Nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân tỉnh Lai Châu

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn trao đổi với đội ngũ cô đỡ thôn bản tại xã Mù Sang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Châu, thời gian qua được sự quan tâm của Bộ Y tế, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế của ngành Y tế Lai Châu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được thực hiện tốt; bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; chú trọng nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại tất cả các tuyến. Phát hiện, xử lý kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để bùng phát trên diện rộng; duy trì việc tiêm phòng các loại vaccine cho các đối tượng, bảo đảm kịp thời; thực hiện tốt các chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn thiếu hụt Iốt

Cán bộ Trạm Y tế xã Mù Sang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) khám bệnh cho trẻ em trên địa bàn

Cụ thể, trong công tác khám, chữa bệnh năm 2023, toàn ngành Y tế tỉnh Lai Châu đã khám cho tổng số 1.133.062 lượt bệnh nhân, tăng hơn 67 nghìn lượt so với năm 2022; số lượt khám, chữa bệnh của người dân đạt 2,3 lượt người/năm. Tổng số bệnh nhân tăng huyết áp hiện đang được quản lý là gần 20 nghìn bệnh nhân, số bệnh nhân hiện đang điều trị trên địa bàn toàn tỉnh là 10.191 bệnh nhân; số bệnh nhân đái tháo đường hiện đang quản lý là 1.787 bệnh nhân.; tổng số bệnh nhân bướu cổ hiện đang quản lý là 1.751 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân đang điều trị trên toàn tỉnh là 350 bệnh nhân.

Riêng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, nhất là chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh những năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu giao của ngành. Cụ thể, số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất ba lần trong 3 thời kỳ thai nghén đạt hơn 70%; số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ có kỹ năng đạt hơn 70%; tỷ lệ phụ nữ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong vòng 42 ngày sau đẻ đạt hơn 80%...

Thứ trưởng Bộ Y tế và Đoàn công tác thăm và tặng quà phụ nữ sau sinh trên địa bàn xã Mù Sang

Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em đã được triển khai lồng ghép trong Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt” tỷ lệ trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi được uống Vitamin A năm 2023 đạt 98,9% (tăng 0,7% so với năm 2022); tỷ lệ bà mẹ sau đẻ một tháng được uống Vitamin A đạt 93,2%; duy trì cho phụ nữ mang thai và bà mẹ sau đẻ một tháng uống bổ sung viên đa vi chất tại bốn huyện đặc biệt khó khăn là: Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn theo quyết định 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt hơn 80%.

Chia sẻ về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho biết: Bên cạnh những chuyển biến tích cực nêu trên, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ- trẻ em và kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Lai Châu vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế cần sự quan tâm chung tay giải quyết của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đó là tình trạng tảo hôn, sinh đẻ ở tuổi vị thành niên; hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là vấn đề nhức nhối nhất là ở vùng cao, vùng sâu tác động đến chất lượng dân số trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc

Ngoài ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại nhà vẫn cao; tỷ lệ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát các bệnh còn thấp. So với toàn quốc, chỉ số tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng còn cao hơn so với trung bình của toàn quốc, đặc biệt là các huyện nghèo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoa sản, khoa nhi ở nhiều bệnh viện tuyến huyện còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em, trẻ sơ sinh; kinh phí cấp cho hoạt động các chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu, một số chương trình không có kinh phí hoạt động, chủ yếu được thực hiện lồng ghép nên chất lượng, hiệu quả chưa cao.

UBND tỉnh Lai Châu mong muốn Bộ Y tế tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Lai Châu được tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển hệ thống y tế, các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị y tế của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc khỏe nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ kinh phí tập huấn cập nhật về đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế, cô đỡ thôn bản, y tế thôn bản về kỹ năng đỡ đẻ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ- trẻ em. Đồng thời, đề nghị UNFPA và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ các nguồn lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ- trẻ em, chăm sóc sơ sinh và chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Tống Thanh Hải đề nghị.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng: Để triển khai đồng bộ có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng, UBND tỉnh Lai Châu Châu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương “về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và “công tác dân số trong tình hình mới”; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tránh để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, nhất là các dịch bệnh mới nổi; nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đối với một số chuyên ngành còn thiếu tại địa phương như sản- phụ, nhi khoa, hồi sức tích cực, truyền nhiễm, cấp cứu ngoại viện.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Các đơn vị y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe người dân thông qua việc phát triển các ứng dụng như bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe và sổ theo dõi sức khỏe điện tử; kết nối các nền tảng dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh với các phần mềm thống kê y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử.

Mặt khác, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của bà mẹ và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ; tập trung vào giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em, đặc biệt ưu tiên vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đầy đủ chính sách phụ cấp, sử dụng hiệu quả đội ngũ cô đỡ thôn, bản để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này hoạt động hiệu quả, tiếp tục góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở đồng bào các dân tộc vùng khó khăn.

Các đại biểu khởi công giếng nước sạch cho Trạm Y tế xã Mù Sang

Đối với các đề nghị của ngành Y tế tỉnh Lai Châu, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, cũng như các tổ chức quốc tế tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Bộ Y tế sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật của từ các bệnh viện tuyến trung ương cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương để từng bước đưa các dịch vụ y tế chất lượng cao đến người dân trên địa bàn, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Đồng thời, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ đãi ngộ bảo đảm đời sống cho cô đỡ thôn bản thời gian tới.

Trước đó, Đoàn công tác thăm Trạm Y tế xã Mù Sang (huyện Phong Thổ); làm việc với Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ; thăm và tặng quà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu; dự lễ khởi công Giếng nước sạch cho Trạm Y tế xã Mù Sang và làm mới lớp học bản Sàn Sang (xã Mù Sang), với tổng kinh phí 300 triệu đồng do Công ty Humed Pharma tài trợ./.