Người nổi tiếng thì phải có trách nhiệm với việc làm của mình

Với sự ảnh hưởng của giới nghệ sĩ đối với công chúng, việc quảng cáo sai sự thật hoặc thổi phồng công dụng của sản phẩm đôi khi để lại những hệ quả khôn lường... Để chấn chỉnh mặt trái này, một nội dung được nhấn mạnh tại Tờ trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là, “đề xuất bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng”; quy định trách nhiệm và hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng”.

Người nổi tiếng càng cần chuyên nghiệp, trách nhiệm

Trong cuộc trò chuyện với báo chí hôm 24/9, MC Cát Tường cho biết lý do cô từ chối trả lời về ồn ào quảng cáo vì sợ ảnh hưởng đến bộ phim điện ảnh mình tham gia. Sau hơn 8 tháng, cô quyết định lên tiếng về sự việc. Trước khi nhận lời quảng cáo cho thương hiệu sữa, cô cho biết đã kiểm tra giấy tờ kinh doanh của sản phẩm. Cát Tường thừa nhận chủ quan khi quảng cáo sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. “Tôi sai khi lấy uy tín bản thân ra đảm bảo cho chất lượng, công dụng của sản phẩm khi quảng cáo lố” - cô bày tỏ.

Khi sự việc xảy ra, Cát Tường đã liên lạc bên nhãn hàng, nhờ tháo gỡ các video nhưng việc này không diễn ra nhanh chóng vì chưa hết hạn hợp đồng sáu tháng. Cô cho biết, các đại lí của nhãn hàng cũng đăng lại video, cắt ghép, khiến sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát. Cát Tường gửi lời xin lỗi và hứa sẽ nỗ lực bù đắp hậu quả từ hành vi của mình. “Những cái gì không phải, xin mọi người hiểu việc làm của tôi chỉ vì mưu sinh, vì nhiệt tình quá” - cô bộc bạch.

Những năm gần đây, hàng loạt nghệ sĩ dính ồn ào quảng cáo sản phẩm kém chất lượng. Nghệ sĩ Hồng Vân từng xin lỗi khán giả khi quảng cáo về một viên sủi thảo dược. Cô giới thiệu thực phẩm chức năng này có tác dụng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, sản phẩm này đã bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không đúng công dụng như quảng cáo. Các nghệ sĩ tên tuổi như: Đức Thịnh, Ưng Hoàng Phúc, Ngân Quỳnh, Mỹ Uyên, Hoàng Sơn, Hoàng Mập... cũng xuất hiện trong clip quảng cáo liệu trình “siêu giảm béo” sai sự thật của một phòng khám tại TP.HCM.

Sau khi bị báo chí lên án, nhiều người nổi tiếng đã âm thầm xóa bài viết, xem như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Điều này cho thấy sự thiếu trách nhiệm, lợi dụng niềm tin của công chúng để trục lợi từ vi phạm pháp luật của mình. Một số ít nghệ sĩ xin lỗi, hứa hẹn đủ điều nhưng một thời gian sau lại bị công chúng phát giác đang quảng cáo “thổi phồng” về sản phẩm khác.

Sau tất cả lùm xùm, khán giả đặt câu hỏi liệu nghệ sĩ chưa nhận thức rõ hậu quả hay vì món lợi trước mắt mà phớt lờ quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp? PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, việc quảng cáo của các nghệ sĩ, nhất là trên các trang mạng xã hội thời gian qua đã gây nhiều ý kiến trái chiều, trong đó chủ yếu lên án việc quảng cáo sản phẩm không bảo đảm chất lượng, có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Nghệ sĩ là người của công chúng, việc quảng cáo sản phẩm sai lệch gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực đối với khách hàng, xã hội và chính nghệ sĩ.

Tuy nhiên, gốc gác của câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này vẫn là ý thức trách nhiệm của nghệ sĩ trước công chúng. Để xử lý quản lý nghệ sĩ quảng cáo một cách rốt ráo, cần có những định hướng, tuyên truyền và hành lang pháp lý rõ ràng. Mặt khác, điều quan trọng là đạo đức và trách nhiệm công dân cũng như trách nhiệm của nghệ sĩ cần được nhấn mạnh.

Nghệ sĩ nắm vững các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân là rất quan trọng. Họ phải hiểu rằng những quy định, quy tắc trong quảng cáo không chỉ là để hạn chế hoạt động của họ, mà còn để đảm bảo tính chính đáng và đạo đức nghề nghiệp của mình. Nghệ sĩ cần đảm bảo rằng công việc của họ phải tuân thủ đúng những nguyên tắc đạo đức và công bằng, không vi phạm pháp luật. Trong đào tạo nghệ sĩ cũng cần tăng cường việc giảng dạy về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân. Đây là cơ hội để tạo ra một thế hệ nghệ sĩ quảng cáo chuyên nghiệp, có trách nhiệm đạo đức với nghề nghiệp. Càng nổi tiếng, càng cần điều này” - ông Sơn khẳng định.

Công ty quảng cáo cũng có vai trò quan trọng trong việc thể hiện đạo đức và trách nhiệm công dân của nghệ sĩ. Họ cần thiết lập các quy tắc rõ ràng và kỷ luật nghiêm khắc để đảm bảo các nghệ sĩ tuân thủ và chấp hành những nguyên tắc này. Ngoài ra, việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nâng cao nhận thức đạo đức và trách nhiệm của các nghệ sĩ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những quảng cáo chất lượng và đáng tin cậy.

