Hội An tạm dừng trùng tu Chùa Cầu để nghiên cứu kỹ phương án

Di tích Chùa Cầu được xem là biểu tượng của Di sản Văn hóa Thế giới ội An đã qua 7 lần sửa chữa và trải qua gần 400 năm tồn tại. Di tích này chịu tác động bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và con người nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng cần có giải pháp tu bổ phù hợp.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu được khởi công vào ngày 28/12/2022 với tổng kinh phí 20 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh Quảng Nam 50% và UBND thành phố Hội An 50%.

Dự án do UBND thành phố Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An quản lý, dự kiến thời gian thi công dự án là 360 ngày. Dự án có sự tài trợ về kinh phí để nghiên cứu từ Quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ tổ chức JICA Nhật Bản.

Chùa Cầu sau khi hạ giải.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu thực hiện tu bổ, gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình. Ngoài ra, dự án còn tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật bao gồm điện chiếu sáng cảnh quan, chống sét, phòng cháy chữa cháy, mạng internet, hệ thống camera an ninh...

Nhiều ý kiến cho rằng, do điều kiện kinh tế, lịch sử nên mỗi lần trùng tu có thể thay đổi ít nhiều so với nguyên bản di tích. Từ năm 1915 đến năm 1986, sàn Chùa Cầu thẳng nhưng từ năm 1986 đến nay có hình dáng cong. Nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm về trùng tu Chùa Cầu hiện nay theo hướng sàn cầu cong.

Có ý kiến cho rằng, nếu hồ sơ trùng tu năm 1986 không rõ ràng thì tại sao phải bám theo đó để trùng tu sàn cầu cong. Do vậy, phải nghiên cứu kỹ lại hồ sơ, hiện trạng, quá trình trùng tu nên chọn phương án nào có thể tỏa sáng được giá trị di tích nhất, đảm bảo Chùa Cầu đáp ứng được 3 chức năng gồm đi lại, tín ngưỡng và thư giãn.

Di tích Chùa Cầu được xem là biểu tượng của Di sản Văn hóa Thế giới Hội An.

Chùa Cầu không chỉ là biểu tượng của thành phố Hội An hay tỉnh Quảng Nam mà còn là biểu tượng của văn hóa, du lịch Việt Nam, biểu tượng của mối bang giao Việt Nam - Nhật Bản. Hiện không có đủ tư liệu để xác định sàn Chùa Cầu trước đây cong hay phẳng nên việc tổ chức các hội nghị tham vấn là rất cần thiết. Việc trùng tu Chùa Cầu cũng phải dựa trên các nguyên tắc quy định về tính chân xác, an toàn, phù hợp với điều kiện, cuộc sống đương đại. Quá trình tháo dỡ, tu bổ di tích này phải hết sức thận trọng, phải tôn trọng yếu tố gốc chứ không thể nhìn nhận chủ quan cảm tính.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về Dự án trùng tu Chùa Cầu, UBND thành phố Hội An quyết định tạm dừng triển khai trùng tu theo hồ sơ đã phê duyệt; tiếp tục khảo sát, nghiên cứu kỹ hơn thực trạng và hình ảnh tư liệu, bổ sung hồ sơ trùng tu.

Theo UBND thành phố Hội An, cần xây dựng 3 phương án trùng tu sàn cầu. Phương án 1 là mặt cầu phẳng như năm 1915 và cong như từ năm 1986 đến nay. Phương án 2 dựa trên hồ sơ đã được phê duyệt hiện nay và phương án 3 dựa trên cơ sở khảo sát lại, lập hồ sơ mới. Tất cả 3 phương án trên sẽ được niêm yết công khai tại Chùa Cầu lấy ý kiến người dân, nhà nghiên cứu; Thời gian bắt đầu từ dịp Tết Nguyên đán và kéo dài đến quý I/2024.

Khởi công dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, thành phố Hội An

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi lấy ý kiến sẽ hoàn chỉnh hồ sơ tiếp tục triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành trùng tu Chùa Cầu trước mùa mưa 2024.

“Mặc dù công trình này được trùng tu hết sức thận trọng, tham khảo ý kiến nhiều bên nhưng dự án này buộc phải tuân thủ hồ sơ pháp lý. Ví dụ như trễ bao nhiêu thời gian thì phải xin lùi, phải xin gia hạn và nếu thay đổi hồ sơ thì phải đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định lại toàn bộ hồ sơ vì giá trị dự toán, kết cấu đã thay đổi hoàn toàn” - ông Sơn nói.

Long Phi/VOV-Miền Trung