Một PMU giao thông đến Đèo Cả tìm hiểu kinh nghiệm làm hệ thống ITS và ETC

Đoàn công tác của Ban QLDA7 thăm quan trung tâm điều hành ITS của dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Theo quy hoạch đường bộ tốc, Việt Nam sẽ có 41 tuyến, với tổng chiều dài hơn 9.000 km. Đến nay, cả nước đã có 34 tuyến, với tổng chiều dài 1.829 km đưa vào khai thác. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ đạt 3.000 km và đến năm 2030 đạt 5.000 km đường cao tốc.

Tuy nhiên, hiện nay cả nước mới chỉ có 8/34 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS. Việc triển khai lắp đặt các hệ thống ITS và sau khi tuyến đã vận hành đặt ra vấn đề phải điều tiết giao thông, gây nguy hiểm, chi phí cao. Do đó, đầu tư đồng bộ hệ thống ITS và ETC cùng với công trình là việc cần thiết.

Đại diện Ban QLDA 7 cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Ban QLDA 7 đang chịu trách nhiệm triển khai hệ thống ITS, ETC và trạm kiểm tra tải trọng xe tại các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có một số nội dung mới cần trao đổi kinh nghiệm về công nghệ, thiết bị, công tác quản lý vận hành,.. Do đó, Ban QLDA 7 đã đề nghị Tập đoàn Đèo Cả phối hợp hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm để triển khai thực hiện.

Dự án duy nhất có hệ thống ITS hiện đại tích hợp

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vừa được khánh thành vào ngày 28/4/2024, là dự án duy nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có hệ thống ITS hiện đại tích hợp cả phần đường và hầm Núi Vung. Hệ thống ETC liên tuyến với đầu vào mở (không có barrier), dữ liệu thu phí tại các trạm được kết nối và đồng bộ về Trung tâm giám sát thu phí đảm bảo công tác thu phí đầy đủ minh bạch. Đặc biệt, các cụm thiết bị ITS vận hành bằng năng lượng tái tạo sử dụng cả công nghệ pin điện mặt trời và tua bin gió, được giám sát từ xa để xử lý sự cố thiết bị kịp thời qua hệ thống truyền dẫn nội bộ.

Ông Dương Châu Sâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hệ thống ITS trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo bao gồm các hợp phần như hệ thống điện, quạt thông gió, PCCC, điện chiếu sáng, CCTV và phát hiện sự cố, biển báo giao thông điện tử và đèn tín hiệu, hệ thống thu phí ETC… Trong đó, hệ thống CCTV trên tuyến bao gồm 21 camera PTZ, 1 camera FIX và 5 camera VDS giám sát, bố trí mỗi điểm cách nhau 2 km để thu thập thông tin trên tuyến gửi về trung tâm điều khiển.

Trên tuyến có hầm núi Vung dài 2.250 m là hầm cấp đặc biệt. Trong hầm có hệ thống ITS bao gồm 11 camera PTZ, 38 camera FIX và 4 camera VDS giám sát và thu thập thông tin, đưa các cảnh báo về trung tâm cho đơn vị vận hành."Đối với các hầm có quy mô trên 500m, thường khi vào hầm sẽ bị mất sóng điện thoại, do đó hầm được trang bị hệ thống điện thoại khẩn cấp, hệ thống FM và radio, phát thanh chuyển tiếp… để liên lạc và xử lý sự cố trong công tác quản lý vận hành không bị gián đoạn", ông Sâm thông tin.

Trong hầm Núi Vung có hệ thống ITS bao gồm 11 camera PTZ, 38 camera FIX và 4 camera VDS giám sát và thu thập thông tin, đưa các cảnh báo về trung tâm cho đơn vị vận hành

Trung tâm điều hành - giám sát giao thông sẽ tổng hợp tín hiệu từ các thiết bị ngoại vi trong hầm và ngoài tuyến (CCTV, VMS, cảm biến...) để đưa ra các kịch bản vận hành hợp lý, kịp thời, đảm bảo an toàn. Đồng thời được tích hợp tính năng sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phân tích tình huống, hỗ trợ người giám sát giao thông đưa ra quyết định phù hợp khi xảy ra sự cố.

Hiện nay, hầm núi Vung là hầm duy nhất đủ điều kiện nghiệm thu PCCC nếu chiếu theo TCVN 13878:2023 về PCCC cho hầm đường bộ (tiêu chuẩn mới ban hành năm 2023). Theo tiêu chuẩn này, hầm có chiều dài từ 500 m trở lên phải có ít nhất 2 phương án phát hiện cháy độc lập gồm báo cháy tự động và thông qua hệ thống màn hình giám sát. Hệ thống báo cháy tự động trong hầm phải được phân vùng để liên động với hệ thống thông gió. Trung tâm quản lý vận hành phải được trang bị xe chữa cháy chuyên dụng 2 đầu, xe cứu hộ 40 tấn, xe cứu thương, xe vệ sinh hầm đa chức năng…

Đèo Cả tiên phong công nghệ ITS

Giai đoạn 1 của dự án, hầm núi Vung được sử dụng 1 ống hầm, lưu thông 2 chiều. Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án đầu tư hoàn thiện đồng bộ và đưa vào sử dụng cả 2 ống hầm, mỗi ống lưu thông 1 chiều với 3 làn xe để đảm bảo an toàn và tối ưu hiệu quả đầu tư.

Về hiệu quả, kinh nghiệm thực tế vận hành của Tập đoàn Đèo Cả tại hầm Hải Vân cho thấy, sau khi đưa vào sử dụng 2 ống hầm, tầm nhìn thông thoáng tăng lên 85% - 95%, số lượng sự cố giao thông giảm đáng kể, từ trung bình 3.817 vụ/năm xuống chỉ còn 585 vụ/năm. Vận hành 2 ống hầm cũng giúp giảm lượng điện tiêu thụ 30% - 40% do quạt gió được hạn chế sử dụng khi lưu thông trong hầm thông thoáng.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vừa được khánh thành vào ngày 28/4/2024, là dự án duy nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có hệ thống ITS hiện đại tích hợp cả phần đường và hầm Núi Vung.

Đèo Cả là đơn vị đã có kinh nghiệm quản lý vận hành hệ thống ITS gần 10 năm, kể từ khi Trung tâm vânh hành hầm Đèo Cả được đầu tư xây dựng. Với những kinh nghiệm thi công, vận hành thực tế, cùng với việc đầu tư đồng bộ hệ thống ITS-ME ngay từ ban đầu, hiện Đèo Cả đang lưu trữ và quản lý đồng bộ một hệ thống dữ liệu các hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân thông qua thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu giao thông tại các trung tâm dữ liệu ITS-ME.

Hiện nay, các công trình hầm trên cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) chỉ đầu tư 7 hệ thống cơ điện mà chưa có hệ thống ITS. Ngược lại, các công trình hầm do Tập đoàn Đèo Cả đầu tư (hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, Núi Vung) đã đầu tư đồng bộ gồm hệ thống Cơ điện (bao gồm 5-7 hệ thống ME thành phần) và hệ thống ITS (bao gồm 10-12 hệ thống công nghệ thành phần). Như vậy, Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị tiên phong trong công nghệ hệ thống giao thông thông minh, nhằm đảm bảo tối đa an toàn và thông suốt lưu thông.

Đình Quang