Mô hình kinh tế Nga lỗi thời hay đặc biệt?

Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga đánh giá mô hình kinh tế Nga lỗi thời

Ngày 2/8, RT đưa tin, khi trả lời RBK Daily, Chủ tịch Phòng Kiểm toán Nhà nước Nga Alexei Kudrin nhận định rằng mô hình của nền kinh tế Nga đã lỗi thời nên Nga không thể phát triển, nếu không chuyển đổi sang mô hình hiện đại.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga cho rằng Nga đang vận hành một mô hình kinh tế cũ kỹ đã hết hiệu quả. Nga cần phải chuyển đổi sang một nền kinh tế hiện đại dựa trên đầu tư để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy xuất khẩu và liên kết với kinh tế thế giới.

Theo quan điểm của ông Kudrin, chính sách kinh tế của chính phủ Nga nên dừng tập trung vào tiêu dùng nội địa, mà chuyển sang tập trung vào xuất khẩu và đồng thời đẩy mạnh đầu tư trong nước.

“Chúng ta có một mô hình kinh tế cũ, hiện đã hết động lực phát triển nên không thể mang lại kết quả như mong muốn. Nền kinh tế với mô hình này không tạo ra bất kỳ đột phá hoặc hàng hóa mới nào".

Chủ tịch phòng Kiểm toán Nhà nước Nga Alexei Kudrin

Cựu Phó Thủ tướng Nga nhận định chính phủ Nga đã thất bại trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế kích cầu sang mô hình nền kinh tế đầu tư, nguyên nhân là bởi cơ chế cũ không thể vận hành cho mô hình mới.

Ông Kudrin lưu ý rằng tăng trưởng của kinh tế Nga khá thấp trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế chỉ đạt trung bình khoảng 0,5% kể từ năm 2013. Nếu điều chỉnh mô hình, kinh tế Nga có thể tăng trưởng trung bình 4-5%/năm.

Cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Tổng thống Nga cho rằng nguồn lực kinh tế Nga có thể khai thác trên trường thế giới là vô tận. Bên cạnh đó là cần rời bỏ mô sử dụng nguồn lực khai thác dầu khí để tập trung vào tiêu dùng trong nước.

“Nền kinh tế của chúng ta phải có sức cạnh tranh hơn để có thể thúc đẩy gia tăng xuất khẩu. Nếu nền chúng ta trở nên cạnh tranh hơn và bứt phá ra thị trường nước ngoài, nguồn lực này sẽ là vô hạn".

Ông Alexei Kudrin là Bộ trưởng Tài chính Nga giai đoạn 2000-2011, kiêm Phó Thủ tướng Nga giai đoạn 2000-2004 và năm 2007. Tháng 5/2016 ông được bổ nhiệm là Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Tổng thống Nga.

Trong thời gian đảm nhận chức Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Kudrin đã có những đóng góp cho sự phát triển của kinh tế tài chinh Nga, trong đó đặc biệt là giúp Nga vượt khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 một cách ngoạn mục.

“Khi Kudrin làm Bộ trưởng Tải chính, chính phủ Nga đã trả hết các khoản nợ nước ngoài đáng kể từ những năm 1990, đưa kinh tế Nga lên vị thế một nền kinh tế có nợ nước ngoài thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn.

Mặt khác, nhiều khoảnh thu từ xuất khẩu đã được tích lũy tạo nên Quỹ bình ổn giúp Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 trong tình trạng tốt hơn nhiều so với nhiều chuyên gia mong đợi", theo RIA Novosti.

Năm 2006 ông Kudrin nhận được giải thưởng "Bộ trưởng Tài chính tốt nhất của một quốc gia đang phát triển tại Châu Âu" do IMF và WB công bố. Ông Kudrin nhận gải thưởng "Bộ trưởng Tài chính của năm 2010" do tạp chí Euromoney bầu chọn.

“Ông Kudrin được xem là trí thức hàng đầu trong việc tạo ra các chính sách kinh tế cho cả 2 Tổng thống Putin và Medvedev", theo Kommersant. Khi bước vào nhiệm kỳ 4, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm ông Kudrin làm Chủ tịch Phòng Kiểm toán Nga.

Vì vậy, đánh giá của ông Kudrin về nền kinh tế hiện nay rất được dư luận và đặc biệt là giới hoạch định chính sách quan tâm. Tuy nhiên, liệu góp ý của ông có làm thay đổi chính sách mà chính phủ Nga đang triển khai hay không thì còn là vấn đề cần bàn.

Tỷ trong giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Nga tăng nhanh

Mô hình kinh tế Nga lỗi thời hay đặc biệt?

Giới phân tích cho rằng, hiện nay nước Nga là một thực thể chính trị đặc biệt hay nói đúng hơn là nước Nga đang tồn tại và phát triển trong một điều kiện đặc biệt, khi hệ thống bao vây cấm vận của Mỹ-phương Tây ngày càng siết chặt.

Chính quyền của Tổng thống Putin phải đưa nước Nga vượt cấm vận trong bối cảnh không thề thoát cấm vận. Mỹ-phương Tây áp cấm vận-trừng phạt gần như tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế-chính trị-xã hội và ngoại giao của nước Nga.

Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, để đứng vững và phát triển, nước Nga phải có mô hình kinh tế đặc biệt, chính phủ Nga phải có các chính sách kinh tế đặc biệt, để đảm bảo ổn định và phát triển cho cả kinh tế vĩ mô và vi mô.

