Mặt bằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho dòng tiền vào chứng khoán năm 2024

Lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương thậm chí thấp hơn giai đoạn Covid-19. Ảnh Duy Dũng

Lãi suất còn dư địa giảm?

Trong báo cáo vừa cập nhật, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, lãi suất huy động dự kiến biến động đi ngang ở vùng thấp, trong khi lãi vay tiếp tục giảm, hỗ trợ xu hướng thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024.

Mặt bằng lãi suất huy động đã ở vùng thấp lịch sử, thậm chí là về thấp hơn cả thời điểm Covid-19 đối với một số ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất cho vay do có độ trễ, mới chỉ giảm khoảng 2% - 2,25% so với đầu năm. Theo đó, KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024 trong khoảng 4,85% - 5,35%. Dù vậy, lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75% - 1%.

Thanh khoản thị trường năm 2024 kỳ vọng cải thiện

“Năm 2024, kỳ vọng thanh khoản trung bình mỗi phiên dao động trong khoảng 12.000 - 25.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, thanh khoản trung bình phiên của -Index phần lớn trong khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng” - VDSC dự báo.

Theo các chuyên gia của KBSV, chính sách điều hành của ân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn theo hướng nới lỏng khi mà áp lực lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt. Cụ thể, với việc xu hướng giảm lạm phát đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc, được dự bảo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm sau, lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024, hỗ trợ xu hướng ổn định lạm phát của Việt Nam.

Đối với ỷ giá, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đảo chiều hạ lãi suất trong năm 2024, sẽ giúp áp lực tỷ giá không còn là yếu tố đáng ngại trong năm sau. Trong kịch bản cơ sở, NHNN có thể tiếp tục giảm 50 điểm cơ bản lãi suất điều hành và tỷ giá sẽ giảm khoảng 0,5% trong năm 2024.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), từ quý I/2023, Việt Nam đã chuyển dịch chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn" nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết, tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. NHNN đã thực hiện 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành với tổng mức cắt giảm 150 điểm cơ bản. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại giảm mạnh từ 200 - 300 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn.

Dòng tiền vào chứng khoán sẽ được hỗ trợ từ mặt bằng lãi suất thấp

Ảnh minh họa.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, định giá P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 11,1% so với P/E trung bình 3 năm gần đây. Ngoài ra, nếu đặt trong mối tương quan giữa TTCK và lãi suất, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương thậm chí thấp hơn giai đoạn Covid-19, trong khi định giá thị trường hiện tại đang thấp hơn giai đoạn này 19,2%.

Theo đó, “nhìn về năm 2024, chúng tôi kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất từ quý II/2024 với tổng mức giảm khoảng 100 điểm cơ bản xuống mức 4,5% cuối năm 2024. Thông thường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi” - chuyên gia của MBS cho hay.

Bên cạnh đó, theo MBS, một yếu tố hỗ trợ tích cực khác cho TTCK năm 2024 là việc lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy.

Mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đã báo cáo triển vọng thị trường năm 2024, trong đó nhấn mạnh lần đầu tiên sau 2 năm tăng lãi suất, tại cuộc họp tháng 12/2023, FED đã phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024. Trong khi việc FED giảm lãi suất chắc chắn sẽ xảy ra, thì vấn đề quan trọng là cách thức ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất. Điều này củng cố sự ổn định không chỉ của môi trường vĩ mô thế giới mà còn giảm áp lực điều hành tỷ giá của Việt Nam và rộng hơn là chính sách tiền tệ.

“Định giá thấp gần với mức lịch sử 3 năm của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ hạn chế rủi ro giảm giá sâu của thị trường. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng các nhóm ngân hàng thương mại ổn định 5% - 6%. Thanh khoản trung bình phiên phần lớn trong khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng, và lên tới 25.000 tỷ đồng trong giai đoạn thị trường thuận lợi” - chuyên gia của VDSC dự báo.

Với việc mặt bằng lãi suất tiếp tục diễn biến thuận lợi và cung tiền M2 được mở rộng trong năm 2024, các chuyên gia của KBSV kỳ vọng đây là yếu tố hỗ trợ định giá thị trường, xét theo P/E của chỉ số VN-Index, đặc biệt trong bối cảnh lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết hồi phục trong năm sau./.

Thái Duy