Mặt nạ dưỡng da sinh học từ thạch dừa

Mặt nạ sinh học được làm từ thạch dừa của nhóm nghiên cứu.

Mặt nạ thạch dừa là thành phẩm sau khi lên men tự nhiên, nhờ vi khuẩn Acetobacter xylinum. Sản phẩm giữ lại nhiều dưỡng chất, giúp ngăn ngừa lão hóa, da ẩm mượt và mềm mại.

Tận dụng thành phần trong nước dừa tươi

Sàn giao dịch công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM vừa phối hợp với KS Lương Vũ Đăng Quang, sáng lập Công ty TNHH Thiết bị Y tế AMED - một doanh nghiệp khoa công nghệ giới thiệu sản phẩm mặt nạ dưỡng da từ thạch dừa được sản xuất hoàn toàn trong nước.

KS Lương Vũ Đăng Quang cho hay, xu hướng chăm sóc sắc đẹp hiện nay được chị em phụ nữ hướng đến là sử dụng dược liệu thiên nhiên, bởi không chỉ mang lại hiệu quả mà còn rất lành tính.

Trong đó, làn da được hầu hết mọi người quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng. Một làn da khỏe mạnh bình thường có độ ẩm từ 20% - 35%. Khi mất đi một lượng nước da sẽ trở nên thô ráp và bong vảy, có thể đỏ, nứt và ngứa, lớp biểu bì mất khả năng giữ ẩm.

Nếu không được bảo vệ hoặc điều trị, da không thể tự phục hồi, dẫn đến tình trạng khô da dai dẳng. Đắp mặt nạ dưỡng ẩm cho da là một trong những phương pháp có thể cải thiện quá trình hydrat hóa và bảo vệ chống mất nước từ lớp biểu bì.

Hiện nay, mặt nạ cellulose được nhiều người sử dụng, bởi đây là một sản phẩm thu được từ các nguồn tự nhiên như tảo, nấm và vi khuẩn. Đặc biệt là vi khuẩn Acetobacter xylinum thông qua quá trình lên men, được dùng để điều trị da khô.

Chúng không chỉ cải thiện quá trình hydrat hóa của da mà còn có độc tính thấp và có khả năng phân hủy sinh học. Vì vậy, mặt nạ sinh học thường phù hợp và an toàn cho mọi loại da kể cả da nhạy cảm, được nhiều người lựa chọn sử dụng.

Acetobacter xylinum một loại vi khuẩn gram âm thực hiện quá trình lên men thạch dừa. Một số loài vi khuẩn axit axetic khác cũng có khả năng tổng hợp cellulose nhưng được sử dụng phổ biến nhất vẫn là Acetobacter xylinum. Acetobacter xylinum có thể tạo ra axit từ glucose và tổng hợp cellulose.

Nó tạo ra cellulose từ đường và các chất liên quan thông qua chu trình pentose. Cellulose vi khuẩn thu được từ Acetobacter xylinum được phát hiện bao gồm các sợi dài, mịn, có độ ổn định nhiệt đáng kể. Vì vậy, nó được quan tâm sử dụng đặc biệt là làm mặt nạ.

Mặt nạ sử dụng nguyên liệu thiên nhiên

Làm thế nào để tạo ra sản phẩm làm đẹp có nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên? Nhóm nghiên cứu đã nghĩ đến công thức sản phẩm mặt nạ thạch dừa. Theo đó, giống Acetobacter xylinum được nuôi trong môi trường thạch nghiêng gồm nước dừa và các thành phần khác.

Nước dừa già thu nhận ở các nhà máy sản xuất cơm dừa nạo sấy, được lọc qua vải lọc để loại bỏ các tạp chất. Dịch lọc nước dừa bổ sung các chất dinh dưỡng như SA, DAP, đường glucose, tạo môi trường tối ưu cho quá trình sinh tổng hợp sản phẩm.

Môi trường sau khi bổ sung dinh dưỡng được thanh trùng bằng cách đun sôi khoảng 10 - 15 phút để tiêu diệt các vi sinh vật có trong môi trường. Sau đó làm nguội. Dùng acid acetic 40% điều chỉnh môi trường để đạt được pH = 3,8 - 4,0 chỉnh nhiệt độ đến 28 - 31 độ C.

Đổ môi trường vào các khay, cấy giống theo tỷ lệ 1:10. Đậy các khay chứa dịch lên men bằng vải mỏng hoặc giấy. Giữ nhiệt độ phòng ở 28 - 31 độ C trong vòng 5 - 10 ngày. Trong thời gian này quá trình lên men sẽ xảy ra, lớp thạch dần được hình thành trên bề mặt.

Tách khối cellulose ra khỏi dịch lên men. Sau đó rửa khối cellulose bằng nước lạnh. Ngâm sản phẩm trong dung dịch Na2CO3 3 - 5% trong 15 phút để trung hòa acid acetic còn sót bên trong thạch.

Thành phẩm thạch dừa sau khi lên men xong được lấy ra khỏi khuôn và cắt thành từng lớp dày khoảng 2 - 3cm tùy vào nhu cầu của khách hàng. Sau đó, lấy lớp thạch đưa vào máy ép để tách nước ra khỏi sản phẩm, để thu được 1 lớp cellulos mỏng và dai đủ điều kiện để định hình sản phẩm mặt nạ sinh học.

Sản phẩm này được phủ lên 2 lớp vải không dệt 2 bên và đem định hình khuôn mặt theo nhu cầu thông số kỹ thuật của khách hàng. Sản phẩm sau khi định hình được cho vào mỗi túi để hút chân không và được đem xử lý khử khuẩn.

KS Lương Vũ Đăng Quang cho biết, mặt nạ thạch dừa sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, không sử dụng chất hóa học. Ngoài ra, do mặt nạ được bổ sung collagen nên giúp săn chắc làn da, hỗ trợ tái tạo da, làm mờ vết thâm, dưỡng ẩm, làm dịu da.

Điểm mạnh của nghiên cứu là không dùng hóa chất, nguyên liệu tự nhiên 100% nên gọi là mặt nạ sinh học. Đây sẽ là xu hướng mỹ phẩm làm đẹp chủ đạo của tương lai.

Nhật Phong