Nghiêng về phía yêu thương

Một trong những tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương.

Tưởng nhớ 10 năm ngày mất của nhà văn Trần Hoài Dương, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cùng gia đình nhà văn tổ chức một buổi tọa đàm về ông. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình được tổ chức gọn nhẹ hơn dự kiến ban đầu nhưng vẫn ấm cúng, chan chứa tình cảm của những nhà văn, nhà thơ dành cho nhà văn Trần Hoài Dương, người đã dành trọn đời mình sáng tác cho thiếu nhi…

Buổi tọa đàm tưởng nhớ nhà văn Trần Hoài Dương - Con người và tác phẩm - có sự tham gia các nhà văn, tác giả yêu mến ông như nhà văn Bích Ngân, nhà văn Trầm Hương, nhà văn Trần Quốc Toàn, nhà thơ Cao Xuân Sơn… cùng những tác giả trẻ luôn xem tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương là những bài học quý trên con đường sáng tác của mình như Võ Thu Hương, Trương Huỳnh Như Trân… Những bài tham luận, những câu chuyện chia sẻ trong buổi tọa đàm đã khắc họa lên chân dung văn và đời của một trong những tác giả lớn về văn học thiếu nhi Việt Nam.

Là người kết nối giữa Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và gia đình nhà văn Trần Hoài Dương để có buổi tọa đàm đầm ấm này, nhà văn Trần Quốc Toàn đã chia sẻ về quyển sổ tay của nhà văn Trần Hoài Dương. Theo nhà văn Trần Quốc Toàn, tác giả của truyện dài "Miền xanh thẳm" là một người luôn quý trọng đồng nghiệp, ông chép khá nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trong sổ tay của mình không chỉ vì tình yêu cá nhân mà còn để giới thiệu đến độc giả, các nhà văn những tác phẩm mới, hay của đồng nghiệp ở khắp mọi miền.

Là người từng có thời gian gắn bó với nhà văn Trần Hoài Dương, nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản (NXB) Kim Ðồng khu vực phía nam, chia sẻ, khi anh mới về làm Trưởng ban biên tập NXB Kim Ðồng, chính nhà văn Trần Hoài Dương là người đầu tiên hướng dẫn anh cách chọn đề tài để xuất bản, xây dựng bản thảo, đồng thời cũng là người cho anh có được định nghĩa rõ hơn về công việc của một biên tập viên. "Nhà văn Trần Hoài Dương ứng xử rất tốt với đồng nghiệp, anh biết cách tập hợp đội ngũ. Với cá nhân tôi, anh là người tinh tế, đã dạy cho tôi những bài học ứng xử trong cuộc sống", nhà thơ Cao Xuân Sơn kể lại.

Nhà văn Trần Hoài Dương đã để lại cho đời hàng chục tác phẩm gồm các tập truyện ngắn, đồng thoại, truyện dài, các sách tuyển chọn và giới thiệu tác phẩm tại các NXB Kim Ðồng, Hà Nội, Phụ nữ, Long An, Trẻ, Văn học,… Ngoài ra, ông còn có kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó có năm kịch bản được dựng thành phim. Nhà văn Trầm Hương cho biết, suốt một đời sáng tác, nhà văn Trần Hoài Dương đã đoạt nhiều giải thưởng quan trọng, tất cả đều là những tác phẩm hay, có giá trị lâu dài dành cho thiếu nhi.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tuy không đến dự buổi tọa đàm, nhưng ông đã gửi cho ban tổ chức bài tham luận sâu sắc về con người và tác phẩm "Miền xanh thẳm" của Trần Hoài Dương. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sau hơn 20 năm kể từ ngày "Miền xanh thẳm" ra mắt, đời sống đã có nhiều thay đổi nhưng vẻ đẹp của nó không bao giờ thay đổi. Ước mơ làm một người tử tế để dâng hiến cho con người, cho dân tộc không bao giờ thay đổi. Con đường đi tới hạnh phúc thực sự cũng không thay đổi. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong "Miền xanh thẳm". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: "Nhà văn Trần Hoài Dương, người đã dựng lên một Miền cho rất nhiều người đang sống. Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương chính là biển chỉ dẫn cho con người đi tìm miền xanh thẳm của chính mình".

Theo nhà phê bình văn học Bùi Thanh Truyền, sau Tô Hoài, Trần Ðăng Khoa, thì Trần Hoài Dương là nhà văn có những trích đoạn được đưa vào sách giáo khoa nhiều nhất. Sở dĩ tác phẩm của ông được chọn nhiều vào sách giáo khoa vì nó giàu tính giáo dục. "Ông xem tuổi thơ, sáng tác cho trẻ em như là thứ đạo của đời mình, người tôn thờ thứ đạo ấy để làm đẹp cho cuộc đời, qua đó làm đẹp cho chính mình thì có lẽ ông sẽ sống mãi theo thời gian", nhà phê bình văn học Bùi Thanh Truyền nhận định.

Tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương được nhiều thế hệ yêu thích. Với nhà văn trẻ Trương Huỳnh Như Trân, chị say mê những câu chuyện đồng thoại của ông. Phải có một trái tim vô cùng nhân hậu nhà văn mới nhìn thế giới muôn loài gần gũi và thân thương đến thế. Ðó là điều khiến truyện đồng thoại của Trần Hoài Dương chân thật và cuốn hút các em thiếu nhi.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn cho biết thêm, những nhà văn như Trần Hoài Dương không bao giờ cũ. Ông là biểu tượng của một thế hệ nhà văn trong sáng, toàn tâm, toàn ý yêu sự nghiệp viết cho trẻ em, yêu đến mức quên mình đi. Hầu như không có cuốn sách nào có tựa đề đao to búa lớn, tất cả đều nhẹ nhàng, thì thầm, dịu dàng như chính con người nhà văn. Một người chậm rãi, thủ thỉ và nghiêng về phía dịu dàng, phía yêu thương. Gần như toàn bộ sự nghiệp của ông là như vậy. "Sắp tới, NXB Kim Ðồng sẽ chuyển bốn tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương qua thể nghiệm làm sách tranh để đến với độc giả trẻ hôm nay ở một hình thức khác, lộng lẫy hơn", nhà thơ Cao Xuân Sơn cho biết thêm.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tiếc nuối vì dịch Covid-19 cho nên buổi tọa đàm về con người và tác phẩm Trần Hoài Dương không diễn ra với quy mô như kế hoạch ban đầu. Tuy vậy, với những chia sẻ, những lời tâm sự chân thành của các tác giả yêu mến nhà văn Trần Hoài Dương trong buổi tọa đàm hôm ấy đã khẳng định nhà văn không bao giờ mất. Những tác phẩm của Trần Hoài Dương là những tác phẩm có giá trị thật sự, đã gợi mở cho người đọc, người viết khám phá những cảm xúc của chính mình, nhất là tìm kiếm những lối đi, lối rẽ trên con đường sáng tạo của mình. "Ông đã để lại những tác phẩm của mình, không chỉ cho thế hệ hôm qua, thế hệ hôm nay mà còn là thế hệ ngày mai - những người trẻ đang ảnh hưởng văn chương, tính cách, tâm hồn của Trần Hoài Dương", nhà văn Bích Ngân khẳng định như vậy.

Bài và ảnh: Linh Nguyễn