Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng Mỹ Phước

Mỹ Phước là vùng căn cứ cách mạng, nơi đây là hậu phương vững chắc cho Khu căn cứ tỉnh ủy Sóc Trăng nên ảnh hưởng rất nặng nề của hậu quả chiến tranh, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, là xã nghèo của huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

Từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng, cùng với sự phát triển của tỉnh, xã Mỹ Phước đã phát huy được truyền thống cách mạng hào hùng thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới. Đến nay, vùng căn cứ cách mạng xã Mỹ Phước không ngừng khởi sắc.

Con đường nhựa vừa được nâng cấp về xã Mỹ Phước

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng tràm Mỹ Phước là căn cứ địa của lực lượng cách mạng. Do vị trí có ý nghĩa chiến lược, nên địch đã phong tỏa chặt chẽ, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét với quy mô lớn, có cả pháo binh, máy bay oanh tạc và đã trút xuống nơi đây hàng ngàn tấn bom đạn hòng hủy diệt Khu căn cứ Tỉnh ủy, nhưng đều bị thất bại. Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng vẫn an toàn, tồn tại đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Về xã Mỹ Phước những ngày cuối tháng 8 này, chúng tôi tìm đến gia đình ông Võ Văn Bền ở ấp Phước An B. Ông Bền là một trong những cựu chiến binh đã có rất nhiều đóng góp cho cách mạng. Từ trong ngôi nhà nhìn ra con đường trải nhựa với những chiếc xe gắn máy, xe ô tô chạy bon bon, ông Bền kể, những năm bom rơi, đạn lạc, đời sống kinh tế-xã hội ở Mỹ Phước rất khó khăn, bị chiến tranh tàn phá nạn nề. Khi hòa bình, người dân địa phương đã tích cực tăng gia sản xuất, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và của chính quyền địa phương, hiện nay, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm trong xã cơ bản đã hoàn chỉnh.

"Đường giao thông, trạm y tế cũng hoàn chỉnh, con em có điều kiện đi học tới nơi tới chốn. Về kinh tế thì ở đây là đất nông nghiệp, trước đây bà con trồng mía bấp bênh, giờ chuyển sang trồng lúa, trồng tràm cho hiệu quả kinh tế, thu nhập bà con cũng ổn định, mức sống ổn định, chứ hồi xưa bà con khó khăn trồng chất, giờ thay đổi rồi" - ông Võ Văn Bền chia sẻ.

Trường lớp được đầu tư khang trang

Đúng như chia sẻ của ông Bền, trên con đường nhựa vừa được nâng cấp, mở rộng về xã Mỹ Phước dễ dàng thấy những ngôi nhà tường khang trang, như chứng minh cho cuộc sống của bà con nơi đây đã khởi sắc. Không những vậy, đường giao thông về các ấp cũng được bê tông hóa, rất thuận lợi cho người dân đi lại, con em đi học. Chính cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, đã giúp bộ mặt nông thôn của xã Mỹ Phước từng bước chuyển mình và có nhiều đổi mới.

Mỹ Phước nằm ở vùng trũng nên việc sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, xã đã triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng và đáp ứng yêu cầu thị trường. Theo đó, những diện tích trồng mía không hiệu quả dần dần được chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, cùng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả khác được triển khai, một trong số đó là mô hình nuôi vịt trời.

Ông Lê Vũ Phương, một cán bộ địa phương cũng là người tiên phong đưa vịt trời về nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Chỉ vài chục con nuôi thử nghiệm ban đầu, nhưng không ngờ vật nuôi này cho hiệu quả kinh tế rất cao so với cây, con khác. Từ đó, ông nhân rộng đến bà con xung quanh. Để phát huy hiệu quả kinh tế ổn định từ vật nuôi này, năm 2020, HTX chăn nuôi vịt trời được thành lập dưới sự hỗ trợ của địa phương và phòng nông nghiệp. Với đặc tính dễ chăm sóc, chi phí nuôi thấp, lại không cần nhiều diện tích đất, thị trường ổn định, vịt trời giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá lên.

Mô hình chăn nuôi vịt trời cho hiệu quả kinh tế cao

"Ban đầu ra mắt HTX chỉ có 10 thành viên, nhưng hiện nay HTX của tôi đã lớn mạnh, với gần 30 thành viên. Về con giống vịt trời, HTX cung cấp hết và cung cấp chủ yếu cho thành viên trong HTX. Anh em trong HTX cử đại diện thu gom vịt thương phẩm xuất bán ra địa phương khác, như thị trường Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, bán ra các thị trường này. Đối với vịt trời sau khi nuôi thì lợi nhuận tương đối cao. Cũng như anh em thành viên HTX, sau khi nuôi vịt, trừ chi phí xong thì lời từ 60% trở lên" - ông Lê Vũ phương cho biết.

Từ sau giải phóng năm 1975 đến nay, bộ mặt nông thôn của xã Mỹ Phước đã từng bước chuyển mình và có nhiều đổi mới. Ông Trần Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước cho biết, từ năm 2015 đến nay, người dân trong xã rất tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, đặc biệt là những vùng đất kém hiệu quả chuyển sang trồng lúa cao sản, đặc sản chất lượng cao, có liên kết với các doanh nghiệp.

Xã đã thành lập 2 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác hoạt động đạt hiệu quả cao, đây là cầu nối để liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó đã thu hút nhiều xã viên tham gia. Ngoài ra xã còn phát triển nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả như: Mô hình nuôi vịt trời, nuôi ba ba, mô hình cá - lúa, cá - sen, lươn,.. giúp người dân phát triển kinh tế.

Ngoài ra, xã được đầu tư xây dựng Phòng khám đa khoa khu vực phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trường lớp được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, đến nay xã có 4/6 trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt các chính sách an sinh xã hội luôn được quan tâm, hầu hết các gia đình chính sách và hộ nghèo đều có nhà ở khang trang đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng, số hộ dân sử dụng điện và nước sạch hợp vệ sinh trên 99%. Hạ tầng nông thôn hoàn chình, giúp người dân đi lại và giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế, góp phần nâng tỷ lệ hộ khá, giàu lên trên 80%, hộ nghèo, cận nghèo còn dưới 10%.

"Được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, sự chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, UBND xã, nên đã tạo ra diện mạo mới, sức sống mới khác biệt trên địa bàn xã, có những con đường bê tông, những ngôi nhà mới khang trang, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã phủ sóng, hầu hết đời sống người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng được thay đổi. Hệ thống chính trị vững mạnh" - ông Trần Văn Tâm cho biết.

Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ xã Mỹ Phước

Thời gian qua, xã Mỹ Phước cũng phát huy lợi thế di tích lịch sử là rừng tràm Mỹ Phước, căn cứ địa của Tỉnh ủy Sóc Trăng được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Với tuyến đường nhựa về khu căn cứ được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng, địa phương đã đón nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, người dân trên địa bàn xã Mỹ Phước đều nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế. Với sự đầu tư, đồng bộ nhiều chương trình, dự án, hiện bộ mặt nông thôn, đời sống kinh tế - xã hội của người dân từng bước phát triển./.

Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL