Kinh tế vẫn khó khăn, hơn 86 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động

Doanh nghiệp rời thị trường không có dấu hiệu giảm

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4, cả nước có hơn 15,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,4% so với tháng trước và giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tình trạng doanh nghiệp rời thị trường không có dấu hiệu suy giảm.

Ngoài ra, cả nước có 7.618 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 84,1% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023; 4.656 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 6,5% và giảm 20,2%; 1.344 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,8% và giảm 10,9%.

Tính chung, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp dừng hoạt động là 86,4 nghìn, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động.

Thống kê này cho thấy nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, doanh nghiệp gia tăng rời bỏ thị trường vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm... Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp vẫn đủ sức tiếp tục trụ lại thị trường, thậm chí còn có thể mở rộng năng lực đầu tư, gia tăng sản xuất, góp phần vào ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào bất động sản, nên khi thị trường gặp khó khăn thì các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên với những giải pháp để hỗ trợ kích thích đầu tư tư nhân, hoạt động của các doanh nghiệp sang năm 2025 sẽ khả dĩ hơn.

Sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, bức tranh hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

“Thống kê khảo sát riêng các doanh nghiệp ở Hà Nội cho thấy có tới 52% doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng để sản xuất, 32% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn và 9% doanh nghiệp lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế”, ông Quốc Anh nói.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa được cải thiện.

Trong khi đó, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế nêu lên một nghịch lý đang diễn ra: Việt Nam đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA, việc thực thi FTA đã tạo động lực, mở rộng thị trường, cơ hội thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa khai thác hết các lợi thế này.

“Con số tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2024 chủ yếu đến từ khối các doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp trong nước thì chiếm tỷ trọng rất nhỏ”, ông Anh nhận xét.

Tựu chung lại, các chuyên gia đều khẳng định bức tranh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm, điều này ảnh hưởng đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam và thách thức mục tiêu tăng trưởng chung trong năm nay. Do đó, cần phải có những động lực mới thực sự mạnh mẽ để “vực dậy sức khỏe” doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công mà cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất.

Kỳ Thư