Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đứng chân và làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo chiến lược, trọng yếu của đất nước, phạm vi quản lý, chấp pháp rộng, môi trường khắc nghiệt; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhất là tình trạng ôn lậu, tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, thăm dò khoáng sản, đánh bắt hải sản trái phép… Trong bối cảnh đó và trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự, an toàn biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã triển khai đồng bộ các biện pháp, khắc phục mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết tâm giữ vững an ninh trật tự, an toàn trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, đối ngoại và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã đẩy mạnh quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Ban chỉ đạo 138 Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Ban chỉ đạo 1389 Cảnh sát biển về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Đảng ủy Vùng ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, Bộ Tư lệnh Vùng xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy và vi phạm pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp cùng lực lượng Biên phòng, Công an, Hải quan, Cảng vụ… tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa vận chuyển trên vùng biển đảm nhiệm. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thiếu tướng Ngô Bình Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát biểu kết luận Hội nghị.

Theo đó, Vùng chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, nâng cao chất lượng nguồn tin, nhằm chủ động triển khai biện pháp phòng ngừa, tổ chức ngăn chặn, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và hoạt động của các đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật. Vùng phối hợp chặt chẽ với Biên phòng, Công an, Hải quan, Cảng vụ... trao đổi thông tin, coi trọng phát huy “tai mắt” của Nhân dân và lực lượng hoạt động trên biển trong việc nắm, thông báo tình hình. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm, dự báo chính xác tình hình. Trong đó, trọng điểm tập trung theo dõi, bám nắm tình hình trên các khu vực biển trọng điểm; các giàn khoan, tàu nghiên cứu thăm dò, tàu quân sự, chấp pháp, tàu cá của nước ngoài trong khu vực vùng biển đơn vị quản lý; hoạt động của tàu cá Việt Nam ở khu vực giáp ranh, chồng lấn, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và hoạt động của các tàu vận tải, tàu thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vùng đã tổ chức hàng trăm lượt chuyến tàu tuần tra, kiểm tra nắm tình hình liên quan đến an ninh quốc gia và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; đặc biệt là khu vực ần đảo Trường Sa, DK1 và vùng biển phía Nam.

Trong năm 2023 Vùng đã kịp thời nắm, xác minh hơn 800 tin các loại về an ninh chủ quyền trên biển; báo cáo hàng chục vụ việc tàu cá của ngư dân ta có hành vi đánh bắt hải sản trái phép, vi phạm IUU, tàu cá bị lực lượng nước ngoài truy đuổi kiểm tra, bắt giữ, tịch thu tài sản; 03 vụ tàu Hải cảnh, nhiều vụ tàu cá Trung Quốc hoạt động vi phạm trong vùng biển Việt Nam; 05 vụ tàu cá bị nạn trên biển. Để chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU, Vùng đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tăng cường công tác phòng, chống vi phạm IUU khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Indonesia - Thái Lan, đạt kết quả tích cực. Phát hiện, điều tra xử lý 48 vụ/48 tàu có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; phát hiện, dẫn giải, tổ chức điều tra xử lý 02 vụ/03 tàu/15 ngư dân nước ngoài vi phạm IUU trên vùng biển Việt Nam. Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, Vùng phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý 25 vụ/28 phương tiện/83 đối tượng. Những kết quả đó góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm, tội phạm trên vùng biển quản lý.

Để nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật, Vùng chú trọng công tác tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ pháp luật, phổ biến kinh nghiệm, kỹ năng đấu tranh, xử lý các vụ việc, tình huống cho cán bộ, chiến sĩ và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân. Thực tiễn cho thấy, lực lượng cảnh sát biển hoạt động mang tính độc lập rất cao, các vụ việc, tình huống diễn ra trên biển trong điều kiện sóng gió phức tạp, bất kể thời gian ban ngày, ban đêm, đối tượng vi phạm thủ đoạn tinh vi, nhất là tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, các hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia trên biển, nếu cán bộ, chiến sĩ không có bản lĩnh vững vàng, nghiệp vụ tinh thông, nắm chắc pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, cùng với đặt lên hàng đầu việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, Vùng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và truyền đạt kinh nghiệm đấu tranh, xử lý các tình huống cho bộ đội bằng đa dạng hình thức, biện pháp. Trong đó, kết hợp chặt chẽ tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp, thực hiện cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới với tự học, tự bồi dưỡng lẫn nhau và tăng cường huấn luyện, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, để nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ, chiến sĩ. Đã tổ chức tập huấn 07 chuyên đề và tham gia tập huấn trực tuyến 09 chuyên đề về công tác nghiệp vụ pháp luật do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức; cử lực lượng tham gia 02 đợt tập huấn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm do Chính phủ Hoa Kỳ và Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) tổ chức.

Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với các ban, sở, ngành, địa phương trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn với nội dung trọng tâm: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền, an ninh biển, đảo; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; trách nhiệm của ngư dân đối với nhiệm vụ khai thác, đánh bắt hải sản kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo thông qua nhiều hình thức, phương pháp phù hợp, như: tuyên truyền trực tiếp; trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; phát tờ rơi... Nhờ đó, các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo; đề cao trách nhiệm trong tham gia phát hiện, tố giác vi phạm, tội phạm, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo nền tảng để Vùng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Dẫn giải tàu về cảng.

Thời gian tới, dự báo tình hình Biển Đông còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các nước trong khu vực tăng cường huy động tàu quân sự, chấp pháp neo đậu tại các vị trí đã chiếm đóng trái phép, sử dụng tàu cá với số lượng lớn để tranh chấp ngư trường và khẳng định chủ quyền, đưa tàu công vụ vào tiến hành các hoạt động khảo sát, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đòi hỏi yêu sách chủ quyền tại vùng biển giáp ranh, khu vực chồng lấn. Bên cạnh đó, tình hình tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại còn tiếp diễn phức tạp. Các loại tội phạm, vi phạm trên biển ngày càng tinh vi hơn. Nổi lên là hoạt động vận chuyển, mua bán, sang mạn xăng dầu phục vụ cho quá trình khai thác thủy hải sản và vận tải hàng hóa tại khu vực phía Nam, Đông Nam Côn Đảo và vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Malaysia, Việt Nam - Indonesia.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ; trong đó, tập trung thực hiện tốt mội số nội dung sau:

Một là, lãnh đạo tốt công tác nắm tình hình vi phạm pháp luật trên vùng biển quản lý; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật; tập trung lãnh đạo, triển khai duy trì nghiêm chế độ trực, tăng cường lực lượng hoạt động nghiệp vụ nắm chắc diễn biến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa Bộ Tư lệnh Vùng với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy chế phối hợp đã ký kết. Triển khai lực lượng hợp lý, thực hiện đấu tranh kiên quyết và xử lý có hiệu quả các vụ việc vi phạm, tội phạm, đảm bảo an toàn trong thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý rèn luyện cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”. Quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác bảo vệ an ninh quân đội, nhất là Chỉ thị số 222/CT-ĐU của Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “bốn tốt, bốn không, bốn chống”; gắn với làm tốt công tác định hướng, quản lý chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng về ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của quân nhân.

Tập trung xây dựng đơn vị thực sự vững mạnh về chính trị; trong đó, chú trọng duy trì, thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng, làm cho cán bộ chiến sĩ thấu hiểu đặc điểm yêu cầu, nhiệm vụ của Vùng, âm mưu thủ đoạn của đối tượng, các loại tội phạm, cùng những khó khăn, thử thách phải vượt qua... từ đó xây dựng bản lĩnh, ý chí, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực đấu tranh, xử lý các tình huống cho cán bộ, chiến sĩ. Đây là giải pháp quan trọng, trực tiếp quyết định hiệu quả thực thi pháp luật. Các cơ quan, đơn vị thực hiện phân cấp bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực, truyền đạt kinh nghiệm đấu tranh, xử lý các tình huống cho bộ đội. Trong đó, tập trung nâng cao kiến thức về pháp luật, quy trình, kinh nghiệm đấu tranh, xử lý các vụ việc trên biển liên quan đến chức trách, nhiệm vụ từng bộ phận, cá nhân. Tăng cường huấn luyện nâng cao năng lực thực tiễn, bảo đảm cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ thực thi pháp luật trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát biển.

Bốn là, hiệp đồng chặt chẽ; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện hoạt động trên vùng biển và địa bàn quản lý; tiến hành đồng bộ, hiệu quả các biện pháp; đồng thời, hỗ trợ lẫn nhau trong xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Chủ động trao đổi thông tin, kịp thời nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động của các loại đối tượng, phương tiện vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh chủ quyền biển, đảo để có biện pháp xử lý kiên quyết, phù hợp.

Năm là, thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng. Tăng cường phối hợp, hợp tác quốc tế với lực lượng chấp pháp của các nước; kịp thời và phát hiện, trao đổi thông tin liên quan đến vi phạm của tàu nước ngoài, thống nhất biện pháp xử lý bảo đảm xử lý nhanh, hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật Việt nam và luật pháp quốc tế.

Thiếu tướng NGÔ BÌNH MINH

(Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3)