Hỗ trợ người khuyết tật, chú trọng chủ đề 'Thể thao - Hòa nhập - Vươn lên'

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam chia sẻ cùng phóng viên Báo Hànôịmới.

- Thưa ông, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số. Ông có thể cho biết thời gian qua, công tác hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng đã được thực hiện và đạt kết quả ra sao?

- Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn; nhiều người ở vùng sâu, vùng xa nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.

Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác người khuyết tật. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy khả năng, tích cực của họ tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội.

Năm 2014, Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật với số phiếu tán thành tuyệt đối và không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm thực hiện các quyền của người khuyết tật.

Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1-11-2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền của người khuyết tật, khẳng định sự quan tâm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với người khuyết tật. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia có trách nhiệm của xã hội cũng như phát huy sự nỗ lực của người khuyết tật.

Nhờ vậy, số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng.

- Ông có thể chia sẻ một vài số liệu nhằm “lượng hóa” kết quả công tác hỗ trợ, chăm sóc người khuyết tật?

- Đến nay, số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đạt hơn 1,6 triệu người. Các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng. 20 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Đã có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường. Chúng ta cũng đã thống nhất được ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Braille trong toàn quốc.

Hằng năm, có khoảng 19 nghìn người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm; trong đó hơn 20 ngàn lượt người được giới thiệu việc làm với tỷ lệ thành công đạt hơn 50%; gần 40 ngàn người được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi…

Cùng với đó, các chính sách khác, như: Miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho người khuyết tật.

- Hng năm, các ban, bộ, ngành và địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhân văn dịp Ngày Quốc tế về người khuyết tật.Năm nay, chúng ta sẽ tập trung vào các hoạt động cụ thể nào, thưa ông?

- Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm 2023, chúng ta chú trọng thực hiện chủ đề: “Thể thao - Hòa nhập - Vươn lên”, với mong muốn thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao của người khuyết tật, giúp họ nâng cao sức khỏe, hòa nhập vào đời sống xã hội.

Vinh danh các vận động viên, huấn luyện viên người khuyết tật tiêu biểu.

Hiện nay, trong lĩnh vực thể thao, đã có 35 tỉnh, thành phố tổ chức phong trào thể thao dành cho người khuyết tật với nhiều môn thể thao phù hợp. Các giải thi đấu thể thao thường xuyên có từ 1.000 đến 1.500 vận động viên khuyết tật tham gia. Có nhiều vận động viên đã đạt được những thành tích xuất sắc.

Với mong muốn hỗ trợ người khuyết tật có cơ hội bình đẳng, sống độc lập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội, phát huy hiệu quả chủ đề của Ngày quốc tế Người khuyết tật năm 2023, chúng ta cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông để các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội và nhân dân nâng cao nhận thức trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, khuyến khích, hỗ trợ, ủng hộ, động viên viên người khuyết tật tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao hiểu biết và kỹ năng cho người khuyết tật về nội dung và phương pháp tập luyện thể dục thể thao, phương pháp vệ sinh, tự chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, cần vận động, khuyến khích mọi đối tượng người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ tham gia tập luyện thể dục thể thao bằng các phương pháp và nội dung phù hợp với tình trạng sức khỏe, giới tính, lứa tuổi và đặc điểm thương tật.

Chúng ta cũng cần tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao đủ kiến thức và năng lực, có tâm huyết, trách nhiệm trong lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao người khuyết tật, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, trước hết về nội dung và phương pháp tập luyện, chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ cho người khuyết tật, cải tạo các công trình thể dục thể thao nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận các công trình này. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa để thu hút tiềm năng và nguồn lực xã hội tham gia phát triển thể dục thể thao người khuyết tật, quan tâm phát triển các câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật.

- Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện.