Hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật

Ngày 26/1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn chính sách hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Đinh Việt Anh cho biết, những năm qua, nhờ sự quan tâm của nhà nước và cộng đồng, cùng với sự nỗ lực của bản thân, nhiều người khuyết tật đã có cơ hội học văn hóa, học nghề, có việc làm với các ngành nghề khác nhau để xây dựng cuộc sống tự lập, vươn lên hòa nhịp với sự phát triển chung của xã hội.

Quang cảnh Hội nghị tập huấn chính sách hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật

Tuy nhiên, do nhận thức về chính sách, pháp luật của bản thân người khuyết tật và cộng đồng, trong đó có người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục, y tế, các cơ quan, tổ chức liên quan còn hạn chế nên quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực lao động, việc làm còn chưa được thực thi đầy đủ.

Việc tiến hành các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục đối với người khuyết tật còn có những khó khăn, vướng mắc. Tỉ lệ người khuyết tật được học văn hóa, học nghề, có việc làm nhìn chung còn thấp. Trên thực tế, đã có những trường hợp người khuyết tật không thực hiện được các thủ tục hành chính để thụ hưởng các chính sách của nhà nước về y tế, giáo dục, bị từ chối nhập học hay lao động người khuyết tật bị ngược đãi, xâm phạm thân thể, xâm hại tình dục, chi trả tiền công không thỏa đáng...

Dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lý về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho người khuyết tật” do Hội Người mù Việt Nam xây dựng, thông qua các hoạt động của dự án nhằm nâng cao nhận thức, tư vấn và hỗ trợ pháp lý về chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực cho người khuyết tật nhất là những dạng khuyết tật khó khăn về tiếp cận như: người khiếm thị, khiếm thính, gia đình trẻ khuyết tật, người sử dụng lao động là người khuyết tật, nhân viên y tế, cán bộ giáo dục và những người liên quan; xây dựng câu lạc bộ, diễn đàn, địa chỉ trợ giúp, tư vấn pháp lý, đồng thời, đóng góp ý kiến xây dựng, bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực nêu trên.

Dự án được thực hiện tại Hà Nội từ 9/2020 đến 8/2021, nơi có địa bàn rộng lớn với số người khuyết tật đông (98.742 người). Sau khi dự án kết thúc, các câu lạc bộ pháp luật và địa chỉ trợ giúp, tư vấn pháp lý sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển, đồng thời, các mô hình và kinh nghiệm rút ra từ dự án cũng sẽ được chia sẻ, nhân rộng cho các địa phương khác trên phạm vi toàn quốc.

Được biết, các hoạt động chính của dự án bao gồm: Khởi động dự án: thông báo kế hoạch thực hiện dự án trên địa bàn, đề xuất sự phối hợp triển khai của các bên; chuyển đổi, in chữ Braille và in sao đĩa CD Luật và các văn bản luật. Tài liệu được luân chuyển đến người khuyết tật và chia sẻ trên Cổng thông tin điện tử của Hội; phổ biến, trợ giúp và tư vấn pháp lý về những vướng mắc mà người khuyết tật gặp phải trong lĩnh vực lao động, việc làm, tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục của nhà nước; tập huấn, giới thiệu luật và các chính sách liên quan; xây dựng câu lạc bộ và địa chỉ tư vấn pháp luật; tổ chức thí điểm sinh hoạt.../.

Gia Huy