Lạm dụng điều hòa: Gánh nặng với môi trường

Anh Toàn ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: Vào thời điểm nắng nóng, 3 chiếc điều hòa hoạt động gần như 24/24 khiến tiền điện của gia đình anh tăng gấp gần 3 lần so với những tháng bình thường. “Tôi biết dùng điều hòa nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, lại rất tốn kém tiền điện, rồi xả khí độc ra và làm môi trường nóng thêm, thế nhưng nắng nóng như thế này, nhà tôi có 3 đứa trẻ thì không dùng điều hòa không được”.

“Sức nóng” của mùa hè được thể hiện rõ qua hóa đơn tiền điện của nhiều nhà dân. Ảnh: KT

Theo tính toán, điều hòa chiếm khoảng 30 - 60% mức tiêu thụ điện của mỗi gia đình trong mùa hè, mà sản xuất điện phải phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (khoảng 900g CO2 cho 1kW/h điện). Tác động gián tiếp là vậy, còn tác động trực tiếp thì lớn hơn gấp bội. PGS. TS. Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ nhiệt lạnh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Điều hòa lấy nhiệt từ trong nhà thải ra ngoài trời. Đặc biệt là các đô thị nhiều nhà cao tầng, nhiệt độ cao hơn vùng ven khoảng 1 - 2 độ C. Về “môi chất lạnh”, quen gọi là “gas lạnh” chạy trong điều hòa, vô cùng hiểm họa với môi trường nếu như rò rỉ hoặc không thu hồi, tái chế. Điều hòa 12.000BTU cần nạp khoảng 1kg gas. Với điều hòa kiểu cũ, 1 kg này nếu xả ra ngoài trời tương đương với 2 tấn CO2.

Để hạn chế tác động đến môi trường, ngoài việc cải tiến thiết bị từ các nhà sản xuất, mỗi người dân cũng cần có ý thức sử dụng điều hòa hợp lý, mức nhiệt độ được khuyến cáo khi sử dụng là thấp hơn khoảng 8 - 10 độ C so với bên ngoài.

Theo TS.KTS Lê Minh Sơn, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, chúng ta có thể thiết kế những ngôi nhà “mát” hơn để phần nào giảm bớt mức sử dụng điều hòa. “Bề mặt công trình, đặc biệt là mái, phải sử dụng vật liệu phản xạ nhiệt, hoặc màu sơn là màu sáng, dùng mái màu trắng là tỷ lệ hấp thụ nhiệt ít nhất. Không nên dùng mái tôn, phải có cách nhiệt cho mái, ví dụ như lớp xốp cách nhiệt. Cửa sổ, cửa đi ở hướng bất lợi với nắng thì phải có giải pháp che nắng bên ngoài chứ không che nắng bên trong. Với đô thị thì phải hạn chế bề mặt bê tông hóa và tăng cây xanh, thảm cỏ, mặt nước”, TS.KTS Lê Minh Sơn khuyến cáo.

Được biết, trong năm nay, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ ra Nghị định về hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quản lý việc sản xuất, sử dụng và thu hồi các loại môi chất lạnh./.

NAM PHƯƠNG T/H