Hải Phòng: Điểm kết nối cung - cầu phía Bắc

Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023 tại Quyết định số 2924/QĐ-BCT ngày 28/12/2022 của Bộ Công Thương; Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 08/9/2023 của UBND thành phố ải Phòng về tổ chức Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng Sông Hồng - Hải Phòng năm 2023 (sau đây gọi là Hội chợ) và giao Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công Thương Hải Phòng) là đơn vị thực hiện tổ chức Hội chợ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ

Sự kiện Hội chợ đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt tới người tiêu dùng trong và ngoài nước, tìm kiếm đối tác trực tiếp và khách hàng tiềm năng cho đầu ra của sản phẩm. Thông qua Hội chợ đã thúc đẩy hoạt động tăng cường hợp tác liên kết, giao thương giữa thành phố Hải Phòng với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh, thành phố trong cả nước; mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế giữa các ngành, các địa phương; liên kết sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong xu thế Hội nhập kinh tế quốc tế và liên kết vùng.

Hội chợ được tổ chức từ ngày 17/11 đến ngày 22/11/2023 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Tiệp (53 đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Với quy mô hơn 220 gian hàng tiêu chuẩn và có sự tham gia của 23 trung tâm hoạt động về xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Lào Cai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Bắc Giang, Phú Thọ, trung bình từ 02 - 06 gian hàng/đơn vị và hơn 100 doanh nghiệp tham gia với nhiều ngành hàng, lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ phong phú.

Các đại biểu và người dân đến dự Lễ khai mạc Hội chợ

Trong suốt 06 ngày tổ chức, Hội chợ đã thu hút trên 50.000 lượt khách tham quan, mua sắm, riêng ngày khai mạc có gần 10.000 lượt người tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của các địa phương trong cả nước một cách trực quan với các đơn vị sản xuất trực tiếp tham gia Hội chợ. Qua quan sát các ngày diễn ra sự kiện, người đến tham quan, mua sắm tại Hội chợ ngày nào cũng đông, nhất là buổi tối, và kết quả là những người đi ra đều tay sách, tay cầm hàng hóa và thấy rất vui. Đây chính là nội dung rất quan trọng góp phần vào thành công của Hội chợ, đó là đã mang hàng hóa, sản phẩm OCOP, đặc sản tiêu biểu của nhiều vùng miền có chất lượng, giá cả hợp lý, và đặc biệt là người mua được trao đổi, giao lưu trực tiếp với người sản xuất từ các tỉnh, thành phố cách rất xa Hải Phòng. Doanh số bán hàng trong 06 ngày Hội chợ đạt khoảng hơn 10 tỷ đồng, trung bình ngày đạt khoảng 1,6 tỷ doanh số bán hàng từ các đơn vị tham gia.

Thực hiện theo Chương trình phát triển thị trường trong nước của thành phố Hải Phòng, Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Phòng đang triển khai xây dựng chuỗi 10 mô hình Điểm bán hàng Việt tại các địa bàn: các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và trung tâm các huyện Thủy Nguyên, An Dương và thị trấn Cát Bà. Tại các Điểm bán hàng Việt này, người dân Hải Phòng sẽ có điều kiện thuận lợi được mua sắm trực tiếp hàng ngày những sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hải Phòng và các địa phương trong cả nước.

Đặc biệt, là những sản phẩm trưng bày, tiêu thụ tại Hội chợ cũng có mặt đầy đủ trên các kệ hàng của từng điểm bán. Thông qua hoạt động này, ngành Công Thương Hải Phòng đã hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động mở rộng thị trường, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - thương mại của thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố được kết nối, giao thương, hợp tác liên kết, phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong xu thế Hội nhập kinh tế quốc tế và liên kết vùng. Dự kiến sang năm 2024, Hải Phòng sẽ xây dựng tiếp 10 Điểm bán hàng Việt phủ hết các quận nội thành và các khu thị tứ, khu đô thị mới ở vùng ngoại thành.

PV