trẻ chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng. Ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Đáng lưu ý, ho gà nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng viêm phổi. Đây là nguyên nhân tử vong thường gặp nhất. Do đó, các chuyên gia y tế lưu ý, cần phân biệt ho gà và ho thông thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Qua đó, ngành y tế khuyến cáo, bên cạnh việc tiêm phòng cần, người dân lưu ý thực hiện tốt các biện pháp khác như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Phụ huynh hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà. Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, tuần tới, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo CDC Hà Nội thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch.

Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chỉ đạo trạm y tế căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu UBND xã, phường, thị trấn triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trên địa bàn, lưu ý các khu vực nguy cơ cao. Các cơ sở giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại các quận, huyện: Đông Anh, Ba Đình, Chương Mỹ, Sơn Tây, Thường Tín, Thanh Xuân và Phúc Thọ.

Thảo Trần