Tuyến đầu phòng dịch vì sức khỏe nhân dân

Chủ động lên đường khi phát hiện dịch bệnh, tổ chức khoanh vùng, dập dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đó là công việc của cán bộ, y bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Các anh, các chị phối hợp với các lực lượng luôn có mặt nơi tuyến đầu, ngày đêm bám trụ, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan, vì sức khỏe đồng bào.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phun khử khuẩn phòng, chống dịch ở trường học trên địa bàn Thành phố.

Dịch Covid-19 qua đi, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch vẫn còn đọng lại. Bác sĩ Cao Thanh Tùng, Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhớ lại: Tháng 8/2021, huyện Phù Yên là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19. Đẩy lùi dịch bệnh, các lực lượng quân đội, công an, y tế đã hỗ trợ địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Riêng đội ngũ y tế phải trực tiếp đến từng nhà dân trong các “vùng đỏ” để lấy mẫu xét nghiệm. Hàng ngày, tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân F0, có nguy cơ lây truyền bệnh cao, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng tôi đã vượt lên tất cả, toàn tâm, toàn lực bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hồi tháng 8/2023, chúng tôi được tham gia đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vào khoanh vùng, dập dịch ốt xuất huyết tại huyện Sông Mã. Đến cơ sở, mỗi người một việc hỗ trợ địa phương điều tra dịch tễ, giám sát véc tơ, bắt côn trùng, giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết; tổ chức phun khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm, truyền thông phòng chống dịch… Những khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, nhưng ai nấy vẫn tận tâm với công việc.

Bác sĩ Đặng Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Mã, cho biết: Ngay khi phát hiện trường hợp dương tính với sốt xuất huyết Dengue tại thị trấn, Trung tâm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; phát động các hoạt động vệ sinh môi trường. Đồng thời, bố trí nhân lực, triển khai phun hóa chất diệt côn trùng; khuyến cáo nhân dân đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị khi có biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, không tự điều trị tại nhà. Nhờ đó, dịch bệnh được khống chế kịp thời.

Trong tháng 10/2023, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện tại các trường học ở 12 huyện, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thành lập các đoàn công tác tiến hành giám sát tại nơi xảy ra dịch bệnh; theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để phân tích, đánh giá dịch tễ, giám sát vùng nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.

Chị Mạc Thị Diễn, tiểu khu 2, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, nói: Thời gian qua, khu vực này dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình lo lắng, nhưng được cán bộ y tế đến tận nơi tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng chống, như thả cá vàng để diệt bọ gậy; lật úp các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng. Nhờ đó, gia đình không có ai bị mắc sốt xuất huyết.

Bác sĩ Lê Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Nhiều năm gần đây, hệ thống dự phòng hướng đến việc kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, như: ăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh liên quan đến nghề nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh ngay từ cơ sở, góp phần giảm gánh nặng cho hệ điều trị, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Thực hiện phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, khối lượng công việc của nhân viên y tế dự phòng trong toàn tỉnh rất vất vả. Công việc quanh năm, dù dịp nghỉ lễ, tết hay ngày hoặc đêm, các anh chị ở Trung tâm vẫn có mặt tại địa bàn xảy ra dịch để điều tra, khoanh vùng, xử lý; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phòng bệnh; tổ chức tiêm vắc xin, khám sàng lọc để điều trị kịp thời.

Năm 2023, Trung tâm đã tập trung củng cố, phát triển hệ thống dự phòng; phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý phần mềm và thống kê báo cáo các bệnh không lây nhiễm. Phát hiện 54.632 bệnh nhân tăng huyết áp, trong đó, có 45.002 bệnh nhân được quản lý điều trị tại tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh.

Khống chế 4 ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra tại huyện Mai Sơn, Sông Mã; mở 11 hội nghị tập huấn về phần mềm sàng lọc, phát hiện bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại cộng đồng cho 740 học viên là cán bộ nhân viên y tế xã, bản ở các huyện, thành phố. Phát hành 157.342 tài liệu truyền thông để nhân dân thay đổi nhận thức, thói quen, chủ động tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của.

Điểm nhấn trong y tế dự phòng là triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng. Với nhiệm vụ này, Trung tâm đã bám sát cơ sở, cùng y tế tuyến cơ sở rà soát từng đối tượng để tiêm chủng, tiêm vét, tiêm bù, không để sót đối tượng, nâng cao tỷ lệ miễn dịch với dịch bệnh. Đồng thời, trao đổi thông tin giữa 2 lĩnh vực điều trị và dự phòng để phát hiện sớm các dấu hiệu, nguy cơ có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân, từ đó, kịp thời triển khai các biện pháp đáp ứng, can thiệp. Đồng thời, Trung tâm còn triển khai truyền thông tuyên truyền về phòng, chống các loại bệnh như: /AIDS, lao, sốt xuất huyết; phòng, chống bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện các đợt tuyên truyền cao điểm, phòng chống bệnh tim mạch; bệnh đái tháo đường... nâng cao nhận thức về công tác y tế trong cộng đồng dân cư.

Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ tuyến y tế dự phòng luôn khắc ghi lời Bác dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền”, phát huy tinh thần sáng tạo, lòng nhiệt huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp sức chăm sóc và bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân.

Trần Hiền