Khách hàng loay hoay xác thực sinh trắc học để giao dịch ngân hàng

Ngân hàng chủ động vào cuộc

Như vậy, những khách hàng muốn chuyển tiền từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày; khách hàng nạp tiền vào ví điện tử từ trên 10 triệu đồng hoặc giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài... đều phải thực hiện xác thực sinh trắc học.

Trước đó, trong tháng 6, nhiều ngân hàng đã bắt đầu rục rịch triển khai thí điểm việc xác thực sinh học và gấp rút hỗ trợ khách hàng hoàn thành. Đến nay, đã có nhiều ngân hàng triển khai sớm và nhanh chóng với số lượng khách hàng đã đăng ký nhận diện sinh trắc học chiếm tỷ lệ lớn, như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, VIB…

khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc. Ảnh: Thu Huyền

Bà Lê Thị Mộng Lý - Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Nghệ An cho hay, BIDV đã chủ động hướng dẫn khách hàng làm từ nhiều tháng nay. Riêng những ngày cuối tháng 6, chi nhánh tăng cường giờ làm, làm ngoài giờ phục vụ khách hàng.

"Những ngày qua, khách hàng đến trụ sở tăng mạnh vì nhiều người chưa tự làm được nên đến ngân hàng để được hướng dẫn. Các bước hướng dẫn cụ thể dễ thực hiện. Tuy nhiên, hôm nay lượng truy cập tăng cao nên đôi lúc mạng bị nghẽn, khách hàng có thể làm trong vài ngày tới".

Bà Lê Thị Mộng Lý - Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Nghệ An

Hiện nay, một số ngân hàng đã bổ sung thiết bị đọc và xác minh thẻ CCCD gắn chip; đồng thời gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để triển khai áp dụng xác thực sinh trắc học với một số giao dịch từ ngày 1/7.

Quá trình thực hiện cho thấy, các ngân hàng đang chạy đua để cập nhật ứng dụng, tăng cường tính năng nhận dạng khuôn mặt khách hàng, cập nhật thông tin khớp với cơ sở dữ liệu dân cư. Trong khi đó, nhiều khách hàng loay hoay cập nhật, người làm được ngay, người làm mãi chưa xong.

Tại một ngân hàng cổ phần ở thành phố Vinh, một khách hàng cho biết: "Vì kinh doanh giao dịch nhiều, số tiền lớn nên khi nghe có chủ trương này tôi đã thực hiện ngay. Tôi đã làm đúng các bước theo hướng dẫn của ngân hàng nhưng đến bước quét căn cước thì không thực hiện được, phải tới ngân hàng nhờ hướng dẫn. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng cũng không thực hiện được".

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho hay: Đây là điều kiện bắt buộc khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng mỗi lần hoặc trên 20 triệu đồng mỗi ngày, giao dịch hàng hóa - dịch vụ trên 100 triệu đồng. Sử dụng biện pháp sinh trắc học là thêm lớp khóa bảo mật, phòng ngừa rủi ro cho khách hàng. Để có thời gian, lộ trình thực hiện, các ngân hàng đã từng bước áp dụng. Quan điểm của ngành là đảm bảo an toàn cho khách hàng nhưng không làm khó cho khách hàng trong giao dịch, đúng tinh thần mục tiêu đề án không dùng tiền mặt mà ngân hàng và các cơ quan thực hiện rất tốt lâu nay.

"Từ ngày 1/7 bắt đầu thực hiện nhưng không phải ngân hàng nào cũng áp dụng được, mà tùy công nghệ của từng ngân hàng", đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An chia sẻ.

Theo Quyết định 2345, hai cấp xác thực thấp nhất là A và B không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Chẳng hạn, với giao dịch loại A, khách hàng chỉ cần vào bằng tên đăng nhập, mật khẩu hoặc mã PIN và không bắt buộc xác thực tại bước thực hiện giao dịch nếu đã đăng nhập trước đó. Hình thức này áp dụng với các giao dịch tra cứu thông tin; chuyển tiền trong cùng ngân hàng, cùng chủ tài khoản hoặc thanh toán dưới 5 triệu đồng.

