Hàn Quốc sẽ vượt lên trong cuộc đua bay lên vũ trụ?

Bộ trưởng Bộ khoa học của Hàn Quốc cho biết, chương trình không gian của quốc gia này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua những vệ tinh mới được phóng nhằm củng cố vị thế đi đầu của Hàn Quốc trong cuộc chạy đua 6G và cung cấp thêm phương tiện theo dõi với mục đích an ninh quốc gia.

Theo bà Lim Hye-sook, quy trình này yêu cầu phóng những vệ tinh đa nhiệm bằng những tên lửa được thiết kế trong nước, với mục tiêu cuối cùng là một chiến dịch khám phá mặt trăng.

Bà Lim, người đã nhận được bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật điện tử và khoa học máy tính tại đại học Texas, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Khám phá không gian sẽ là nền tảng cho những cơ hội kinh doanh mới”.

Hàn Quốc đã nới lỏng các hạn chế xung quanh quá trình phát triển tên lửa vào đầu năm nay sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ những hạn chế trong một hiệp định song phương giữa hai nước, và quyết định này có thể sẽ giúp quốc gia này thiết kế những động cơ tên lửa mạnh mẽ hơn nhằm bắt kịp trong cuộc đua thương mại hàng không vũ trụ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Moon Jae-in đã chấm dứt cam kết đạn đạo song phương vào tháng 5 vừa rồi, vốn từ lâu đã đặt nhiều hạn chế lên quá trình phát triển tên lửa của Seoul ở mức dưới 800 kilometer (500 dặm).

Hàn Quốc đã dự kiến thử tên lửa mới vào tháng 10 năm nay, với kế hoạch phóng thử tên lửa ba tầng mang tên Nuri, một dự án được đầu tư 1,8 tỷ USD được thiết kế để phóng một vệ tinh 1,5 tấn vào quỹ đạo khoảng 600 đến 800 km tính từ bề mặt trái đất.

Đây sẽ là bước tiến lớn so với phương tiện không gian hai tầng Naro được thiết kế bằng công nghệ của Hàn Quốc và Nga, từng phải hoãn hai đợt phóng thử và gặp phải hai lần phóng thất bại trước khi đạt được một lần phóng thành công vào năm 2013, đưa một vệ tinh nghiên cứu nặng 100 kilogram vào quỹ đạo.

Tên lửa Naro 1 của Hàn Quốc. Nguồn: therichest.

Theo bà Lim, “ngành công nghiệp vũ trụ là một ngành công nghiệp quan trọng đối với thông tin tình báo, nhưng bên cạnh đó, đây cũng là một ngành công nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn tới chiến lược quốc gia dựa trên khả năng bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn cộng đồng”.

Bà không nhắc tới một quốc gia cụ thể nào có thể sẽ bị theo dõi từ trên cao, nhưng mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên vẫn hiện hữu từ cuộc chiến tranh lạnh, và bên cạnh đó Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại tại Seoul.

Hàn Quốc có thể là quốc gia đi đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ, nhưng chương trình không gian của quốc gia này tụt hậu khá xa so với "hàng xóm" Trung Quốc và Nhật Bản.

Triều Tiên đã thành công trong việc phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng như một tên lửa dân sự sử dụng công nghệ đó, và những thành quả đó có thể được coi là đã vượt xa những thành quả mà Hàn Quốc đạt được.

Hàn Quốc đang thúc đẩy kích hoạt toàn bộ “Dự án 425” sớm nhất là trong đầu năm tới, sử dụng vệ tinh theo dõi phân giải cao trong ứng dụng quân sự và dân sự để đề phòng những mối nguy đến từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Bà Lim cho biết Hàn Quốc cũng lên kế hoạch xây dựng hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh của riêng quốc gia này, cùng với một mạng lưới vệ tinh liên lạc 6G, và phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng vào năm 2030.

Hàn Quốc đã dự định phóng vệ tinh thăm dò lên mặt trăng từ hơn một thập kỷ trước, và trong tháng 5 vừa rồi, quốc gia này đã gia nhập chương trình Artemis của NASA, với mục tiêu đưa loài người trở lại mặt trăng./.

Nguyễn Quang Minh (Theo Bloomberg)