Làm kinh tế vườn, lão nông Quảng Nam thu nửa tỷ/năm

Những năm gần đây, thực hiện đề án 03 của huyện Tiên Phước về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, nhiều hộ dân trên địa bàn Tiên Phước đã triển khai thực hiện hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Năm thu gần nửa tỷ đồng nhờ trồng cây, nuôi gà

Với hàng trăm mô hình kinh tế vườn ở Tiên Phước, nhưng trong đó có mô hình của gia đình ông Đặng Văn Thiệt (thôn 4, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) đầu tư trồng cây ăn quả và kết hợp nuôi gà thả vườn phát triển mạnh. Mô hình làm vườn kết hợp chăn nuôi đã giúp gia đình ông Thiệt ổn định cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên để trở thành nông dân giỏi của huyện.

Nông dân Đặng Văn Thiệt ở (thôn 4, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) với mô hình kinh tế trang trại. Ảnh: T.H

Lão nông ấy, ra đời kiếm sống nơi thành phố xa nhà, qua bao nhiêu năm bươn chải nhưng cuộc sống vẫn không ổn định. Với sự quyết tâm, ông Thiệt đã bỏ phố về lại quê lập nghiệp với mảnh vườn của ông cha để lại.

Ông Đặng Văn Thiệt cho biết, với diện tích 0,5 ha đất đồi, vườn, ông đã trồng các loại cây có kinh tế như, cây tiêu 100 choái, kết hợp với đầu tư chăn nuôi gà, mỗi năm nuôi trên 2.400 con gà.

Đến năm 2019, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước từ dự án cây tiêu và đề án 03 của huyện Tiên Phước về phát triển kinh tế vườn, phát triển trang trại, ông Thiệt đã mạnh dạn trồng thêm 95 cây bưởi da xanh, thanh trà, đến nay vườn anh đã trồng được hơn 100 choái tiêu, bưởi da xanh, thanh trà đã đến độ tuổi thu hoạch, kết hợp với việc chăn nuôi gà cũng đã góp thêm một phần thu nhập, đồng thời cung cấp bón cho cây trồng...

Nông dân Đặng Văn Thiệt đang chăm sóc vườn trái cây. Với diện tích 0,5 ha đất đồi, vườn ông Thiệt đã trồng các loại cây có kinh tế như, cây tiêu 100 choái, kết hợp với đầu tư chăn nuôi gà, mỗi năm nuôi trên 2.400 con gà... Ảnh: T.H

Với sự bền bỉ, lấy mồ hôi đánh vật với thiên nhiên, ông đã không ngừng tìm tòi học hỏi các kinh nghiệm sản xuất từ những người làm vườn có kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của ngành chuyên môn do xã, huyện tổ chức và tìm tòi trên mạng internet.

Có được kinh nghiệm, ông Thiệt tiếp tục mạnh dạn đầu tư hệ thống nước tưới bán tự động một cách bài bản để chăm sóc các loại cây trồng chính trong vườn. Các loại cây trồng được bố trí theo từng lô, trồng đúng theo mật độ quy định; vườn thường xuyên được phát dọn sạch đẹp, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Đối với chăn nuôi gà, ông Thiệt chia sẻ, quan trọng nhất chúng ta nên chú ý các khâu trong chăm sóc, chuồng trại, vắc xin… Với lợi thế khu vườn rộng, việc chăn nuôi dễ dàng hơn, tận dụng được nguồn thức ăn là phế, phụ phẩm trong sản xuất, phối trộn thêm cám, bột gạo, nhờ vậy chi phí ban đầu bỏ ra ít hơn so với thông thường, lấy công làm lãi như vậy tăng thêm nguồn thu.

Đến nay, gia đình lão nông Thiệt đã có nguồn thu nhập ổn định từ các loại cây bưởi da xanh, thanh trà, tiêu Tiên Phước…Bên cạnh đó, kết hợp với chăn nuôi gà cho thu nhập mỗi năm trên 480 triệu đồng. Mỗi năm tổng nguồn thu từ trồng trọt và chăn nuôi sau khi trừ chi phí còn lại khoảng 300 triệu đồng.

