Nhà tái định cư bỏ trống sẽ thành nhà ở xã hội?

Hàng chục năm nay, tại .HCM và Hà Nội có hàng chục ngàn căn hộ tái định cư (TĐC) bỏ trống, chưa bố trí. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân rất cao nhưng rất khó để tìm được căn hộ vừa túi tiền.

TP.HCM cũng từng đề xuất chuyển một phần căn hộ TĐC dư thừa sang nhà ở xã hội (NƠXH) để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân và tránh lãng phí, tuy nhiên bao nhiêu năm nay vẫn giậm chân tại chỗ. Câu chuyện này tiếp tục được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội quan tâm tại buổi thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước ngày 23-5.

Đề xuất chuyển nhà TĐC bỏ trống thành NƠXH

Tại phiên thảo luận tổ, ĐB Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho hay hiện thị trường bất động sản đang thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân, nhất là NƠXH đang rất thiếu. Trong khi đó, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho NƠXH có tỉ lệ giải ngân rất thấp.

Bà Yên đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan vì “chính sách đề ra là rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện”, trong khi người dân rất mong mỏi về nhà ở.

ĐB Tạ Thị Yên cũng nêu thực trạng nhà TĐC xuống cấp, ít người dân về ở, thậm chí bị bỏ trống tại các đô thị lớn hiện nay. Điển hình như tại TP.HCM có tới 14.000 căn hộ TĐC ở huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức dư thừa, bỏ trống nhiều năm nay. Trong khi đó, tại Hà Nội cũng có hàng ngàn căn hộ TĐC bị bỏ trống ở quận Long Biên, quận Cầu Giấy…

Khu tái định cư Bình Khánh có diện tích 38,4 ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm, được xây dựng từ năm 2013 và hoàn thành vào năm 2015, đến nay vẫn đang bỏ trống. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Hàng vạn căn hộ TĐC không có người ở, bị hoang hóa, xuống cấp đang làm lãng phí nguồn lực tài chính công. Trong khi người dân thì vẫn còn thiếu chỗ ở” - ĐB Yên nói và đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

ĐB ễn Lân Hiếu (Bình Định) cũng nêu tình trạng nhiều tòa nhà TĐC bỏ trống tại Hà Nội từng được tận dụng làm BV dã chiến COVID-19 tại quận Hoàng Mai, hay hàng loạt tòa nhà TĐC tại quận Long Biên…

“Tôi tìm hiểu trên báo chí, được biết ở Hà Nội có khoảng 14.251 chung cư TĐC chưa được sử dụng. TP.HCM có 14.000 căn hộ TĐC cũng chưa được sử dụng, rất lãng phí. Trong khi đó, giá chung cư hiện nay đang lên rất cao. Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, có thể thực hiện việc đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng sang NƠXH hoặc cho thuê” - ĐB Hiếu đề nghị.

Vướng khâu định giá

Tại phiên thảo luận, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhận định dù Nhà nước đã dành nguồn lực lớn, quyết tâm cao để phát triển NƠXH nhưng vẫn rất chậm, rất nhiều vướng mắc.

“Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa phân biệt rõ NƠXH với nhà ở thương mại. Lúc đầu tư xây dựng thì là NƠXH, xây xong rồi bán ra ngoài thì lại là nhà ở thương mại, người thu nhập thấp rất khó tiếp cận, chẳng còn tính chất NƠXH. Như vậy, cách tiếp cận về NƠXH của chúng ta chưa thật sự đúng” - ĐB Lâm nói.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng ần Lưu Quang cho rằng hiện nay chưa có sự đồng bộ giữa người làm NƠXH và người đi mua nhà. Người đi mua NƠXH rất khó mua được vì các điều kiện ràng buộc kèm theo, ví dụ nghề nghiệp, mức thu nhập...

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định không có sự lẫn lộn giữa NƠXH và nhà ở thương mại như ĐB Lâm nêu. Bởi để làm được một dự án NƠXH phải đáp ứng rất nhiều điều kiện vì có nhiều ưu đãi, trong đó như ưu đãi về đất đai, vay vốn… Đặc biệt là giá nhà đó do chính quyền địa phương cấp tỉnh, TP quyết định chứ không phải chủ đầu tư làm nhà.

“Nguyên tắc nhà đầu tư NƠXH chỉ có một khoản lời nhất định nhưng không quá cao và nhà đầu tư được Nhà nước bù lại bằng 20% diện tích đất của khu đất đó để làm nhà ở thương mại bán, thu lãi. Còn phần NƠXH thì Nhà nước sẽ khống chế về giá ở mức độ nhất định” - Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cũng thừa nhận hiện vấn đề tiếp cận NƠXH của người dân rất khó khăn. Theo đó, người lao động không đủ tiền để mua, phải dựa vào vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, điều kiện vay mua nhà cũng không dễ. Theo Phó thủ tướng, đây là vướng mắc chính.

Phó thủ tướng cũng dẫn chứng câu chuyện nhà TĐC thừa rất nhiều ở TP.HCM, mà cụ thể là TĐC cho dự án Thủ Thiêm. Hiện nay đang có ý kiến đề nghị chuyển quỹ nhà TĐC này để làm NƠXH, giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề này đang vướng ở chỗ “định giá như thế nào”.

“Bây giờ liên quan đến định giá thì ai cũng khiếp hết, thậm chí số lượng các công ty định giá theo tôi được biết hiện còn rất ít, bằng một phần mấy so với trước đây. Họ cũng ngại định giá vì lĩnh vực quá nhạy cảm. Xin chia sẻ với các ĐB là như vậy” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

NHÓM PV