Ken Langone khởi đầu thành công nhờ mạo hiểm ở Pressprich

Tôi kể bạn nghe đã bắt đầu sự nghiệp ở Pressprich như thế nào. Phố Wall hoạt động như sau: Những chuyên gia phân tích đưa ra lời khuyên cho nhân viên môi giới chứng khoán, các nhân viên này lại cố gắng bán lại ý tưởng đó cho các nhà đầu tư tổ chức. Hoạt động đó còn hay được gọi là giao dịch với những người đi xe ngựa - bọn nhà giàu.

Những giao dịch đầu tiên

Sàn chứng khoán đã thất thế trong nhiều năm từ sau cuộc Đại khủng hoảng, nhưng trong nền kinh tế cường thịnh vào cuối những năm 50, các nhà đầu tư tổ chức bắt đầu trở nên nghiêm túc với việc mua bán cổ phần.

Trong đợt khủng hoảng năm 1962, với giá cổ phiếu khá thấp, họ đưa ra dự báo cho các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và ngân hàng mà họ đang phục vụ rằng: Thị trường sẽ chỉ có thể khá lên mà thôi.

Tôi đến Cincinnati để đi chuyến công tác đầu tiên cho Pressprich vào tháng 1/1963. Jack Cullen đi cùng tôi để hướng dẫn những điều tôi chưa biết. Jack không thích đi máy bay, nên chúng tôi phải đi bằng xe lửa.

Đó là một chuyến đi dài. Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là ngân hàng First National Bank. Jack giới thiệu tôi cho họ rồi để tôi dẫn dắt cuộc trò chuyện.

Sách Từ số 0 đến tỷ phú. Ảnh: Saigonbooks.

Tôi nói với Trưởng phòng nghiên cứu của ngân hàng này: “Chúng tôi thích mua cổ phiếu của Tổng công ty thép Mỹ, và đây là lý do...”. Kinh nghiệm nghiên cứu ở Equitable và công việc dạy học ở Đại học New York đã cho tôi chút lợi thế so với những nhân viên giao dịch thông thường. Tôi có thể trình bày ý tưởng một cách rành mạch, có lý lẽ và đầy hiểu biết.

Không lâu sau, tôi bắt đầu được cử đi công tác đến Cincinnati nhiều lần, ít nhất là một tuần mỗi tháng, tức là tôi phải từ bỏ chuyện dạy học. Tôi bắt đầu xây dựng được mạng lưới quan hệ ở nhiều nơi, Cincinnati, Louisville, Cleveland, Columbus, Toledo, Detroit, Pittsburgh.

Mạo hiểm tìm kiếm cơ hội

Song, tôi lại bắt đầu nghĩ về những việc ngoài giao dịch cổ phiếu. Một đêm trong kỳ Giáng sinh, ngay trước chuyến công tác đầu tiên đến Cincinnati, trong khi đang dọn dẹp đống đồ chơi của lũ trẻ (Kenny đã lên 2, còn Bruce thì 3 tháng) tôi phát hiện ra một thứ.

Cha mẹ vợ tôi đã tặng cho tụi nhỏ vài món đồ chơi mô hình lắp ráp, trên các khối có đóng chữ “Kenner Products, Cinti, Ohio”. Cinti là tên viết tắt của Cincinnati.

Tôi phát hiện ra rằng Kenner Products đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua Ngân hàng Kuhn, Loeb vào mùa xuân năm 1962, nhưng rồi thị trường gặp khủng hoảng và kế hoạch ấy đã bị hủy bỏ.

Tôi gọi hỏi tổng đài và kiếm được số điện thoại của Kenner Products. Tôi gọi đến đó và xin được trò chuyện với Giám đốc tài chính. Người ở đầu dây bên kia trả lời: “Công ty chúng tôi không có giám đốc tài chính”.

Hóa ra bộ máy quản lý của Kenner Products chỉ bao gồm ba người: Anh em ruột Al, Phil và Joe Steiner.

Ken Langone. Ảnh: Businessinsider.

Tôi nói: “Tôi sẽ có mặt ở Cincinnati vào tuần tới, nên tôi rất muốn được ghé qua công ty và gặp mọi người”.

“Tại sao anh lại muốn gặp chúng tôi?”, ông ta hỏi.