Xác thực loại B bằng các hình thức OTP, nhận dạng sinh trắc học gắn với thiết bị cầm tay, hoặc bằng chữ ký điện tử để chuyển tiền cho người khác, nạp và rút tiền với ví điện tử. Tuy nhiên, quy mô giao dịch chỉ được dưới 10 triệu đồng mỗi lần và dưới 20 triệu đồng mỗi ngày.

Theo Ngân hàng Nhà nước, nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với giao dịch loại C, D (hai cấp cao nhất) được thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra. Trường hợp chưa có căn cước gắn chip, người dân phải tới chi nhánh của ngân hàng để cập nhật, xác minh dữ liệu.

Việc xác thực sinh trắc học theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước dựa trên so sánh đặc điểm sinh trắc của người dùng với thông tin đã đăng ký tại dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an cung cấp hoặc qua VNeID - đang thí điểm. Do đó, người dùng cần phân biệt giữa tính năng sinh trắc học thiết bị với sinh trắc học dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia.
Nếu không xác thực sinh trắc học khớp dữ liệu trên CCCD gắn chip hoặc Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng, người dân chỉ được giao dịch dưới 10 triệu đồng mỗi lần, hoặc dưới 20 triệu đồng mỗi ngày.

Chưa có căn cước gắn chip vẫn thực hiện được xác thực sinh trắc học

Một trong những bước quan trọng nhất khi tạo lập dữ liệu sinh trắc học trên các app ngân hàng là chụp hai mặt căn cước công dân gắn chip. Vậy trường hợp khách hàng vẫn đang sử dụng chứng minh nhân dân; hoặc chưa có CCCD gắn chip sẽ phải làm thế nào?

Để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, ngày 25/6 Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Văn bản số 5262/NHNN-CNTT về việc hướng dẫn một số nội dung triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN.
Theo hướng dẫn của NHNN, trường hợp khách hàng chưa có căn cước, CCCD gắn chip, chỉ có chứng minh nhân dân hoặc CCCD không gắn chip (nhưng phải còn thời hạn sử dụng theo quy định của áp luật) nếu có nhu cầu thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng thì đăng ký thông tin sinh trắc học trực tiếp tại quầy giao dịch. Các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ khách hàng thực hiện xác thực bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra.

Người dân xã Châu Khê, huyện Con Cuông quét mã QR thanh toán khi mua hàng. Ảnh: Thu Huyền

Đối với khách hàng có CCCD gắn chip nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC (chuẩn kết nối không dây Near-Field Communication), biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch loại C, D quy định tại Điều 1 Quyết định 2345 được thực hiện: Thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập (các đơn vị cần tích hợp ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking với hệ thống định danh và xác thực điện tử để cung cấp dịch vụ này).

Biện pháp thứ hai là khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra thực hiện như sau: Khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chip của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan Công an cấp bằng cách thực hiện tại quầy giao dịch, thông qua thiết bị/điện thoại đọc CCCD gắn chip của đơn vị; Hoặc khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Để sẵn sàng cho việc triển khai áp dụng Quyết định 2345 kể từ ngày 01/7/2024, NHNN yêu cầu các ngân hàng tăng cường truyền thông, hướng dẫn thực hiện đến toàn bộ khách hàng về việc triển khai các biện pháp xác thực giao dịch tương ứng với hạn mức giao dịch theo quy định. Các tổ chức tín dụng chuẩn bị sẵn phương án, kênh hotline và bố trí cán bộ trực 24/7 để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khách hàng đăng ký, sử dụng thông tin xác thực sinh trắc học. Chủ động phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an và các tổ chức khác có liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, sử dụng dịch vụ xác thực bằng sinh trắc học. Các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin.

Để phòng tránh ách tắc giao dịch và hỗ trợ khách hàng kịp thời, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các đơn vị hoàn thành triển khai, sớm thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Ngân hàng khuyến cáo khách hàng không cập nhật sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro gian lận.

Thu Huyền