Người mua được nhà ở xã hội của Đức giống như trúng số độc đắc

Cung không đủ cầu khiến giá thuê nhà ở Đức tăng cao

Cuộc khủng hoảng nhà ở

Cơn ác mộng của Amir Schraff bắt đầu vào ngày 24-12-2022. Hôm đó, người cha đơn thân đến từ Afghanistan, sống ở Đức hơn 16 năm, nhận được thông báo rằng hợp đồng thuê nhà của ông sắp bị chấm dứt vì chủ sở hữu có ý định lấy lại nhà để cho thuê giá cao hơn. Giống như hàng trăm nghìn người ở Đức khác, ông Amir Schraff mất nhiều tháng tuyệt vọng để tìm kiếm một nơi ở có giá cả phải chăng. Ở Đức, luôn có hàng người dài chờ đợi tới lượt xem một căn hộ cho thuê. Cuộc khủng hoảng nhà ở diễn ra rõ rệt nhất ở các thành phố lớn và các thị trấn có đại học. Ví dụ như ở Thủ đô Berlin, giá trung bình cho các hợp đồng thuê mới cao hơn khoảng 2 lần so với các hợp đồng cũ.

Do lãi suất và chi phí xây dựng cao, Chính phủ Đức còn lâu mới đạt được mục tiêu đầy tham vọng là xây dựng 400.000 ngôi nhà mới mỗi năm, trong đó có 100.000 đơn vị nhà ở xã hội. Theo Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, Đức có thêm khoảng 245.000 căn hộ vào năm 2023 và chỉ có 210.000 căn hộ trong năm nay. Với nguồn cung nhà ở ở Đức quá thấp và nhu cầu quá cao, giá thuê nhà cũng tăng vọt. Và trong cơn tuyệt vọng, ngày càng nhiều người như Amir Schraff tìm đến các tổ chức như Deutschen Mieterbund (Hiệp hội Người thuê nhà Đức), vận động thay mặt cho người thuê nhà.

Peter Kox, Giám đốc điều hành của Deutschen Mieterbund ở Bonn/Rhein-Sieg/Ahr cho hay: “Những ngày này, không chỉ những người nhận trợ cấp thường xuyên đến với chúng tôi để được giúp đỡ, mà còn cả những thành viên bình thường trong xã hội”, ông Peter Kox kể.

Thủ tướng Olaf Scholz từng tuyên bố rằng nhà ở là vấn đề xã hội quan trọng nhất ở Đức. Nó không chỉ ảnh hưởng đến các gia đình đơn thân, người thất nghiệp, sinh viên và người tị nạn mà còn ảnh hưởng ngày càng nhiều đến tầng lớp trung lưu. Thực tế, đã có những người bị bỏ lại phía sau trong cuộc tranh giành nhà ở. Họ buộc phải cắm trại để sống hoặc không có nhà ở ổn định, phải chuyển từ nhà người quen này sang người quen khác hoặc qua đêm ở những nơi trú ẩn công cộng. Giám đốc điều hành Hiệp hội Người thuê nhà Đức ở Bonn ước tính, hiện có 3.500 người vô gia cư trong khu vực của ông - gấp 10 lần so với chỉ vài năm trước.

Lỗ hổng trong luật

Đức hiện đang phải trả giá đắt cho những sai lầm trước đây của mình: Chính phủ liên bang đã bán hàng nghìn căn hộ cho các nhà đầu tư tư nhân, đồng thời chính quyền địa phương giảm mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội. “Chúng tôi từng có 4 triệu đơn vị nhà ở xã hội và 15 triệu đơn vị cho thuê, tỷ lệ 1:4. Ngày nay, cứ 1 triệu đơn vị nhà ở xã hội thì có 21 triệu đơn vị cho thuê, nghĩa là tỷ lệ 1:21. Nếu có thể mua được một căn nhà ở xã hội thì không khác gì trúng số độc đắc”, Matthias Bernt, một chuyên gia về chính sách nhà ở đánh giá.

Chính phủ Đức hiện đã đưa ra biện pháp kiềm chế tăng giá thuê nhà bằng quy định một hợp đồng thuê mới được ký, giá thuê không được cao hơn 10% so với hợp đồng thuê tương đương ở khu vực đó. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ đối với các tòa nhà mới, các căn hộ được tân trang và trang bị nội thất mới. “Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn, chúng ta thực sự cần có nhiều quy định hơn đối với thị trường nhà cho thuê. Ví dụ, thật không đúng khi một nửa số căn hộ ở Berlin đang được quảng cáo là được trang bị một phần nội thất nhưng đơn giản là đặt thêm chiếc bàn hay một tủ quần áo rồi tăng tiền thuê căn hộ tới mức đắt “cắt cổ”, Matthias Bernt là quyền trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Xã hội và Không gian Leibniz cho biết.

Tại Ngày Xây dựng nhà ở ở Berlin, các hiệp hội ngành nghề cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo. Họ kêu gọi khoản tiền hàng năm trị giá 23 tỷ euro (24,5 tỷ USD) để thúc đẩy lĩnh vực xây dựng nhà ở đang gặp khó khăn. Đồng thời, họ cảnh báo về một “kịch bản nguy hiểm, trong đó cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở có thể gây ra hiệu ứng domino và gây thiệt hại lớn cho phần lớn nền kinh tế”.

Theo chuyên gia Matthias Bernt, chiến lược chỉ xây và xây sẽ không hiệu quả. Điều quan trọng nhất là việc xây dựng không tốn kém và vẫn có giá cả phải chăng về lâu dài. Nhìn sang Áo hoặc Thụy Sĩ, những nơi cũng có thị trường cho thuê lớn, họ có những mô hình để xây dựng nhà ở lâu dài dù một nửa số căn hộ thuộc sở hữu của thành phố. Điều này đảm bảo rằng nhà ở ở Vienna có giá cả phải chăng.

Theo DW