Nâng cao hiệu quả phối hợp trong kê biên, xử lý tài sản thi hành án

Chấp hành viên Cục THADS TP. Hồ Chí Minh cưỡng chế THA.

Trong các loại tài sản bị kê biên, xử lý để thi hành án thì động sản là loại tài sản phổ biến nhất. Tài sản là động sản rất đa dạng, phong phú về chủng loại, mục đích sử dụng và khó xác định chính xác chủ sở hữu, đặc biệt là đối với các tài sản không có đăng ký quyền sở hữu. Mặt khác, động sản là tài sản rất dễ bị tẩu tán, nên quá trình truy tìm tài sản là động sản cũng rất khó khăn.

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC: Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên căn cứ vào một trong các giấy tờ sau: hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, giấy chứng nhận về quyền sở hữu, sử dụng tài sản hoặc thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng... Vì vậy, đòi hỏi Chấp hành viên phải có kiến thức về nhiều lĩnh lực chuyên ngành, dẫn đến việc xác minh phải được thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, gây tốn kém thời gian và chi phí.

Ngoài ra, việc phối hợp với các cơ quan tổ chức có thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế đối với động sản hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, theo Điều 68 Luật THADS, chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng như xe mô tô, giấy đăng ký xe mô tô…

Trong trường hợp cần thiết, chấp hành viên yêu cầu lực lượng công an hoặc tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ việc tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án. Tuy nhiên, luật lại chưa có cơ chế bảo đảm việc chấp hành viên thực hiện quyền yêu cầu này mà mới chỉ có quy định về việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS theo Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Do vậy, cần sớm nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan công an trong việc phối hợp, hỗ trợ chấp hành viên trong việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với động sản.

Đối với bất động sản, đây là loại tài sản gặp nhiều khó khăn hơn khi xử lý so với các đối tượng tài sản khác do thường gắn chặt với quyền lợi của nhiều người, nhiều thế hệ (nhà cửa, đất đai, công trình kiến trúc…). Trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến bất động sản, Chấp hành viên còn gặp phải khó khăn, vướng mắc do thông tin về tài sản phải thi hành án được mô tả trong các hồ sơ, tài liệu và bản án không đúng với thực tế. Khi xét xử có nhiều trường hợp Tòa án không tiến hành xác minh thực tế chỉ căn cứ hồ sơ thế chấp để quyết định. Khi cơ quan THADS tiến hành xác minh mới phát hiện có nhiều thông tin ghi trong hồ sơ tài sản, trong bản án không đúng với thực tế. Ngoài ra, trong thực tế còn có trường hợp bản án tuyên thiếu hoặc tuyên không rõ ràng về phần tài sản phải thi hành án (như bỏ sót người có quyền lợi liên quan đến tài sản, tuyên thiếu một bộ phận tài sản, tuyên không rõ về phạm vi, giới hạn quyền của người được thi hành đối với tài sản…) dẫn đến nhiều khó khăn trong tổ chức thi hành.

Khi tiến hành xác minh tài sản là bất động sản để thi hành án, cơ quan THADS cũng thường gặp phải tình trạng người phải thi hành án tẩu tán tài sản hoặc cố tình trốn tránh không hợp tác. Trong trường hợp này, Chấp hành viên buộc phải thực hiện các thủ tục như xác minh nơi ở của người phải thi hành án, tiến hành niêm yết công khai tại nơi có tài sản, nơi cư trú của người phải thi hành án… dẫn đến việc tổ chức thi hành án phải kéo dài. Mặt khác, khi phải tiến hành cưỡng chế thi hành án, cơ quan THADS vẫn chưa nhận được sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ từ các cơ quan, ban ngành, tổ chức liên quan.

Những khó khăn nêu trên là tình trạng chung của nhiều cơ quan THADS địa phương. Để góp phần khắc phục, Chấp hành viên cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn về nhiều lĩnh vực khác nhau để tổ chức xác minh, xử lý tài sản thi hành án đúng quy trình, quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ như TAND các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp, các vụ việc có liên quan đến xác định, phân chia, xử lý tài sản; phối hợp cơ quan công an trong cưỡng chế kê biên tài sản; phối hợp Văn phòng đất đai, Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm trong xác minh thông tin, nguồn gốc tài sản...

Lê Hồng