Hồi phục ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam trong top đầu của khu vực

Cơ hội phát triển không nhỏ ngành nông nghiệp thực phẩm

Phát triển trong bối cảnh đan xen nhiều thách thức và cơ hội, song việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực phẩm theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa của các sản phẩm nông sản, tổ chức liên kết lại sản xuất đã đem lại những hiệu quả rất tích cực cho việc phát triển ngành nông nghiệp thực phẩm của Việt Nam thời gian qua.

Ngành nông nghiệp thực phẩm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn sản xuất, chế biến

Trước đại dịch, ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Kết quả từ báo cáo mới vừa công bố của Oxford Economics (Công ty tư vấn độc lập hàng đầu trên thế giới) cho thấy ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam đã đóng góp 86,4 tỷ USD vào GDP trong năm 2019. Hiện ngành này cũng đang cung cấp 27,5 triệu việc làm, chiếm ½ lực lượng lao động trên cả nước và là nguồn tạo việc làm quan trọng nhất trong nền kinh tế. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thực phẩm cũng đóng góp tổng cộng 13,2 tỷ USD vào thu nhập thuế của Việt Nam.

Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, Oxford Economics cũng đưa ra đánh giá Việt Nam hiện xếp thứ 2 trên 10 quốc gia về kỳ vọng phục hồi kinh tế ngành nông nghiệp thực phẩm với số điểm 6,6/10, chỉ sau Singapore. Điều này một phần là vì Việt Nam đã ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tương đối sớm và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. Ngành nông nghiệp thực phẩm vẫn có khả năng chống chịu trong đại dịch đạt mức tăng trưởng 4% vào năm 2020, tương đương mức đóng góp tăng 3,7 tỷ USD vào GDP toàn quốc.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký được nhiều Hiệp định thương mại tự do với EU, Anh, RCEP... mở ra quy mô tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thực phẩm của những thị trường này rất lớn. Điều này buộc ngành nông nghiệp thực phẩm, các DN sản xuất phải chú trọng các yêu cầu về logicstis, an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm.

Bên cạnh đó, khả năng gắn kết của các chủ thể trong việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thực phẩm từ sản xuất đầu vào, chế biến, tổ chức tiêu thụ, xuất khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... cũng được các bên liên quan đặc biệt chú trọng.

Vẫn còn thách thức bài toán tăng trưởng

Tuy nhiên, theo đánh giá của Oxford Economics khi ngành nông nghiệp thực phẩm có thể tạo ra động lực lớn cho sự phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch, thì những rủi ro cung - cầu, các biện pháp chính sách tài khóa và đại dịch kéo dài có thể gián đoạn đà phục hồi của nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp thực phẩm nói riêng.

Cùng với quan điểm đánh giá này, bà Mary Tarnowka - Giám đốc Điều hành AmCham Vietnam cho biết: Đại dịch đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các ngành nghề bao gồm nông nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, với vai trò là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam ngành nông nghiệp thực phẩm đã thể hiện khả năng chống chịu cao với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Khủng hoảng cũng là cơ hội cho ngành nông nghiệp thực phẩm góp thúc đẩy an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững. Việt Nam nên tiếp tục đa dạng hóa ngành nông nghiệp thực phẩm như trước đại dịch bằng cách nâng cao năng lực nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong công nghệ nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ cung ứng của toàn ngành.

Ông James Lambert - Giám đốc Cố vấn Kinh tế châu Á của Oxford Economics chia sẻ: Để Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các ngành kinh tế trong đó có ngành nông nghiệp thực phẩm vốn là thế mạnh phát triển với các chính sách tài khóa được hoạch định. Trong bối cảnh kinh tế năm 2021 được dự báo với nhiều khó khăn, Chính phủ Việt Nam cần phải lưu tâm đến điểm này khi đưa ra bất kỳ chính sách nào có thể tác động đến ngành nông nghiệp thực phẩm. Chẳng hạn việc tăng thuế bán hàng có thể làm giảm nhu cầu và phúc lợi của các hộ gia đình Việt Nam do thực phẩm và đồ uống hiện đang chiếm hơn 1/3 chi tiêu của hộ gia đình.

Ngọc Thảo