Lãi suất cho vay bắt đầu giảm

Sáng 16/7, Vietcombank ra thông cáo về "đợt giảm lãi suất lớn nhất" của ngân hàng này trong năm 2021, với quy mô 1.800 tỷ đồng. Theo đó, mức giảm cao nhất là 1%/năm đối với các doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch. Với khách hàng cá nhân, mức giảm cao nhất là tới 1%/năm với người vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và 0,5%/năm với khách hàng vay vốn phục vụ đời sống.

Thời gian áp dụng giảm lãi suất của ngân hàng này là 15/7-31/12/2021. Vietcombank cho biết đây là đợt giảm lãi suất thứ 7 mà ngân hàng thực hiện nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tương tự, ngân hàng ACB vừa thông báo về việc giảm lãi suất cho vay với khách hàng hiện hữu mức tối đa 0,8 điểm %/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1 điểm %/năm cho khoản vay trung dài hạn.

Theo đó, ngân hàng sẽ tự động xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian từ 15/7 đến 15/10.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết tỷ lệ giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động…) của các doanh nghiệp và thu nhập của khách hàng cá nhân.

Động thái giảm lãi suất kể trên của ACB được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo và các ngân hàng thương mại đồng thuận về việc giảm lãi suất ngay từ tháng 7 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Cùng với việc giảm lãi suất cho vay kể trên, ACB cũng tung thêm gói vay 10.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất tối thiểu 6%/năm cho doanh nghiệp và 7%/năm cho cá nhân từ nay đến 31/10.

Tương tự, Sacombank cũng vừa công bố giảm 1 điểm %/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng khách sạn, giáo dục, y tế…

Các ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay với mức bình quân 1 điểm %/năm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 đợt này. Ảnh: Nam Khánh.

Cùng với đó, nhà băng này vẫn áp dụng miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay với các khách hàng hiện hữu.

Lãnh đạo Sacombank cho biết chính sách kể trên nhằm đồng hành cùng Chính phủ và NHNN trong việc triển khai giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch vừa tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, Sacombank cũng triển khai gói vay ưu đãi 10.000 tỷ, lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Trước đó, HDBank và Agribank cũng đã có thông báo gửi các khách hàng về việc giảm lãi suất cho vay với một số đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đợt này.

Cụ thể, HDBank hạ lãi suất tùy vào từng đối tượng khách hàng thuộc một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh với biên độ 0,5%/năm đến 1,5%/năm

Trong khi đó, Agribank giảm 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ vay trung, dài hạn từ 7%/năm trở lên với các khoản vay từ thời điểm 15/7 (không áp dụng với khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi).

Đây đã là lần thứ 5 liên tiếp nhà băng này giảm lãi suất cho vay từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Lãnh đạo ngân hàng ước tính, việc tiếp tục giảm lãi suất lần này tương đương Agribank sẽ dành 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Tính từ năm 2020 đến nay, nhà băng này đã dành hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, Agribank vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại nợ gốc và lãi; miễn phí chuyển tiền trong nước…

Trước đó, ông Nguyễn Viết Mạnh, Thành viên HĐTV Agribank cho biết ngay sau cuộc họp với NHNN ngày 9/7, ngân hàng đã thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

“Có khoản sẽ giảm 0,5 điểm %/năm, nhưng có khoản sẽ giảm 2-2,5 điểm %/năm để hỗ trợ khách hàng”, ông Mạnh chia sẻ.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank, cho rằng với tổng dư nợ khoảng 350.000 tỷ hiện nay, nếu lãi suất giảm 1 điểm % trong 5-6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng này sẽ giảm trên 1.000 tỷ đồng, tương đương 40% lợi nhuận kế hoạch.

Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ban lãnh đạo Sacombank vẫn sẽ giảm lãi suất, nhưng chỉ giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn bởi dịch bệnh.

Quang Thắng