“Tôi đang làm việc ở R. W. Pressprich, một công ty chuyên về các ngân hàng đầu tư. Tôi vừa nghĩ ra cách để tạo vốn cho công ty của các ông”. Al là một người khá dễ chịu. “Được thôi”, ông ta nói. “Cứ ghé qua khi anh đến đây nhé.”

Thế là tôi đến công ty kia để nói chuyện với Al Steiner và em trai Phil của ông ấy. Họ là hai quý ông cao tuổi (theo tôi thấy là vậy), khoảng 65 và 55 tuổi. Cuộc ghé thăm bất ngờ của tôi thật sự làm họ bối rối. “Sao anh lại đến đây?”, Al hỏi.

“Tôi nghĩ là các ông cần tiền vốn”, tôi trả lời.

Họ nhìn nhau. “Thật ra chúng tôi rất muốn gom góp vốn”, Phil Steiner nói. Ông ấy kể cho tôi toàn bộ câu chuyện. Mọi chuyện thật sự rất đơn giản: họ muốn phát triển công ty của mình.

“Tôi chưa được xem qua bảng cân đối kế toán của các ông”, tôi bảo họ.

“Bảng cân đối kế toán của chúng tôi rất sạch sẽ”, Phil chắc nịch.

“Các ông có muốn thử vay vốn không?”

“Vay vốn kiểu gì?”, họ hỏi lại.

Tôi biết chắc chắn những điều tôi cần nói. Bốn năm rưỡi ở Equitable cuối cùng cũng trở nên có ích.

“Thay vì phát hành cổ phiếu công khai lần đầu, sao các ông không phát hành trái phiếu ấy?”, tôi nói.

“Nếu phát hành cổ phiếu công khai, các ông sẽ phải trình bày với Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) nên sẽ khó mà tránh khỏi các biến động bất thường của thị trường chứng khoán, chưa kể còn bị phụ thuộc vào cổ đông nữa chứ. Trái phiếu thì đơn giản hơn nhiều, các ông chỉ cần làm việc với một hay hai nhà đầu tư thôi”.

Sau cuộc trò chuyện, tôi gọi đến vài ngân hàng mà tôi và Jack đã gặp ở Cincinnati để hỏi về anh em nhà Steiner cũng như công ty Kenner. Lý lịch của họ sạch bong. Khi tôi trở lại New York, tôi không chờ Al và Phil Steiner gọi cho mình nữa mà liên lạc lại với họ ngay khi về đến văn phòng.

“Các ông nghĩ sao?”, tôi hỏi. “Chúng tôi đang cân nhắc đây”, họ trả lời. “Các điều khoản sẽ thế nào vậy?”.

“Công ty ông sẽ trả 6% trong kỳ hạn 10 năm. Tôi có thể thuyết phục các trái chủ để họ không đòi lại tiền vốn trong hai năm đầu tiên, thay vào đó sẽ cho các ông trả dần đều đặn tám khoản thanh toán bằng nhau trong tám năm sau đó.”

“Anh được lợi gì từ chuyện này?”, họ hỏi lại.

Tôi hỏi họ muốn gom bao nhiêu vốn. Họ trả lời là 5 triệu USD. “Nếu tôi không hoàn thành được giao kèo”, tôi nói, “các ông không phải trả tôi bất cứ đồng cả. Còn nếu mọi thứ trơn tru, các ông sẽ trả cho tôi 2% - 100.000 USD. Các ông cũng phải tự trang trải các chi phí pháp lý nhé, và chắc là những người mua trái phiếu cũng sẽ bắt các ông trả phần chi phí pháp lý của họ”.

Chỉ trong vòng một tuần, cả hai bên đều đồng ý tham gia, mỗi bên nhận cho vay 2,5 triệu USD. Trong 30 ngày, hợp đồng đã được ký kết xong và công ty chúng tôi được trả 100.000 USD tiền hoa hồng.

Tôi thu về 16.500 USD (gấp đôi tiền lương mỗi năm của tôi bấy giờ) và đã có thể mua căn nhà đầu tiên ở Manhasset.

Cuộc đời tôi bước sang một trang mới tươi đẹp.

Ken Langone / Sài Gòn Books và NXB Thế giới