Tin tức Đời sống 24/11: Bùng phát bệnh hô hấp bí ẩn ở Trung Quốc

Gia tăng ca mắc bệnh hô hấp ở Trung Quốc: Bộ Y tế đề nghị cung cấp thông tin kịp thời

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng (Cơ quan Đầu mối thực hiện IHR Việt Nam) đã liên hệ, trao đổi trực tiếp với đại diện ổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và Cơ quan Đầu mối thực hiện IHR Trung Quốc đề nghị phối hợp, cung cấp các thông tin liên quan về sự gia tăng trường hợp mắc các bệnh hô hấp ở Trung Quốc.

Ngày 23/11, Cục Y tế Dự phòng đã có thư gửi đại điện WHO và Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đề nghị cung cấp thông tin chính thức liên quan đến việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại Trung Quốc.

Cục Y tế Dự phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh đường hô hấp tại Trung Quốc và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông, khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, lo lắng và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, các khuyến cáo phòng bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Theo cập nhật đến ngày 23/11, trên trang thông tin điện tử của WHO cho biết ngày 13/11/2013, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo về sự gia tăng số trường hợp mắc các bệnh về đường hô hấp tại Trung Quốc và nhận định nguyên nhân là do việc dỡ bỏ các chính sách hạn chế liên quan đến COVID-19 và sự lây lan của các mầm bệnh đường hô hấp như cúm, mycoplasma pneumoniae (vi khuẩn gây viêm phổi phổ biến ở trẻ em), virus hợp bào hô hấp (RSV) và virus SARS-CoV-2.

Ngày 21/11, Chương trình theo dõi các bệnh mới nổi (ProMED) có thông báo về các chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại miền Bắc Trung Quốc.

Hiện chưa xác định được mối liên quan giữa các chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em này với tình trạng gia tăng số trường hợp mắc các bệnh về đường hô hấp tại Trung Quốc nêu trên.

Ngày 22/11, WHO đề nghị Trung Quốc cung cấp bổ sung thông tin dịch tễ học, lâm sàng và kết quả xét nghiệm từ các chùm ca bệnh viêm phổi ở trẻ em, thông qua cơ chế Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR).

Nhiễm khuẩn, phù nề sau khi tắm thuốc nam chữa viêm da cơ địa

Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 28 tuổi, ở Lâm Thao bị nhiễm khuẩn, phù nề, tiết dịch nhiều vị trí sau khi tắm bằng thuốc nam để điều trị bệnh viêm da cơ địa.

Người bệnh có tiền sử bị viêm da cơ địa 1 năm, nghe mọi người mách nên đã đi mua thuốc nam về tắm. Tuy nhiên, sau khi tắm, tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng hơn.

Khi được đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh bị ngứa nhiều, tình trạng đỏ da lan rộng, phù nề, tiết dịch, nhiễm khuẩn nhiều vị trí.

Hình ảnh người bệnh nhiễm khuẩn, phù nề khi vào viện

Người bệnh được điều trị bằng thuốc corticosteroid đường toàn thân, kháng sinh chống nhiễm trùng, kháng histamin và thuốc bôi corticosteroid giúp giảm ngứa, chống viêm. Người bệnh được hướng dẫn cách chăm sóc tổn thương tại chỗ, bôi kem dưỡng ẩm và tắm sữa tắm dưỡng ẩm.

Sau điều trị, tình trạng bệnh có tiến triển tốt, tổn thương đã khô, thâm màu, hết phù nề.

Hơn 5 triệu ca tử vong do kháng kháng sinh

Trong thông báo ngày 23/11 (giờ địa phương), WHO châu Âu đề cập đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, 1 trong 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu hàng đầu, là nguyên nhân dẫn đến hơn 5 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó, hơn 500.000 ca được ghi nhận tại châu Âu.

Theo Tân Hoa xã, khảo sát được công bố trên Tạp chí Frontiers, có sự tham gia của 8.221 người tại 14 quốc gia ở Tây Balkan, Caucasus và Trung Á. Kết quả cho thấy, một phần đáng kể dân số ở những quốc gia này có thể mua thuốc kháng sinh mà không cần đơn thuốc.

Cũng theo khảo sát, dù không có hiệu quả nhưng 67% thuốc kháng sinh vẫn được kê đơn hoặc sử dụng để điều trị các bệnh do nhiễm vi rút như cảm lạnh và cúm. Đáng báo động, chỉ 37% số người được hỏi cho biết đã nhận được thông tin về việc tránh sử dụng kháng sinh khi không cần thiết.

Lỗ hổng kiến thức cũng là vấn đề đáng lo ngại khi chỉ 16% trả lời đúng tất cả những câu hỏi liên quan đến nhận thức về kháng sinh.

T.M (tổng hợp)