Sự giám sát và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân cũng là giải pháp quan trọng. Các cơ quan quản lý và tổ chức liên quan cần làm việc chặt chẽ với nhau để đảm bảo rằng những trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Cần có một khung pháp lý chặt chẽ

Trong tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung quy định hoạt động của người có ảnh hưởng như nghệ sĩ, KOLs khi quảng cáo sản phẩm.

Theo đó, dự thảo đề cương nêu rõ: “Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu: phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”.

Rất nhiều người ủng hộ và cho rằng đề xuất là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh quảng cáo tràn lan, bát nháo như hiện nay. Bởi nếu điều này được thực hiện, sẽ hạn chế được tình trạng nhiều nghệ sĩ đang bất chấp để quảng cáo sai sự thật.

Theo TS. Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh thì đề xuất này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất là hay, thiết thực và hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong đề xuất cũng cần làm rõ hơn, thế nào là người có tầm ảnh hưởng, ở mức độ nào? Thứ hai là cần thêm có những cơ sở pháp lý đối với chứng nhận tiêu chuẩn của các sản phẩm này. Những người tham gia quảng cáo buộc phải hiểu, phải đọc mới nhận lời quảng cáo cho các sản phẩm đó.

Kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo dựa trên hình ảnh và thương hiệu cá nhân là hợp pháp. Thế nhưng nếu bất chấp hoặc dễ dãi hay vì lợi ích trước mắt mà không kiểm chứng nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thì chính các nghệ sĩ đó đã vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng. Chính vì thế, nếu đề xuất này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thông qua thì có thể ngăn chặn, hạn chế được tình trạng nhiều nghệ sĩ đang bất chấp để quảng cáo sai sự thật.

“Nếu đề xuất này được thông qua thì nó tốt được về tất cả các phía, thể hiện được trách nhiệm của tất cả các bên khi tham gia: Nhà nước có trách nhiệm hơn, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm của mình, các nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo thì phải tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm” - TS. Đặng Vũ Cảnh Linh khẳng định.

Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề phức tạp, cần có sự cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng giữa các cơ quan quản lý, các nghệ sĩ và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý và đáng tin cậy. Chính vì thế, một vấn đề đặt ra là khi các nghệ sĩ, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo dùng và thẩm định sản phẩm thì ai sẽ là người kiểm tra, giám sát, đánh giá độ xác thực của những đánh giá đó đang là vấn đề cần quan tâm.

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng nên có một khung khi đưa ra một chế tài. Tức là khi các nghệ sĩ tham gia quảng cáo, nếu họ thể hiện cảm xúc của họ thì chỉ về cái việc sử dụng sản phẩm đấy thôi. Còn về chất lượng của sản phẩm thì phải có những minh chứng. Nếu như chúng ta làm được câu chuyện này thì không cần quan tâm đến việc thẩm định những lời các nghệ sĩ nói bởi vì những lời đó nó chỉ mang tính chất cảm xúc thôi.

Bày tỏ ủng hộ với đề xuất này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, xét trong bối cảnh nghệ sĩ là người của công chúng, nhận được sự quan tâm đặc biệt và tình cảm yêu mến của công chúng thì việc quảng cáo sản phẩm sai lệch này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực đối với khách hàng, xã hội và chính nghệ sĩ. Vì vậy, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nghệ sĩ phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn đầu tiên là cần có những định nghĩa rõ ràng và cụ thể về các tiêu chuẩn và quy định thẩm định. Cần có một khung pháp lý chặt chẽ để xác định những gì là không chấp nhận được trong quảng cáo, bao gồm những nội dung không lành mạnh, sai sự thật, hay vi phạm pháp luật. Việc xác định tiêu chuẩn này phải được thống nhất và minh bạch để tránh gây hiểu lầm và tranh cãi.

Để bảo đảm tính hiệu quả của việc thẩm định, cần phải xây dựng một hệ thống kiểm tra đáng tin cậy và chính xác. Có thể sử dụng các cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp và độc lập để thực hiện việc này. Tuy nhiên, việc xác định được sự trung thực của một sản phẩm nghệ thuật có thể là một quá trình phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, cần cân nhắc cẩn thận giữa việc bảo vệ tính sáng tạo và tự do nghệ thuật và việc áp dụng quy định thẩm định. Nếu quá chặt chẽ trong việc kiểm duyệt, có thể làm hạn chế sự sáng tạo và đa dạng trong lĩnh vực nghệ thuật.

Cùng với đó là để thực hiện việc kiểm tra và giám sát thì việc thẩm định sản phẩm cần có nguồn lực và chi phí đáng kể để thực hiện một cách hiệu quả và bền vững. Hệ thống kiểm tra, giám sát cần có cơ chế quản lý khiếu nại và xử lý vi phạm một cách công bằng và nhanh chóng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên liên quan và đảm bảo quy trình xử lý minh bạch và khách quan.

Sau rất nhiều những quảng cáo sai sự thật của một số nghệ sĩ, đã đến lúc cần chấn chỉnh để trả lại môi trường trong lành cho xã hội và cho chính nghệ thuật. Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo có thể coi là một biện pháp hữu ích trong việc đảm bảo tính trung thực và đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo, giúp người tiêu dùng không bị lừa đảo hoặc nhận thông tin sai lệch về sản phẩm, cũng qua đây giúp tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các nghệ sĩ và thương hiệu nhãn hàng. Quan trọng là cần một lộ trình hợp lý để việc triển khai thực hiện được hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch, khách quan.

Khánh An