Vườn tiêu xum xê, trĩu trái của ông Thiệt. Ảnh: T.H

"Khi bắt tay vào xây dựng khu vườn cũng như chăn nuôi gà, gia đình tôi được sự giúp đỡ của chính quyền, hội đoàn thể xã Tiên Cảnh về cơ chế thực hiện đề án 03 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

Ngoài ra, tôi cũng được tham gia tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cũng như chăm sóc chăn nuôi gà, nhờ vậy mà diện tích bưởi da xanh, cũng như đàn gà của gia đình tôi phát triển tốt. Qua đó, đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định, lo cho 2 con học hành chu đáo", ông Thiệt chia sẻ.

Ngoài ra, bí quyết thành công và nhờ có sự tìm tòi học hỏi tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi; biết sử dụng vacxin để phòng bệnh cho gia cầm theo đúng quy trình kỹ thuật của cấp trên hướng dẫn. Sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường chăn nuôi một cách hợp lý và tạo ra nguồn phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí vừa đem lại hiệu quả cao, tạo cây trồng phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Sản phẩm làm ra luôn được thị trường đón nhận tiêu thụ.

Không chỉ chăm lo làm kinh tế, gia đình ông Thiệt còn tích cực tham gia gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào của địa phương tổ chức để thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước. Nhờ vậy trong nhiều năm liền gia đình ông Thiệt đã đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" cấp xã, huyện.

Dấu ấn kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại Tiên Phước

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, Quảng Nam cho biết, đối với huyện Tiên Phước việc phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã đem lại dấu ấn đậm nét trong kinh tế xã hội của huyện.

"Có thể nói rằng, đề án 03 cùng với Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh là trọng tâm của phong trào phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chỉnh trang vườn nhà xanh - sạch - đẹp - hiệu quả, đã tạo bước đột phá cho nhiều gia đình và quê hương Tiên Phước ngày càng khởi sắc…", ông Anh chia sẻ.

Tiên Phước được mệnh danh là xứ sở cây ăn quả của Quảng Nam. Trong ảnh, một người dân đang thu hái trái bòn bon, trái cây đặc sản của Tiên Phước. Ảnh: CTV

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh, tại Tiên Phước trong những năm qua, xuất hiện nhiều mô hình khá ấn tượng so với địa bàn tỉnh Quảng Nam, đó là phát triển mô hình kinh tế "vườn-ao-chuồng" theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững gắn với chỉnh trang tường rào, cổng ngõ xanh-sạch-đẹp-hiệu quả.

Theo đó, ngoài việc phát triển trang trại, kinh tế vườn ra, Tiên Phước còn tăng cường phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng; đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng trồng.

Đồng thời huyện còn vận động, hướng dẫn nhân dân tích cực thực hiện chuyển dần diện tích rừng trồng cây nguyên liệu bằng các loài keo sang trồng rừng bền vững theo phương thức trồng xen đa loài, kết hợp nhiều nhóm cây có quan hệ mật thiết hỗ trợ cho nhau gồm các loại cây gỗ quý, cây gỗ lớn, cây nông lâm kết hợp, cây dược liệu, thảo mộc và cây chống xói mòn, sạt lỡ; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ về xây dựng nông thôn mới, kinh tế vườn trên địa bàn. Ảnh: T.H

"Bên cạnh đó, các sản phẩm của nông dân sản xuất ra, được hướng dẫn đăng ký sản phẩm OCOP. Qua 5 năm triển khai chương trình OCOP đã đạt được những kết quả cao, Tiên Phước cũng là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng và chất lượng sản phẩm. Hiện nay trên huyện đã có 35 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh, trong đó có 15 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm đạt 3 sao.

Hầu hết chủ thể là các HTX, THT, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; bước đầu xây dựng được các nhóm sản phẩm OCOP cũng như các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương có năng suất, chất lượng tốt như, nhóm sản phẩm thảo dược, nhóm sản phẩm trầm hương, nhóm sản phẩm dầu gấc, dầu mè, dầu phộng, nhóm sản phẩm mì bún, nhóm sản phẩm trái cây....", ông Anh chia sẻ.

Theo Trương Hồng - Xứ Tiên/Dân Việt