Ngày này năm xưa: 15/6

Bác Hồ và đồng chí Hồ Tùng Mậu. Ảnh: hochiminh.vn

Sự kiện trong nước:

- Ngày 15/6/1896 là ngày sinh nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng Hồ Tùng Mậu. Đồng chí Hồ Tùng Mậu sinh ra tại làng Quỳnh Đôi (nay là xã Quỳnh Đôi), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hồ Tùng Mậu là một nhà yêu nước và cách mạng trí thức bản lĩnh, người học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí là một trong những người đầu tiên tham gia tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, và đã tham dự các lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Hồ Tùng Mậu được giao nhiều chức vụ quan trọng: Chủ tịch Ủy ban hành chính liên khu IV. Tổng thanh tra của Chính phủ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 31 năm hoạt động cách mạng, trong đó 14 năm trong lao tù đế quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã thể hiện rõ là người cộng sản tiền bối, kiên trung, thực sự hòa mình vào quần chúng, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho nhân dân. Tên tuổi và những cống hiến của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã đi vào lịch sử của cách mạng Việt Nam. Đồng chí Hồ Tùng Mậu đã hy sinh trên đường đi công tác ở Thanh Hóa ngày 23/7/1951.

- Ngày 15/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Hà Tĩnh. Nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên các cơ quan và đoàn thể trong tỉnh, Người khen ngợi cán bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực công tác; có nhiều cố gắng trong cải cách ruộng đất và sửa sai để kiện toàn tổ chức, lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất; biểu dương hai gương tốt của tỉnh Hà Tĩnh... Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Tĩnh chú ý khắc phục những khuyết điểm như còn kém đoàn kết trong nội bộ đảng, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đảng viên cũ và đảng viên mới; kém ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm; có tư tưởng cá nhân, suy bì tỵ nạnh; cấp trên và cấp dưới, trong đảng và ngoài đảng quan hệ chưa mật thiết; còn có những cán bộ tham ô, lãng phí; thiếu nhận thức đúng đắn về lao động, coi thường lao động chân tay; một số cán bộ còn biểu hiện công thần. Về nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh, Người nêu rõ: Phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn; chú ý phát triển tăng gia sản xuất; chú ý làm tốt nghĩa vụ thuế và trả nợ cho Nhà nước; cán bộ phải gương mẫu, liên hệ mật thiết với quần chúng; phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 100 huy hiệu của Người để tỉnh Hà Tĩnh làm giải thưởng thi đua. Cùng ngày, Người thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh; thăm một đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn Hà Tĩnh.

- Cũng trong ngày 15/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Quân khu 4 và nói chuyện với đại biểu các đơn vị quân đội trong Quân khu. Sau khi biểu dương thành tích về sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cố gắng học tập và công tác, giúp nhân dân trong công tác sửa sai và phòng, chống thiên tai, Người nhắc nhở cán bộ và chiến sĩ phải sửa chữa các khuyết điểm: Tinh thần cảnh giác chưa đầy đủ; một số cán bộ, chiến sĩ còn có biểu hiện công thần, suy bì ghen tị; một số quan niệm chưa đúng về phân công lao động; ý thức kỷ luật quân đội có lúc biểu hiện chưa nghiêm. Người nêu rõ những nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trong Quân khu: Phải nâng cao cảnh giác cách mạng; làm tốt công tác học tập và chỉnh huấn chính trị; cố gắng học tập nâng cao trình độ kỹ thuật ân sự và nghiệp vụ; chống tham ô, lãng phí; nâng cao kỷ luật lao động và ý thức tiết kiệm; thực hành đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết Bắc - Nam.

Quốc kỳ Đan Mạch. Ảnh: The Copenhagen Tales

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 15/6/1219 là ngày ra đời của quốc kỳ Đan Mạch, quốc kỳ lâu đời nhất trên thế giới. Quốc kỳ Đan Mạch được biết đến với tên gọi Dannebrog có nghĩa là “Tấm vải của Đan Mạch”. Kể từ năm 1913, ngày 15/6 công nhận là một trong những ngày quốc kỳ tại Đan Mạch và được biết đến với tên gọi Ngày Valdemar và Ngày đoàn tụ. Vào ngày này, người dân trên khắp cả nước treo cờ để nhớ về nguồn gốc của quốc kỳ Đan Mạch.

PV