Kinh tế số khát nhân lực số

Vừa thiếu, vừa yếu

Kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập niên tới, cho phép Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP của cả nước, đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.

Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công tác mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng rất cần nhân lực số. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhân lực số ở nước ta vừa thiếu, vừa yếu. “Muốn có đủ nhân lực số thì từ nay đến năm 2030 mỗi năm phải đào tạo được khoảng 150.000 nhân lực số từ cao đẳng trở lên. Hiện tại, mỗi năm mới đào tạo được 65.000 người, tức là chưa được 50% nhu cầu” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng.

Đào tạo nguồn nhân lực số là giải pháp then chốt.

Chia sẻ từ thực tế doanh nghiệp, Giám đốc nhân sự Công ty FPT Software Nguyễn Tuấn Minh cho biết, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin hiện nay cực kỳ nóng. Tại FPT Software có gần 30 ngàn lập trình viên, kỹ sư làm việc tại Việt Nam và trên toàn cầu. Tuy nhiên công ty lại thiếu các chuyên gia ngành. Trong những năm qua, bên cạnh nguồn lực kỹ sư, công ty phải tuyển dụng và xây dựng đội ngũ chuyên gia trong các ngành nghề để cùng đội ngũ công nghệ thông tin đưa ra các giải pháp tối ưu cho khách hàng.

Là một đơn vị chuyên cung cấp nhân sự cho các doanh nghiệp, Tổng Giám đốc HR2 Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng, chuyển đổi số có 3 trụ cột là kinh doanh, công nghệ và con người. Ở đó, chuyển đổi số thành hay bại phụ thuộc vào trụ cột con người. Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay thì nhân lực số là bài toán mà hầu như tất cả các doanh nghiệp đều phải giải quyết, đặc biệt là nhân sự thiếu hụt nguồn nhân lực số trong nhóm quản lý. Chuyển đổi số cần đi từ tổng thể từ trên xuống dưới, nên nhóm quản lý có vai trò rất quan trọng.

Đào tạo là then chốt

Tổng Giám đốc HR2 Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng, tiềm năng cho sự phát triển nguồn nhân lực số ở nước ta rất lớn. Tuy nhiên, để sở hữu được nguồn nhân lực số, đòi hỏi cần phải thực hiện việc phát triển nhân lực số theo 3 nội dung chính, bao gồm vai trò then chốt của Chính phủ về cơ chế, chính sách, môi trường cho sự phát triển công nghệ số; nhân tố trung tâm của các doanh nghiệp hoạt động đầu tư, chuyển đổi số và thích ứng với công nghệ số ở mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các cơ sở đào tạo và bản thân mỗi người lao động chủ động hòa nhập, có năng lực làm chủ các công nghệ số và nhanh chóng thích ứng với sự biến đỏi của công nghệ. “Có thể không cần những chương trình đào tạo dài hạn, thay vào đó là những khóa đào tạo ngắn hạn để mọi người cùng hiểu về chuyển đổi số một cách tổng quan, hiểu lợi ích đem lại cho doanh nghiệp cũng như lợi ích cho chính mỗi nhân sự trong tổ chức” – bà Nguyễn Thị Bích Hồng nêu giải pháp.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, PGS.TS Bùi Huy Nhượng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, cần chú trọng gắn kết ba khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Việc đào tạo phải dựa trên xu hướng, nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đúng địa chỉ sử dụng; tiếp cận cách làm hay của thế giới. Song song với đó, cần phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh, trang bị cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại.

Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, tích cực đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, khung chương trình đào tạo và phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học. Đào tạo theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, tăng thời lượng thực hành, áp dụng các tiến bộ, thành tựu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, trang bị cho người học kiến thức để làm chủ khoa học và công nghệ trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Cùng chung quan điểm phải lấy đào tạo làm nòng cốt, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ KH&ĐT) Vũ Quốc Huy cho rằng, để giải bài toán nhân lực trong nền kinh tế số, Việt Nam phải thay đổi bắt đầu từ đào tạo. Doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn lực hơn nữa, bằng cách chia nhỏ những phần công việc để đa dạng hơn trong việc tìm kiến nguồn lực, mở rộng nguồn tìm kiếm ở những phần liên quan đến kỹ năng, kiến thức được chia ra đó. Sử dụng dịch vụ cung cấp nguồn lực từ những nhà cung cấp chuyên nghiệp cũng là một giải pháp.

Phương Nga