Khơi nguồn vốn tín dụng xanh góp phần 'xanh hóa' dòng vốn đầu tư

Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng bình quân 22%/năm

Là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã nhận thức tăng trưởng xanh là vấn đề chiến lược, cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng để thực hiện trong từng giai đoạn. Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã ban hành Chiến lược cho 2 giai đoạn 2011 - 2020 và 2021 - 2030, giai đoạn sau có bước tiến mạnh mẽ hơn giai đoạn trước. Từ chỗ chỉ xác định tăng trưởng xanh là một nội dung của tăng trưởng bền vững, đến nay, Chính phủ đã xác định tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để đạt được tăng trưởng bền vững, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế.

Tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ngành ngân hàng với vai trò là một trong những trụ cột của hệ thống tài chính, được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng góp phần “xanh hóa” dòng vốn đầu tư là một trọng tâm.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết, để triển khai các Chiến lược về tăng trưởng xanh, ngành ngân hàng đã kịp thời ban hành các Kế hoạch hành động của ngành để thực thi các nhiệm vụ được giao trong cả 2 giai đoạn, tập trung vào các nội dung chủ yếu: Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ ngân hàng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; rà soát, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, chính sách liên quan, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng thúc đẩy ngân hàng xanh, tín dụng xanh; khuyến khích các tổ chức tín dụng gia tăng tỷ trọng tín dụng xanh, tăng cường đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng; từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng.

Dự nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%)

Bên cạnh đó, ân hàng Nhà nước còn xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu và tăng cường nguồn vốn tín dụng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, như: Nghiên cứu, thành lập diễn đàn chung về tài chính xanh của ngành ngân hàng; đẩy mạnh thực hiện mua sắm xanh trong hoạt động mua sắm công…

Song song với đó, nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, tăng trưởng xanh cũng được triển khai tích cực, như: Chính sách tín dụng khuyến khích phát triển việc sản xuất nông nghiệp và chương trình cho vay khuyến khích phát triển theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trong nông nghiệp; chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở phòng tránh biến đổi khí hậu.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, trong 7 năm (2017 - 2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, dư nợ cấp tín dụng cho các dự án xanh đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%). Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh.

“Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đến nay, 100% ngân hàng thương mại đã xây dựng quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Trong năm 2023, dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.840.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022” - bà Phạm Thị Thanh Tùng thông tin.

Gỡ rào cản khung pháp lý

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, từ thực tiễn triển khai tín dụng xanh, các tổ chức tín dụng cũng gặp những khó khăn và hạn chế nhất định như: Về khung pháp lý, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn danh mục phân loại xanh quốc gia và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam.

“Danh mục phân loại xanh là căn cứ để Ngân hàng Nhà nước đánh giá được hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đây cũng là căn cứ để các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh” - bà Phạm Thị Thanh Tùng nói; đồng thời cho biết, lĩnh vực xanh vẫn thiếu khuôn khổ pháp lí, các tiêu chí đánh giá, công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh.

Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng bình quân 22%/năm

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công trình xanh thường đòi hỏi chi phí vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc cân đối vốn, đảm bảo tuân thủ các quy định và chuẩn mực an toàn hoạt động. Mặt khác, việc tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế cho tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý về hoạt đông ngân hàng xanh, tín dụng xanh.

“Nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh là rất lớn, tuy nhiên, thị trường vốn xanh còn nhiều hạn chế, thị trường tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh chưa phát triển hoặc chưa triển khai gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng” - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế bày tỏ.

Ngoài ra, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các ngân hàng mới chỉ áp dụng trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, còn ở các lĩnh vực xanh khác đang dừng ở mức khuyến khích chung. Đồng thời, chưa có cơ chế ghi nhận trong quá trình đánh giá, xếp hạng đối với tổ chức tín dụng có thành tích tốt trong hoạt động cấp tín dụng xanh làm động lực để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tín dụng xanh.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra những đề xuất, khuyến nghị nhằm góp phần thúc đẩy phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới:

Một là, đối với các cơ quan Chính phủ: Các bộ, ngành rà soát, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý để có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; nghiên cứu có hướng dẫn chung về ESG giúp các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện chuyển đổi xanh.

Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh như: Thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển… của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Phát triển thị trường vốn cho lĩnh vực xanh bổ trợ cho nguồn vốn tín dụng như trái phiếu xanh, tín chỉ các-bon...

Hai là, đối với các tổ chức tín dụng: Cần nâng cao nhận thức về rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu, nhận định phát triển bền vững là xu hướng tất yếu. Từ đó, tích cực và chủ động xây dựng và triển khai hệ thống quản trị rủi ro môi trường xã hội, lồng ghép phát triển xanh vào chiến lược hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ba là, với cộng đồng doanh nghiệp: Cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế, có ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án, từ đó làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay, kiểm soát chất lượng khoản vay.

Thùy Linh