Đó được xem là nguyên nhân khiến Tổng thống Putin không lựa chọn hình thức tăng trưởng dựa trên gia tăng nợ vay như nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển lựa chọn. Lựa chọn đó đảm bảo an toàn cho nước Nga, cho người dân Nga.

Chính vì lựa chọn an toàn nên không thể có chính sách mạo hiểm, vì an toàn nên sẽ ít đột phá. Mà không mạo hiểm, ít đột phá thì sẽ chắc nhưng mà chậm và đây chính là biểu hiện của mô hình phát triển kinh tế Nga hiện nay.

Vì chậm mà chắc, nên có nhiều thay đổi không dễ nhìn thấy và được ghi nhận, cũng từ đó có những thành quả không được đánh giá cao. Như việc cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, giảm nguồn thu dầu khí từ 55% xuống dưới 40%.

Hay việc gia tăng tỷ lệ giá trị xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu trong tổng giá trị xuất khẩu dầu thô, tăng tỷ lệ giá trị xuất khầu khí tự nhiên hóa lỏng trong tổng giá trị xuất khẩu khí đốt của Nga.

Đặc biệt, nước Nga từ một nền kinh tế nặng về khai thác và phát triển công nghiệp nặng đã trở thàng một quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu, chỉ đứng sau xuất khẩu dầu-khí.

Đúng là hiện nay nước Nga chưa có một nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, song để có thể đứng vững và phát triển trong bối cảnh hết bị kẹp bởi gọng kìm "cấm vận-giá dầu thô giảm" đến gọng kìm "cấm vận-dịch bệnh" là một thành quả rất tích cực.

Ngân sách Nga giảm mạnh nguồn thu từ dầu khí

Trong bối cảnh đặc biệt như nước Nga, khai thác nguồn lực trong nước quan trọng hơn tranh thủ nguồn lực từ nước ngoài. Chính phủ Nga đã thực hiện chính sách theo hướng này, khi từ chối nhiều khoản vay của các định chế tài chính quốc tế.

Với nguồn lực từ đầu tư nước ngoài, chính phủ Nga thực hiện chính sách "cởi mở khi chào đón, thận trọng khi tiếp nhận". Chính vì vậy mà không mang tính đột phá, nhưng lại tạo thế-giữ lực cho đầu tư trong nước.

Không thể phủ nhận, chính sách tài chính của chính phủ Nga trong quá trình hiện thực hóa chủ trương của Tổng thống Putin nâng cao sức mua cho đồng nội tệ đã đảm bảo và tăng lợi ích cho các doanh nghiệp Nga và các doanh nghiệp hoạt động tại Nga.

Hiện nay các tập đoàn kinh tế lớn của Nga hầu hết đều có cổ đông chiến lược nước ngoài, nhưng hậu quả chương trình tư nhân hóa thời chính quyền Tổng thống Yeltsin luôn cảnh báo cho việc biến các đơn vị kinh tế Nga thành các tập đoàn đa quốc gia.

Chủ tịch phòng Kiểm toán Nhà nước Nga cho rằng kinh tế Nga thiếu tính cạnh tranh nên tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, trong gần một thập kỷ bị cấm vận nước Nga chỉ có 1,2 năm tăng trưởng âm bởi cú sốc tài chính diễn ra cùng với giá dầu thô chạm đáy.

Những năm còn lại tăng trưởng của kinh tế Nga luôn cao hơn mức tăng trưởng trung bình của kinh tế toàn cầu. Trong khi kinh tế Nhật Bản có chu kỳ suy thoái tới 1/4 thế kỷ, dù kinh tế Nhật Bản không vận hành trong điều kiện đặc biệt như Nga.

Giới phân tích cho rằng, mô hình kinh tế Nga hiện nay không phải lỗi thời, mà là mô hình kinh tế đặc biệt, và chỉ đặc biệt thì mới đứng vững và phát triển trong bối cảnh đặc biệt, có nhiều điểm tích cực, trong cả cơ chế vận hành và kết quả đạt được.

Ngày 2/8, Nhà máy đóng tàu kỹ thuật số Onega ở Petrozavodsk - nhà máy đóng tàu kỹ thuật số đầu tiên ở Nga, đã được lệnh khởi công. Theo Thống đốc Karelia Artur Parfenchikov thì "đến nay Nga không có nhà máy đóng tàu nào như vậy".

Cơ sở vật chất mới của nhà máy và sự phát triển kỹ thuật số sẽ giúp Petrozavodsk có thể đứng vào hàng ngũ các công ty hàng đầu trong lĩnh vực đóng tàu biển, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cảng và các tuyến hàng hải.

Tổng thống Putin chủ trương chậm mà chắc, không tăng trưởng bằng nợ vay

Rõ ràng đây là một ví dụ cho sự đột phá, song có thể nó sẽ không được ghi nhận và đánh giá cao vì chìm trong bức tranh tổng thể "an toàn-không mạo hiểm". Tuy nhiên không thể phủ nhận mô hình kinh tế Nga đang có những chuyển đổi tích cực.

Ông Kudrin là tác giả của hơn 15 công trình khoa học trong các lĩnh vực kinh tế - tài chính, trong đó ông đặc biệt quan tâm chủ đề như cạnh tranh. The New York Times ngày 26/9/2011, nhận định "ông Kudrin luôn đấu tranh cho thị trường tự do”.

Phải chăng vì vậy mà cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Tổng thống Nga mong muốn mô hình kinh tế Nga có tính cạnh tranh cao để tăng khả năng khai thác nguồn lực từ thị trường tự do?

Ngọc Việt